Sau một đêm nghỉ chân ở Đồn Biên phòng Ba Lin (thôn Ba Lin, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), tôi cùng 2 cán bộ biên phòng lên đường đến nhà Côn Nô nằm gần đường biên giới Việt - Lào. Côn Nô là người dân tộc Pa Kô, mới 45 tuổi nhưng đã có 13 người con.
Trọng trách cha giao
Hơn hai giờ cuốc bộ, luồn lách giữa rừng già bủn rủn chân tay, chúng tôi mới đến nhà của Côn Nô. Gia đình anh sống cách biệt với bản Kỳ Nơi của xã A Vao và nằm giữa 3 cột mốc quốc giới 624, 625, 626 trên tuyến biên giới Việt - Lào.
Lúc chúng tôi đến Côn Nô và vợ không ở nhà. Trong căn nhà sàn của anh chỉ có trẻ con, đứa lớn nhất mới 12 tuổi. Chúng dè dặt khi nói chuyện với người lạ và dường như không nói được tiếng Kinh. Rất may đi cùng tôi hôm đó có trung tá Nguyễn Ái Ngụ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ba Lin. Ngụ sõi tiếng Pa Kô nên anh đảm nhận việc "phiên dịch".
Côn Nô bên cột mốc quốc giới 625
Những đứa trẻ cho biết vợ chồng Côn Nô đang vào rừng chặt mây để bán, có thể giữa trưa mới về. Cha mẹ đi vắng, lũ trẻ ở nhà tự xoay xở cơm nước, đứa lớn chăm đứa bé, hầu như ngày nào cũng thế.
Đầu giờ chiều thì Côn Nô về với bó mây trĩu nặng trên vai. Chúng tôi chưa kịp hỏi thăm thì Côn Nô đã nhanh chóng giải thích: "Hôm nay đi lấy mây xong, đáng ra tôi về lúc trưa nhưng tiện đường nên ghé thăm cột mốc, bây giờ mới về". Côn Nô cũng báo cáo nhanh với các cán bộ biên phòng rằng các cột mốc gần nhà không có gì biến đổi và đã được anh phát sạch cỏ dại xung quanh.
Từ đời cha Côn Nô rồi đến lượt anh đều tự nguyện đứng ra bảo vệ, giữ cột mốc biên cương. Có gặp Côn Nô mới thấy tình yêu đối với gia đình, Tổ quốc đã gắn kết, xuyên xuốt từ đời này sang đời khác, rất đỗi thiêng liêng. Nhà Côn Nô có 4 chị em, chỉ anh là con trai. Khu vực nhà anh ở trước đây có rất nhiều nhà khác nhưng vì đường sá cách trở, cuộc sống khó khăn nên người ta dời dần về thung lũng Ba Lin. Côn Nô không đưa vợ con về cùng họ mà ở lại cùng người cha già.
Năm ngoái, cha Côn Nô là ông Vỗ Nô khuất núi. Sau khi tiễn đưa người quá cố, nhiều người khuyên Côn Nô đưa vợ con xuống thung lũng Ba Lin sống nhưng anh lắc đầu. Tôi cũng khuyên anh rời rừng nhưng Côn Nô nói đây là quê cha đất tổ, không rời được. Hơn nữa, trước khi mất, cha anh đã dặn dò và giao lại trọng trách nên anh quyết ở lại vùng biên ải này.
Tôi hỏi Côn Nô rằng cha anh đã giao lại trọng trách gì? Anh không trả lời mà đi vào góc nhà và mang ra một túi thổ cẩm nhỏ, cẩn thận lấy cho tôi xem một kỷ niệm chương "Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia" mà Bộ đội Biên phòng tặng cho cha anh.
"Trước khi mất, ngoài trao lại cho tôi kỷ niệm chương này, cha còn nói con thấy bộ đội biên phòng thương gia đình mình, dân bản mình không? Có cái gì họ cũng cho mình cả. Vì thế, con phải trả ơn bằng cách bảo vệ thật tốt cột mốc biên cương. Đi qua cột mốc, nếu thấy cỏ dại mọc khuất, con phải phát cho sạch. Có chuyện gì xảy ra trên biên giới nước mình, phải báo ngay cho cán bộ biên phòng. Con phải nhớ kỹ và hãy làm như cha đã làm" - Côn Nô nhắc lại lời cha dặn trước lúc lâm chung rồi rưng rưng nhớ thuở nhỏ, mỗi lần đi tuần cột mốc, cha đều đưa anh đi cùng. Cha mang cây rựa lớn, anh cầm cây rựa nhỏ. Hai cha con băng rừng, vượt dốc cao vút để đến cột mốc 626 cách nhà khoảng 5 km và lội qua hai khe suối để đến cột mốc 624, 625 cách nhà khoảng 2 km.
