xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nên bỏ các quỹ thiếu minh bạch

Minh Chiến

Cả nước hiện có 48 quỹ tài chính ngân sách ngoài nhà nước, trong đó nhiều quỹ quản lý hàng ngàn tỉ đồng nhưng ít công khai, minh bạch về thu chi

Tại phiên họp thứ 36 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong việc quản lý các quỹ tài chính ngân sách ngoài nhà nước giai đoạn 2013-2018. Đoàn giám sát của UBTVQH đã đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay một số quỹ như Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB), Quỹ Phòng chống thiên tai, xác định lộ trình bãi bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu...

Thiếu công khai, minh bạch

Trong các loại quỹ này, Quỹ BTĐB đang quản lý nguồn tiền khổng lồ. Thành lập từ năm 2013, nguồn tài chính của Quỹ BTĐB được hình thành từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện (ôtô), từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định. Hiện nay, do chưa huy động được các nguồn thu hợp pháp khác nên nguồn của Quỹ BTĐB được hình thành từ 2 nguồn: Thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện ôtô và ngân sách nhà nước cấp bổ sung. Trong đó, thu phí sử dụng đường bộ chiếm phần lớn trong tổng quỹ.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho thấy giai đoạn 2013-2017, Quỹ BTĐB tăng khá mạnh. Năm 2013, nguồn quỹ có 6.907 tỉ đồng (5.435 tỉ đồng từ thu phí sử dụng đường bộ, 1.472 ngân sách cấp), đến năm 2017 đã tăng lên 10.747 tỉ đồng (7.047 tỉ đồng từ thu phí sử dụng đường bộ, ngân sách cấp 3.700 tỉ đồng). Như vậy có thể thấy nguồn quỹ này chủ yếu hình thành từ việc thu tiền sử dụng đường bộ trên từng phương tiện.

Từ năm 2017 đến nay, chưa có thêm một báo cáo công khai nào về tình hình thu chi Quỹ BTĐB. Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng đang phải đóng phí chồng phí. Anh Lê Văn Bảo (ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết mỗi năm, anh phải đóng khoảng 1,6 triệu đồng phí sử dụng đường bộ cho ôtô, trong khi lưu thông trên nhiều tuyến đường lại phải trả phí ở các trạm BOT.

"Quỹ BTĐB được sử dụng như thế nào không thấy công khai, hằng năm sửa chữa những tuyến đường nào, bảo trì hết bao nhiêu không công bố. Tôi thấy báo chí thường xuyên phản ánh đường sá xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, vậy tại sao không bố trí vốn để sửa chữa dù số tiền quỹ hằng năm thu lên tới hàng ngàn tỉ đồng" - anh Bảo băn khoăn.

Về phía doanh nghiệp (DN) vận tải, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát, cho rằng hằng năm, số tiền phí bảo trì đường bộ phải đóng của DN không nhỏ. Nếu như số tiền đó nhà nước sử dụng đúng mục đích duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp chất lượng đường sá thì hoàn toàn được ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, người dân đã đóng phí bảo trì thì hiển nhiên được phép lưu thông nhưng thực tế phải trả thêm phí cho các trạm BOT là bất hợp lý.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, nhận định việc đề nghị bãi bỏ Quỹ BTĐB là hợp lý bởi câu chuyện minh bạch quỹ, hiệu quả của quỹ đã được đặt ra từ lâu. Quỹ BTĐB do cùng một cơ quan thu và chi, hay nói cách khác vừa đá bóng vừa thổi còi.

"Câu chuyện phí chồng phí cũng khiến người dân, DN không hài lòng. Đơn cử như tuyến Quốc lộ 5, người dân đã đóng phí đường bộ để duy tu, sửa chữa thì đương nhiên được lưu thông nhưng lại cho đặt trạm thu phí để nhà đầu tư hoàn vốn cho tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Người dân dù đã đóng phí sử dụng đường bộ vẫn phải trả thêm một khoản phí không nhỏ tại các trạm BOT" - ông Liên nói.

