Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là lần thứ 4 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức. Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có khoảng 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, 29 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.
Đại diện Ban Tổ chức cho biết tính đến trước thời điểm diễn ra Hội nghị, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời, làm rõ thêm nhiều nội dung bà con nông dân nêu ra tại Hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Võ Viết Minh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nói: Chứng kiến từng đoàn người ở quê hương tôi và các nơi khác phải đi xe máy vượt cả ngàn km để bỏ về quê do tác động bởi đợt Covid-19 vừa qua, chúng tôi thấy rất đau xót. Khi về quê họ cũng không có việc làm, thu nhập. Xin hỏi và kiến nghị với Thủ tướng: Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để giúp người nông dân lên thành phố ổn định cuộc sống hơn, đặc biệt là có giải pháp để chuyển đổi lao động, để người dân ly nông nhưng không phải ly hương?
Nông dân Trần Như Kiên (huyện Yên Châu, Sơn La)
Nông dân Trần Như Kiên (huyện Yên Châu, Sơn La) đặt câu hỏi: Thời gian qua, người nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp gì để hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc?
Liên quan hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết bản thân Thủ tướng đã có giao thiệp với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, tiếp xúc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cùng Bộ Công Thương có buổi làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản. Hiện vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với tỉnh bạn để giao lưu hàng hóa giữa 2 nước.
Tuy nhiên, chính sách chống dịch của Trung Quốc và của chúng ta khác nhau, đây là một trong những nguyên nhân khách quan tác động đến việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Trung Quốc cũng không còn dễ tính như trước đây, họ tăng cường kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn; quy định của họ cũng ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc muốn tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch.
"Do đó, muốn xuất khẩu được hàng hóa thuận lợi sang thị trường họ, chúng ta buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, người dân để cùng nâng cao giá trị nông sản"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế tối đa các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng… - Ảnh: VGP
Ông Hoàng Đình Quê (thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đặt câu hỏi: Thời gian vừa qua, giá đất đai tại nhiều nơi đã tăng trưởng nóng, dẫn tới hiện tượng nhiều bà con nông dân cũng tham gia buôn bán đất nông nghiệp. Việc tăng giá đất dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp, cho đảm bảo an ninh, trật tự ở nhiều địa phương. Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có các giải pháp gì nhằm kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai đúng các quy định của pháp luật?
Thủ tướng Chính phủ cho biết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm việc rất tích cực, Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm…
Với vấn đề đất đai, vừa phải có giải pháp xử lý các vấn đề tình thế, vừa phải có giải pháp lâu dài. Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng…
Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) hỏi: Thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao, hầu hết các mặt hàng tăng rất cao so với trước dịch Covid-19, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng. Xin hỏi Thủ tướng Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vấn đề giá cả các mặt hàng tăng cao trong thời gian qua thì Chính phủ, các bộ ngành cũng đã nỗ lực kiểm soát tăng giá, đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá thành sản phẩm. Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân.
Tuy nhiên, vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Chính vì vậy thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào, cụ thể:
Thứ nhất, sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán – người mua. Theo tính toán thì vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm, nên nếu tính toán tỉ mỉ thì hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục kiểm tra kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng. Thứ ba, điều chỉnh thuế đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế… để các mặt hàng, vật tư thiết yếu như phân bón có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, có nhiều cách tiết kiệm chi phí đầu vào. Qua đi thị sát các mô hình ở nhiều địa phương, thấy nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp, thì đó cũng là cách giảm chi phí. Hoặc chúng ta có thể vào HTX mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất.
Thứ ba, chúng ta cần tiến tới tự chủ một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài.
"Giảm chi phí là mệnh lệnh và làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là giải pháp phù hợp"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 8 nhóm vấn đề:
1. Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...), ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Nông dân mong muốn Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
2. Về vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, là tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương.
3. Nhóm câu hỏi về thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp.
4. Nhóm câu hỏi về vốn, tín dụng: Trong thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực giải ngân, bố trí nguồn vốn cho tam nông. Song theo phản ánh của nhiều nông dân, việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn.
5. Nhóm câu hỏi về môi trường ở nông thôn: Nông dân phản ánh, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nhức nhối, mong muốn Thủ tướng có giải pháp chỉ đạo để đảm bảo môi trường nông thôn được xanh, sạch.
6. Nhóm câu hỏi về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
7. Nhóm câu hỏi về vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương.
8. Các vấn đề, kiến nghị, đề xuất khác như: Tình trạng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, phát triển và giữ rừng, công tác KHCN với nghiên cứu giống; khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Bình luận (0)