Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non (GVMN) từ trung cấp lên CĐ. Bộ này lý giải hiện nay, giáo dục MN có trình độ đào tạo trung cấp sư phạm chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình. Yếu kém về chất lượng GV là nguyên nhân chính gây ra những vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở giáo dục MN.
30% GVMN phải nâng chuẩn
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng số GV bậc MN cả nước trong năm học 2017-2018 là 337.488 người. Số GV đạt chuẩn (trình độ trung cấp trở lên) là 332.403 người (chiếm 98,5%).
Nếu theo dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (GVMN phải tốt nghiệp CĐ trở lên) thì số lượng GVMN chưa đạt chuẩn là 107.150 người, chiếm 33,8% (29.221 GV ở bậc nhà trẻ và 77.929 GV bậc mẫu giáo).
Tuy nhiên, đây là số liệu của năm học 2016-2017. Nếu tính vào thời điểm Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực (năm 2019) thì số lượng GVMN chưa đạt trình độ CĐ sẽ giảm nhiều so với thống kê nói trên.
Do số GV chưa tốt nghiệp CĐ phần lớn thuộc nhóm GV lớn tuổi nên sẽ hết tuổi lao động trước khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, nhóm GV mới tuyển dụng đều có trình độ CĐ trở lên.
Số GV tuy chưa tốt nghiệp CĐ nhưng hiện tại học CĐ, ĐH hệ vừa học vừa làm, hệ đào tạo liên thông… sẽ tốt nghiệp trong thời gian 2018 và 2019.
Từ đó, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án và lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo GVMN.
Cụ thể, về lộ trình thực hiện, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực sẽ còn khoảng 30% GVMN (khoảng 80.000 người) phải được đào tạo để nâng chuẩn. Ước tính thời gian đào tạo mỗi khóa học chuyển tiếp từ trung cấp lên CĐ khoảng 1 năm. Nếu các cơ sở giáo dục MN cử GV đi học theo hình thức "cuốn chiếu" từng khóa thì lộ trình nâng chuẩn đào tạo sẽ kéo dài khoảng 5 năm.
Phương pháp thực hiện: Đối với những GV chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm (tính từ thời điểm Luật Giáo dục 2018 có hiệu lực) thì không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn. Các GV này chỉ cần tham gia các khóa bồi dưỡng theo những chuyên đề phù hợp để nâng cao năng lực dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với các trường trung cấp sư phạm MN (cả nước chỉ còn 2 trường) sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyển đổi thành trường CĐ sư phạm (nếu hội đủ điều kiện) hoặc chuyển đổi trường trung cấp sư phạm thành khoa sư phạm tại các trường CĐ... Xây dựng kế hoạch, chương trình và lộ trình để đào tạo liên thông từ trung cấp lên CĐ đối với nhóm giáo sinh đang theo học trung cấp MN.
Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn tất cả giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng trở lên Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chú trọng chất lượng đào tạo
Đồng tình với chính sách nâng chuẩn GVMN của bộ, ông Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Mai (quận 3, TP HCM), nhận định thực tế thời gian đào tạo hệ trung cấp quá ngắn.
"Nói 2 năm thì có vẻ nhiều nhưng thực tế chỉ có 18 tháng là xong. Với thời gian đào tạo ngắn thế này, nhiều em chưa kịp hiểu về nghề, chưa có thời gian thực hành nhiều đã bước vào môi trường giảng dạy. Thiếu kỹ năng sư phạm dễ dẫn đến những hành vi không hay, không đúng mực, nếu muốn quay lại, bỏ nghề cũng không còn kịp nữa. Nếu thời hạn đào tạo như ĐH, vào 1-2 năm đầu, các em thấy không hợp có thể bỏ để đi theo ngành khác" - ông Bình phân tích.
Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường MN tại quận 3 thì cho rằng nếu theo lý giải của bộ là thời gian đào tạo ít dẫn đến yếu kém trình độ GV thì phải nhìn vào chương trình đào tạo hiện nay ở các trường sư phạm. "Đào tạo GVMN hiện nay đang theo kiểu ăn xổi ở thì, có bao nhiêu dùng bấy nhiêu mà không có chọn lọc, đánh giá. Nếu chương trình cứ mãi thiên về lý thuyết, nhẹ thực hành, sinh viên không có điều kiện đi thực tế thì dù đào tạo 3 hay 4 năm cũng khó khả thi" - vị hiệu trưởng này thẳng thắn.
Đồng quan điểm, TS Phan Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Giáo dục MN Trường ĐH Sư phạm TP HCM, dẫn chứng ở Úc, trình độ tối thiểu của GVMN là khóa đào tạo lấy chứng chỉ kéo dài 6-12 tháng. Do đó, vấn đề cốt lõi không phải là thời gian đào tạo ngắn hay dài mà nằm ở chất lượng đào tạo.