Nên bỏ các quỹ thiếu minh bạch - Ảnh 1.

Quốc lộ 1A đoạn đèo Quán Cau (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) vừa sửa xong đã bị hằn lúnẢnh: HỒNG ÁNH

Theo ông Bùi Danh Liên, việc sử dụng Quỹ BTĐB còn nhiều hạn chế, không ít tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc sửa chữa lại chậm trễ, gây khó khăn trong hoạt động vận tải. Phí BTĐB thì cơ quan quản lý vẫn giao cho các cơ sở đăng kiểm thu đều đặn trên mỗi đầu phương tiện, tại sao không phân bổ nguồn đó để duy tu đường sá.

"Người dân đóng tiền nhưng không rõ đồng tiền đó được sử dụng ra sao, người dân có được hưởng lợi hay không?" - ông Liên thắc mắc.

Quản lý quỹ còn nhiều hạn chế

Đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bãi bỏ ngay Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng xăng, dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo Luật Giá mà không cần quỹ bình ổn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bộ đã nhiều lần trình Thủ tướng nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83), trong đó bao gồm cả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì đánh giá tổng kết Nghị định 83 để sửa đổi thời gian tới.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, số tiền trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được để lại cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và DN. Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó, các DN đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, song những DN có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ.

Điều này sẽ dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn (có thời điểm sử dụng bình ổn giá trên 2.000 đồng/lít) có thể dẫn đến các DN đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của DN hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của DN. "Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm tính minh bạch, công khai, dẫn đến phản ứng của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu. Mặt khác, theo Luật Giá, có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong khi chỉ có mặt hàng xăng dầu có Quỹ Bình ổn giá là chưa phù hợp" - đoàn giám sát chỉ rõ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đến thời điểm hiện tại, cả nước có 48 quỹ tài chính ngân sách ngoài nhà nước, trong đó có 28 quỹ trung ương, 20 quỹ địa phương. Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chỉ ra trong quá trình thực hiện, hệ thống pháp luật khá phức tạp, tản mạn, thiếu rõ ràng và chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao. Đặc biệt, dư nguồn tại nhiều quỹ ở trung ương và địa phương còn lớn do hoạt động chưa hiệu quả hoặc chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ.

Về đề nghị bãi bỏ Quỹ BTĐB, báo cáo của đoàn giám sát nêu rõ sau khi bỏ quỹ, toàn bộ nội dung chi về BTĐB được thực hiện thông qua dự toán ngân sách nhà nước cấp hằng năm.


Phân bổ quá thấp so với nhu cầu

Tại TP HCM, vào cuối tháng 5-2019, UBND TP chấp thuận 227,2 tỉ đồng kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ cho Quỹ BTĐB TP năm 2019.

Khoản phí này thực hiện các công tác quản lý, BTĐB từ nguồn ngân sách trung ương bố trí có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên thực tế, mức phí như trên thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế cũng như tổng mức thu của TP để thực hiện công tác BTĐB trên địa bàn. Vấn đề này cũng đã tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua, khi năm 2017, TP HCM chỉ được cấp gần 215 tỉ đồng, trong khi năm 2016 cũng chỉ được giữ lại khoảng 18% so với số tiền thu được. Do nguồn Quỹ BTĐB được để lại quá thấp, không đủ để nâng cấp, sửa chữa nên hằng năm, TP phải bỏ thêm một khoản tiền khá lớn từ ngân sách để duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông.

"Năm 2016, Sở GTVT TP HCM cần 11.000 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng cầu, đường nhưng chỉ được cấp gần 543 tỉ đồng và năm 2017 cần hơn 14.000 tỉ đồng. Do thiếu tiền, sở phải cắt giảm nhiều khâu và chỉ thực hiện được đối với các công trình thật sự cần thiết" - một cán bộ Sở GTVT TP HCM cho biết.

G.Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo