Nhắc đến anh Nguyễn Trung Tính (40 tuổi; ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), cả làng báo miền Tây ai cũng biết vì anh là cộng tác viên của nhiều tòa soạn. Càng khâm phục anh hơn khi sinh ra trong một gia đình nghèo, đôi chân bị teo vì nhiễm chất độc da cam nhưng lại rất tháo vát, giỏi giang.
Không lo bưởi rụng cuống
Những ngày giữa tháng chạp, tìm đến nhà anh ở ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa, nhiều nhân công đang tất bật làm hàng Tết. Kể về ý tưởng làm giỏ chưng bưởi, anh Tính nói: "Vào dịp Tết nguyên đán 2014, tôi sang Cần Thơ để tặng bưởi cho một người quen. Khi đến nơi, cặp bưởi đựng trong bọc đứt hết cuống, như vậy sao chưng được. Tối đó về, tôi nằm suy nghĩ phải chi có cái gì đựng bưởi vừa đẹp vừa mang đi xa không bị rụng cuống". Nghĩ là làm, anh Tính liền bật dậy vẽ nháp phác họa giỏ đựng bưởi. Nhưng ý định này đành dừng lại nửa chừng do làm khung sắt tốn nhiều tiền, anh Tính lại không có vốn.
Anh Tính làm giỏ chuẩn bị giao cho khách hàng Ảnh: CA LINH
Đầu năm 2016, khi nghe ý tưởng của anh Tính, một người bà con cho anh mượn 10 triệu đồng để thực hiện ước mơ. Anh Tính thiết kế mẫu giỏ trên máy vi tính. Kết cấu giỏ có khung bằng sắt, lục bình (đã phơi khô) đan xung quanh, sau đó phun sơn cho đẹp mắt. "Tôi đem bản vẽ đến một thợ làm sắt trong vùng, đi nhiều nơi nhưng có người lắc đầu, có người nhận nhưng chi phí khá cao nên lại đem bản vẽ về cất trong tủ. Trằn trọc mãi, nghĩ không lẽ dự định của mình tan biến, tôi không muốn. Vì vậy, tôi quyết định thuê người hướng dẫn họ làm tại nhà để đỡ tốn chi phí" - anh Tính kể.
Bằng quyết tâm và sự kiên trì, những chiếc giỏ đựng bưởi đầu tiên của anh Tính cũng hoàn thành. Chiếc giỏ gồm phần quai xách cầm tay và phần giỏ dính liền nhau. Phần quai xách dẹp, tới phần giỏ phình ra và cuối giỏ là chỗ đựng 2 trái bưởi từ 1,2-1,5 kg. Hai phần này nối với nhau bằng thanh ngang tạo thành hình dạng tựa số 8. Nếu bảo quản tốt, chiếc giỏ này sử dụng được tới 2 năm. Đây cũng là sản phẩm thân thiện với môi trường vì đan bằng lục bình.
Được thị trường đón nhận
"Tết năm 2016, tôi làm khoảng vài trăm chiếc giỏ nhưng bán chậm lắm, ít người mua do chưa ai biết đến. Sau đó, tôi đi tham gia nhiều hội chợ và giới thiệu sản phẩm của mình. Đến nay, kết quả như mong đợi, trong dịp Tết năm 2018, có khách hàng tại Bình Phước, TP HCM, Sóc Trăng… đặt hàng tôi 600 chiếc với giá 100.000 đồng/chiếc" - anh Tính kể.
Không chỉ tự kiếm sống cho bản thân, anh Tính còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 người ở địa phương. Anh Huỳnh Thái Toàn (30 tuổi; ngụ ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa) nói: "Hai năm nay, gần Tết là tôi không cần đi xa hái bưởi cho các chủ vườn mà được anh Tính thuê làm giỏ bưởi. Tôi làm công đoạn phun sơn và dán tem lên giỏ, mỗi ngày thu nhập khoảng 200.000 đồng". Nhờ người quen giới thiệu, hiện anh Tính đã có chỗ nhận làm khung sắt với giá hợp lý, còn lục bình thì người dân địa phương cung cấp. Theo anh Tính, để hoàn thành một cái giỏ, cần đến 400 g lục bình, một nhân công có thể đan được từ 10-15 giỏ/ngày.