Theo bà Hiền, hệ trung cấp tất nhiên không tốt bằng CĐ và ĐH nhưng việc đào tạo nhân lực có đáp ứng nhu cầu xã hội, ngành nghề được hay không thì phải tùy vào chất lượng đào tạo của nhà trường. "Để có lực lượng GV chất lượng cần các giải pháp vĩ mô: tạo môi trường làm việc tốt và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút người có tài, có tâm vào các cơ sở đào tạo GVMN, nâng cao chất lượng đào tạo của tất cả các hệ" - bà Hiền đề xuất.
Trước đó, tại hội thảo của Trường ĐH Sư phạm TP HCM, TS Hiền cũng nhấn mạnh trong môi trường sư phạm, GV là yếu tố cốt lõi. Sinh viên có phát triển hay không không phải ở chương trình học mà là ở GV. "Chương trình GD-ĐT các cấp đang được tái cấu trúc, hoàn thiện để đạt được các chuẩn năng lực người học nhưng chuẩn đầu ra sẽ không thể thực hiện nếu chỉ dừng ở đổi mới chương trình mà không có sự đổi mới đồng bộ của phương pháp giảng dạy" - TS Hiền nói.
Cũng tại hội thảo này, TS Nguyễn Đức Danh, Trưởng Khoa Khoa học Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng nước ta cần có các chương trình bổ sung để sàng lọc, tuyển chọn thí sinh thi vào sư phạm như các nước phát triển. "Tại những nước phát triển, các trường/khoa sư phạm đều yêu cầu thí sinh nộp kèm "xác nhận đáp ứng điều kiện làm việc với trẻ em" khi nhận vào học hoặc phải có xác nhận này trước khi xếp giáo sinh tham gia các hoạt động với học sinh như đi thực tế, thực tập tại trường phổ thông" - ông Danh cho biết.
Đãi ngộ tốt sẽ nâng chất giáo viên
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, mỗi năm tại TP, các trường trung cấp đóng trên địa bàn cung cấp khoảng 4.000 GVMN ra trường. Trong số này không có quy hoạch cụ thể đào tạo cho TP bao nhiêu, các địa phương khác bao nhiêu.
Tuy nhiên, hầu hết GVMN tại TP HCM đều có trình độ trên chuẩn, nguyên nhân nhờ chính sách đãi ngộ. Cụ thể, theo Nghị quyết 01 (năm 2014) và Nghị quyết 04 (năm 2017) của HĐND TP về chính sách thu hút GVMN, mức hỗ trợ khuyến khích đối với GVMN theo các trình độ: thạc sĩ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng, ĐH 900.000 đồng/người/tháng, CĐ 550.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này không áp dụng đối với GV hợp đồng.
TS Phan Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Giáo dục MN Trường ĐH Sư phạm TP HCM:
Coi chừng thiếu giáo viên
Bậc học MN rất quan trọng, GV là yếu tố then chốt quyết định chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Vì vậy, một đội ngũ GVMN được đào tạo bài bản là "mơ ước". Việc Bộ GD-ĐT nâng chuẩn GVMN từ trung cấp lên CĐ là hợp lý.
Tuy nhiên, cần cân nhắc khi xóa bỏ hệ trung cấp MN vì hiện nay Việt Nam đang thiếu GVMN trầm trọng. Riêng tại TP HCM, số lượng GVMN còn thiếu là 5.500 người, với cả nước thì con số này lên đến hàng chục ngàn. Nếu không có những khóa đào tạo trung cấp thì nguồn GV sẽ thiếu hụt trầm trọng. Nếu quá thiếu sẽ nảy sinh vấn đề những người chưa qua đào tạo vào làm việc "chui".
Bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, TP HCM phụ trách giáo dục MN:
Có lộ trình để giáo viên yên tâm
Hiện nay, quận còn một số GV trình độ trung cấp. Nhưng trong quá trình dạy học, họ cũng tự ý thức học lên để nâng cao trình độ. Nếu theo quan điểm của bộ, nên chăng có lộ trình cụ thể để GV yên tâm vừa dạy vừa học. Hiện tại, quận vẫn mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho GV.
Ông Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Mai (quận 3, TP HCM):
Cần khoanh vùng
Nếu đã là luật thì phải thực hiện đại trà, nhưng nếu yêu cầu các địa phương miền núi phải nâng chuẩn GVMN thì chắc chắn sẽ khó khăn cho họ. Nhiều địa phương còn khó khăn, nếu bỏ thời gian 3 - 4 năm đi học để ra dạy MN thì có chắc họ đi? Nên chăng khoanh vùng từng địa phương để áp dụng.
Bình luận (0)