Dọc đường đến các cột mốc, vắt nhiều như rễ tre, thấy hơi người là lúc nhúc huơ vòi chực hút máu. Mỗi lần tuần tra, hai cha con đều bị chúng cắn, máu nhỏ từng giọt dọc đường. Cha hái lá rừng nhai kỹ rồi đắp vào vết thương cầm máu cho con, sau đó mới đắp cho mình. "Đó là những kỷ niệm thiêng liêng nhất về cha mà tôi không thể nào quên. Bây giờ, mỗi lần đi tuần cột mốc, tôi đều dẫn con đi theo như ngày xưa cha đã dẫn tôi" - Côn Nô nhìn ra trước sân, nơi những đứa con đang hồn nhiên vui đùa.
Trăn trở khôn nguôi
Nhớ lúc luồn rừng vào nhà Côn Nô, đại úy Hồ Văn Hải, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Ba Lin, kể anh vào thung lũng Ba Lin nhận công tác hơn 2 năm, đến nay đã 10 lần tuần tra, bảo vệ cột mốc dọc tuyến biên giới Việt - Lào.
Trong chuyến tuần tra cột mốc đầu tiên, do không quen đường lên cột mốc 626, anh được con trai của Côn Nô dẫn đường. "Hôm đó, cháu bé dẫn đường. Anh em tôi đi theo không kịp. Phải lên cột mốc nhiều lần mới quen đường và đi nhanh như thế" - đại úy Hải nói trong lúc đi.
Những đứa con của Côn Nô bên bếp lửa chờ cha mẹ về
Cháu bé dẫn đường cho đại úy Hải hôm ấy tên là Hồ Văn Nức, năm nay 12 tuổi, là con thứ 5 của vợ chồng Côn Nô. Nức chỉ bập bẹ được vài tiếng Kinh và chưa đến trường học ngày nào. Côn Nô bảo cả 13 đứa con đều không biết chữ dù trong độ tuổi đến trường.
Chiều muộn, Côn Nô dẫn chúng tôi đi thăm cột mốc 625 rồi chia tay khi cơn mưa từ phía nước bạn Lào bất chợt kéo sang tưới trắng núi rừng. Những ánh mắt trìu mến, cánh tay vẫy chào của mấy đứa trẻ khuất dần sau màn mưa, gieo vào lòng tôi nỗi trăn trở khôn nguôi. Tôi mơ ngày nào đó quay lại sẽ không còn nhìn thấy cảnh các đứa con của Côn Nô bần thần bên bậu cửa, mà đang ngồi ê a đánh vần ở trường hay xênh xang vui đùa cùng lũ trẻ ở thung lũng Ba Lin!
Tinh thần trách nhiệm cao
Thiếu tá Đặng Tất Phùng, Đồn phó Đồn Biên phòng Ba Lin, cho biết đơn vị này bảo vệ đoạn biên giới chính diện dài 22,807 km, quản lý 10 mốc quốc giới từ mốc 624 đến 633, chiều sâu 5 km qua địa bàn xã A Vao. Trên địa bàn hiện có 9 tổ tự quản bảo vệ đường biên cột mốc với hàng chục hộ dân tham gia bằng tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều lần đơn vị đi tuần thấy khu vực mốc quốc giới và đường biên được phát dọn sạch sẽ. Hỏi mới biết người dân đã rủ nhau phát dọn từ trước đó vài ngày.
Kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ
Ông Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Vao, cho biết hằng năm, trường đều đến gia đình Côn Nô để vận động đưa con đến trường học tập. Tuy nhiên, đến trường được một thời gian thì các em bỏ về vì đường xa, nhà bà con cũng không có điều kiện cưu mang. Sắp tới, trường sẽ trực tiếp vào vận động và đưa các em ra ở lại nhà những hộ dân cạnh trường để tham gia học tập. Đồng thời, trường sẽ tăng cường kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm cho các em để bảo đảm việc đến trường.
Bình luận (0)