Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng, ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo đảm trật tự - An toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Dự án luật này dự kiến trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11.
"Không phải quyền anh, quyền tôi"
Tờ trình của Chính phủ thống nhất quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự - ATGT đường bộ, thay vì trong Luật Giao thông đường bộ 2008.
Điều này có thể hiểu việc quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX theo quy định mới sẽ được giao cho Bộ Công an, thay vì Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) như trước nay.
Một trong những cơ sở dẫn đến sự thay đổi là vì thực tiễn thời gian qua, việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn sơ hở, bất cập; chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT), trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Tại Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31-8-2020 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8-2020, Chính phủ cũng thống nhất nội dung cơ bản của Luật Bảo đảm trật tự - ATGT đường bộ, được xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự - ATGT đường bộ, tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất chuyển giao quản lý này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, nói rằng không đơn vị này làm thì đơn vị khác làm. Thủ tướng đã chỉ đạo "không phải quyền anh, quyền tôi" mà phân công theo chức năng nhiệm vụ, do vậy cần làm sao để tạo thuận lợi cho công việc, quản lý và thuận lợi cho người dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đồng tình nêu quan điểm: "Đây không phải vấn đề tranh giành gì cả, mà nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, cơ quan nào làm tốt hơn thì giao cho cơ quan đó làm. Những gì liên quan đến trật tự, ATGT trên đường bộ thuộc lĩnh vực của Bộ Công an; những gì liên quan đến kết cấu hạ tầng, dự án giao thông thuộc Bộ GTVT".
Học viên học lái xe tại Trường Dạy lái xe Thống Nhất, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Còn nhiều băn khoăn
Dù vậy, do còn ý kiến khác nhau nên tại tờ trình nói trên, Chính phủ đã trình 2 phương án để Quốc hội xem xét. Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự - ATGT đường bộ (tức giao Bộ Công an quản lý).
Phương án 2: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX (tiếp tục giao Bộ GTVT quản lý). Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Theo phân tích trong tờ trình của Chính phủ, đối với phương án 1, điều khoản về quản lý hành vi của người tham gia giao thông liên quan đến các khâu như: Đào tạo, sát hạch và cấp GPLX quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự - ATGT đường bộ, được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Công ước Vienna về giao thông đường bộ năm 1968 và tham khảo luật của nhiều nước trên thế giới (mô hình thành công nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc). Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, ATGT đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1. Đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án 1.
Trong khi đó, tại Tờ trình dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vừa được Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-9-2020, dự luật này đã bỏ các nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, gồm: quy định về đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi GPLX.
Với phương án giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX được nhiều ý kiến lựa chọn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động và tính thuyết phục khi giao bộ này thực hiện. "Chính phủ cần trả lời tại sao trước đây đã có thời kỳ giao cho Bộ Công an thực hiện, sau đó lại chuyển về Bộ GTVT? Khi chuyển Bộ Công an thực hiện, có khắc phục được những bất cập không? Chi phí cho việc chuyển giao này, bố trí nhân lực của hai bộ thế nào?..." - đại biểu Sinh băn khoăn.
Theo ông Sinh, thông thường ngành nào có hệ thống đào tạo thì phải cấp bằng để bảo đảm tính thống nhất và hệ thống trong quản lý và giám sát trách nhiệm. Do đó, nếu chuyển giao cho Bộ Công an thì có bảo đảm tính liên thông trong quản lý hay không? Người dân có lợi gì hay tăng phiền hà, thậm chí phát sinh tiêu cực trong việc sát hạch và cấp GPLX? Bộ Công an cấp GPLX và kiểm soát lái xe trên đường (bao gồm xử lý vi phạm) liệu có tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi"?... Những vấn đề này rất cần được làm rõ.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí phương án 1
Chiều 7-9, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Luật Bảo đảm trật tự - ATGT đường bộ. Thẩm tra sơ bộ nội dung giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX theo phương án 1, đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với phương án này. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.
Bình luận (0)