Ngày 6-9, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 và các cơ chế, chính sách đặc thù của TP.
Xuất hiện nhiều thách thức
Tại cuộc làm việc, các ý kiến góp ý nhất trí đánh giá về vị trí, vai trò quan trọng của TP HCM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ ra các thách thức đối với sự phát triển của TP HCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng xu hướng gia tăng dân số cơ học rất cao gây áp lực lớn đến hạ tầng, nhất là giao thông, nhà ở. Do đó, quản lý, kiểm soát dân cư là thách thức lớn nhất khi có những dự án phải điều chỉnh 3 - 4 lần so với ban đầu chỉ vì gia tăng dân số ngoài dự tính.
Nếu không có các chính sách vượt trội, TP HCM sẽ phát triển chậm lại, như vậy sẽ ảnh hưởng đến cả nước Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đánh giá cao báo cáo của TP HCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Có thể tóm lại trong 6 từ "khát vọng, trách nhiệm, sẻ chia". TP HCM thể hiện khát vọng tiếp tục vươn lên, thể hiện trách nhiệm với cả nước, cảm thông, chia sẻ với điều kiện chung của cả nước". Về khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng cho rằng có 2 điểm nổi lên là tăng trưởng của TP HCM chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng quá tải, gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế cũng như ảnh hưởng đời sống người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ở TP ngày càng gay gắt.
TP HCM đang cần nguồn vốn lớn để cải thiện hạ tầng giao thông, bộ mặt đô thị bởi xu hướng tăng dân số cơ học rất cao Ảnh: GIA MINH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải tập trung khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định TP HCM còn dư địa phát triển lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và cần thấy rõ hơn khoảng cách, trình độ phát triển còn thấp so với các TP lớn khác ở Đông Nam Á. Do đó, yêu cầu đối với TP HCM là phải đổi mới, vươn lên mạnh mẽ hơn. TP HCM phải nằm trong nhóm xếp hạng cao nhất, là đầu tàu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
"TP HCM đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 16 trong 5 năm qua, đạt nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập mà nếu không cố gắng vượt qua với sự phấn đấu, nỗ lực, quyết liệt sáng tạo của TP HCM cùng với cơ chế, chính sách của trung ương thì TP gặp khó khăn" - Thủ tướng nhận định.
Phân cấp, phân quyền tối đa
"Bức thiết phải có cơ chế, chính sách vượt trội cho TP HCM, nếu không thì tốc độ phát triển của TP sẽ chậm lại" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận. Ông gợi ý TP HCM nên tập trung làm một số đề án, như: đề án đưa TP trở thành trung tâm tài chính, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở, phát triển công nghiệp văn hóa; đề án tái cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ…
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh trước hết, TP HCM cần phát huy nội lực, sức sáng tạo của mình với các biện pháp đột phá. Từ đó, cộng thêm các cơ chế, chính sách đặc thù thì TP có thể phát huy hiệu quả theo cấp số nhân. Vì vậy, ông nhất trí phải phân cấp mạnh cho TP HCM, cho phép TP áp dụng cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TP HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, có mặt tụt hậu. Nguy cơ này đặt ra vấn đề là phải có cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù cho TP HCM, khi TP đang trên chặng đường hướng đến là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết 16 đề ra.
Với những mục tiêu trên, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc TP HCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa; tạo sự chủ động, sáng tạo đối với TP gắn với việc đề cao trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đối với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền Quốc hội thì tổng hợp, đề xuất và những vấn đề mới phát sinh thì xin đề xuất làm thí điểm.
Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nêu rõ tinh thần của Ban cán sự Đảng Chính phủ là ủng hộ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền, theo hướng cho phép TP HCM thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phê duyệt một số dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, của Chính phủ trên địa bàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP HCM rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển trên địa bàn, nhất là tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP tầm nhìn 2025 - 2030. Trong đó, cần quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả hơn.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia, Đại học KHXH&NV TP HCM:
Cần cơ chế đặc thù thu hút đầu tư
Nếu chỉ nghĩ riêng cho TP HCM thì ắt TP sẽ xin cơ chế tự chủ về tài chính nhưng xin cơ chế này chắc chắn sẽ làm "khó" Chính phủ. Vì vậy, theo tôi, một trong những cái TP cần xin cơ chế đặc thù nhất chính là thu hút đầu tư.
Ai cũng thấy TP HCM có vị trí địa kinh tế vô cùng thuận lợi nên các nhà đầu tư luôn muốn "làm ăn" ở đây. Tuy nhiên, cái chưa phát huy hết hiện tại là cơ chế thu hút đầu tư vẫn còn nhiều việc "ràng" khiến TP khó khăn. Đó là chuyện thuế, chuyện thuê đất, chuyện giới hạn quy mô dự án mà chính quyền TP được tự quyết… Theo đó, nếu cho TP HCM tự quyết về thuế, về thời gian thuê đất, về việc tự quyết tất cả dự án đầu tư mà không cần thông qua bộ, ngành này nọ thì TP không khó để "hút" nhà đầu tư, tạo tiền đề cho việc hoàn thành công tác chỉnh trang đô thị; nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện hạ tầng. Đây là 2 vấn đề bức thiết của TP hiện nay vì nó cần một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn.
Điển hình cho câu chuyện bị "ràng" rõ nhất là các dự án bãi giữ xe ngầm ở TP HCM. Vì chuyện ưu đãi thuế này nọ phải đợi trung ương quyết mà đến nay, TP vẫn chưa có một bãi giữ xe ngầm hiện đại nào ra đời, dù "mang thai’ đã hơn chục năm.
TS DIỆP VĂN SƠN - chuyên gia cải cách hành chính, nguyên cán bộ Bộ Nội vụ:
Nhất thiết phải tự chủ tăng lương
Hiện nay, chính sách tiền lương ở nước ta còn nhiều khiếm khuyết, dẫn tới một số hệ lụy như mất nhân tài; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất… Hơn nữa, chính sách tiền lương áp dụng chung cho 63 tỉnh, thành chưa phù hợp với một đô thị đặc biệt như TP HCM. Do đó, không thể cào bằng mức lương của cán bộ, công chức làm công tác hành chính tại TP với các tỉnh, thành khác. Bởi lẽ, năng suất lao động của TP HCM cao gấp 2,7 lần cả nước; năng suất lao động của cán bộ, công chức cao gấp 1,5 lần. Khi tần suất giao dịch của người dân tại các cơ quan hành chính nhà nước ở TP HCM cao hơn các địa phương khác thì lương bình quân của họ có cao gấp 2 lần cũng là điều hợp lý.
TP HCM cần xin Chính phủ cho cơ chế đặc thù, tự chủ trong việc tăng thêm mức lương cho cán bộ, công chức, ngoài mức lương "cứng" theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, để việc tăng lương này là xứng đáng và công bằng thì cán bộ, công chức phải tăng năng suất lao động, tăng tính chuyên nghiệp.
Còn ở góc độ quản lý, cần phải cải cách phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bởi hiện nay, không ít người "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", thậm chí nhũng nhiễu. Muốn có cơ sở đánh giá chính xác năng lực của cán bộ, công chức, viên chức thì phải thay đổi phương pháp đánh giá vốn đang còn nhiều hạn chế, chưa bám vào kết quả cụ thể thực hiện công việc. Các tiêu chí còn mang nặng định tính nên dễ đánh giá chung chung, bình quân, ai cũng tốt như nhau. Nên chăng, cần áp dụng các phương pháp khoa học khách quan để đánh giá, nhằm cải thiện việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, công chức và người đứng đầu.
PHAN ANH ghi
Bình luận (0)