Đeo đuổi cơ chế chính sách đặc thù cho TP HCM là quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong nhiều nhiệm kỳ nên sơ kết 5 năm về thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị vừa qua, TP HCM tiếp tục có những kiến nghị đối với trung ương.
Cơ chế quản lý nhiều bất cập
Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng ngày 6-9 là TP HCM vì cả nước, cả nước vì TP HCM; vì TP HCM là vì bộ mặt quốc gia. Phát biểu này đã đáp ứng được mong đợi của nhân dân và hệ thống chính trị TP.
Qua thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cho thấy TP đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ chính trị vì cả nước, cùng cả nước. TP luôn là đầu tàu kinh tế nên lúc nào cũng cố gắng đóng góp cho sự phát triển chung 22% GDP và nguồn thu ngân sách khoảng 30% tổng thu ngân sách. Trong nhiều năm, TP liên tục hoàn thành dự toán thu ngân sách cho dù gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, quy mô TP ngày càng lớn (trên 12 triệu dân) nên cơ chế quản lý hiện nảy sinh nhiều bất cập. Chất lượng sống người dân không tương thích với những gì mà TP đã đóng góp. Quan trọng nhất, TP HCM và Hà Nội là bộ mặt quốc gia nên khi các nước đánh giá, chọn ra những TP để so sánh với các TP khác trên thế giới thì chọn TP HCM và Hà Nội. TP HCM đang quá tải bệnh viện, trường học, giao thông, cơ sở hạ tầng... Do đó, bộ mặt quốc gia thông qua TP HCM đang bị ảnh hưởng nhất định, bị đánh giá rất thấp.
Đơn cử đánh giá triển vọng TP toàn cầu, ban tổ chức chọn 125 TP thì TP HCM đứng hạn 97. Đánh giá TP xây dựng tốt hơn thì TP HCM đứng hạng 24 (trong đó sức khỏe và an sinh xã hội đứng 22/28). Hoặc đánh giá về TP chuyển động, TP HCM đứng 158/181. Đánh giá chất lượng cuộc sống người dân, TP HCM đứng 152/230... Như vậy, đầu tư cho TP không chỉ cho người dân TP mà là đầu tư cho bộ mặt quốc gia vì còn là nơi người dân cả nước đến học tập, khám chữa bệnh...
TP HCM đang đầu tư phát triển nhiều công trình giao thông trọng điểmẢnh: HOÀNG TRIỀU
Cần cơ chế tạo ra tiền
Để giải quyết bài toán này, vấn đề không phải là tiền mà là cơ chế để tạo ra tiền, cơ chế để tiết kiệm tiền. Hiện nay, khi đưa ra chủ trương đầu tư, TP phải ra các bộ và chờ bộ vào TP... nên thời gian kéo dài. Trong khi thời cơ là yếu tố rất quan trọng nên chậm quyết định các chủ trương đầu tư, chậm quyết định đầu tư... là dự toán cao, chi phí cao. Do đó, làm sao giải quyết được các bài toán như: Phân cấp, ủy quyền cho TP, phân cấp cho HĐND TP để quyết định những vấn đề trong việc cấp phép, thẩm định dự án, chủ trương đầu tư... Hoặc những vấn đề liên quan đến tự chủ tài chính quy định các khoản phí và lệ phí nên giao cho HĐND để TP có khoản tái đầu tư như khi thu vượt dự toán thì nên để hết lại cho TP.
Làm sao huy động và phân bổ sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất. TP HCM là nơi cần có sự phân bổ để tạo ra được của cải, tạo tiền nhiều hơn để hỗ trợ các địa phương khác. Tức là TP là nơi tạo ra tiền nhiều hơn thì đầu tư vào nơi đó. Nguyên tắc đầu tư hiệu quả là như vậy để TP HCM đóng góp nhiều hơn cho cả nước và chuyển về ngân sách trung ương cho cả nước nhiều hơn.
TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý và Kinh tế IEM:
Tăng quỹ lương, phân bổ hợp lý
Cơ chế đặc thù của TP HCM cần chú ý về việc tăng quỹ lương, phân cấp về quận, huyện mức thưởng theo nguồn thu… Tuy nhiên, tùy theo đặc thù của từng cơ quan, lĩnh vực mà có mức phân phối riêng. Đó cũng là điều kiện cần để chi trả công xứng đáng cho người tài, người có đóng góp. Đặc biệt, không phân biệt vùng miền mà ai làm tốt sẽ được trọng dụng.
Đây là những đặc điểm cơ bản tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước. Quan trọng nhất sẽ dẹp bỏ ách tắc liên quan đến các thủ tục hành chính, xóa cơ chế xin cho. Vấn đề là làm sao chọn được những cán bộ công quyền tốt. Khi được trả công xứng đáng, họ sẽ không bị đồng tiền chi phối, từ đó tạo ra một đô thị văn minh, con người văn minh, năng động.
Để thực hiện điều này, chỉ nên chọn 2-3 chủ đề quan trọng trong 7 chương trình đột phá của TP, đẩy mạnh nguồn lực làm đồng loạt chứ không chỉ làm một vài nơi, vài địa phương thì sẽ không đồng bộ, khó thành công.
Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM:
Cho TP sử dụng phần thu vượt
Thứ nhất là trích lại phần trăm cho TP về thu vượt quyền sử dụng đất, cần kiến nghị 50-50. Khi TP thu vượt ngân sách, trung ương cần có cơ chế cho TP được thưởng, sử dụng phần thu vượt. Bên cạnh đó, TP cần có cơ chế huy động vốn vay. Có như vậy mới thông thoáng trong kêu gọi đầu tư công tư, phát triển được hạ tầng kỹ thuật tiến tới nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn ngân sách đóng góp cho trung ương.
Các nguồn vốn cho dự án như metro, bệnh viện…, trung ương kịp thời phân bổ vốn thay vì để TP ứng vốn. Trung ương phải cho TP thí điểm các mô hình, cái mới, cái sáng tạo đề án mới, đừng để mỗi lần thí điểm phải xin cơ chế .
Tr.Hoàng - S.Nhung thực hiện
Bình luận (0)