Để tăng thu nhập, anh Tính đã hái bưởi trong vườn nhà chưng luôn trong giỏ, bán với giá 350.000 đồng/giỏ/cặp bưởi. Vừa qua, có một công ty tại TP HCM đã đặt hàng của anh Tính 200 giỏ và 200 cặp bưởi để tặng khách hàng.
Xã Mỹ Hòa là một trong những nơi trồng bưởi Năm Roi nổi tiếng ở ĐBSCL. Tại đây có diện tích trồng bưởi với hơn 1.300 ha, sản lượng khoảng 33.000 tấn/năm. Có nhiều trường hợp, nhà vườn hái bưởi bán chưng Tết nhưng bị rụng cuốn nên dùng keo dán lại mà khách mua không biết. Vì vậy, bưởi đựng trong giỏ mang thương hiệu Trung Tính và làm quà tặng là món quà vừa đẹp mắt vừa không sợ bị gãy cuống.
Theo anh Tính, chiếc giỏ do anh sáng chế, ngoài chưng bưởi còn có thể đựng dưa lưới, dưa hấu… Anh đã gửi hồ sơ đến Cục Sở hữu Trí tuệ đăng ký sản phẩm độc quyền. "Ngoài sản phẩm giỏ chưng nói trên, còn 2 sản phẩm mà tôi sắp tung ra thị trường trong những dịp Tết tới là giỏ chưng 1 trái bưởi và giỏ hình trái tim" - anh khoe.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa, nhận xét: "Anh Tính là trường hợp đặc biệt ở địa phương. Tuy nghèo khó, lại là người khuyết tật nhưng cố gắng vươn lên. Việc sáng tạo ra giỏ đựng bưởi ngoài tạo thu nhập cho mình, anh Tính còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương".
Chăm chút tượng ông Táo
Nhu cầu thay tượng ông Táo đất luôn có trong mỗi nếp nhà nên cứ vào dịp Tết, một số lò nung gốm ở làng Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) lại tất bật làm hàng.
Anh Nguyễn Văn Tài (30 tuổi), truyền nhân đời thứ 4 của cơ sở lò nặn Nguyễn Văn Chín, cho biết làm ông Táo đất phải trải qua 4 công đoạn. Trước hết là nhào đất sét thật nhuyễn, mịn. Tiếp đó, lấy đất nhồi vào khuôn in hình 3 vị Táo quân rồi lấy ra phơi nắng. Khi đã đủ mẻ (khoảng 300 tượng) thì mang đi xếp vào lò nung trong nhiều ngày (nung khoảng 3 ngày và để nguội 2 ngày). Cuối cùng là công đoạn quét màu sơn lên tượng để tăng độ tinh tế và thẩm mỹ.
Sản phẩm Táo quân của làng gốm Thanh Hà Ảnh: HỒNG DÂN
Theo anh Tài, giai đoạn khó nhất là nắn tạo hình, sau khi gạt phần đất thừa ra khỏi khuôn in, để cho các tượng được ngang bằng kích cỡ, đòi hỏi bàn tay người thợ phải khéo léo, cẩn trọng. Với những tượng chưa đẹp, người thợ phải nhanh tay chỉnh sửa để tạo ra các hình đẹp mắt và sắc sảo. "Làm nghề này không phải chỉ để kiếm cơm mà phải hết sức thành tâm" - anh Tài đúc kết.
Ông Nguyễn Văn Xê, Ban Quản lý làng nghề Thanh Hà, cho biết làng có 3 hộ làm ông Táo đất lớn và nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 250.000 ông Táo. T.HỒNG - T.DÂN
Kỳ tới: Nâng cấp trái cây miệt vườn
Bình luận (0)