Ngày 8-4, ba tổ chức Liên Hiệp Quốc: UNESCO, UN-Habitat, UNIDO phối hợp tổ chức chuỗi hội thảo tham vấn trong khuôn khổ dự án "Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên hướng tới phát triển Hà Nội thành kinh đô sáng tạo" với sự hỗ trợ của Tập đoàn SOVICO.
Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hiệp Quốc UN-Habitat tại Việt Nam, phát biểu
Tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hiệp Quốc UN-Habitat tại Việt Nam, cho rằng: "Đổi mới sáng tạo phải lấy mục tiêu phát triển bền vững làm trung tâm, trong đó con người sống và kết nối với hệ sinh thái. Tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tạo ra một cộng đồng gắn kết hài hòa, an toàn và bình đẳng… chính là những mục tiêu tối thượng. Để hoạt động đổi mới sáng tạo được thành công, cần có sự cam kết tham gia và hỗ trợ của chính quyền để có một môi trường tự do tư duy sáng tạo và sự đa dạng của văn hóa."
Bàn về quy hoạch hướng đến thành phố chúng ta mong muốn, ông đã nêu nhiều ví dụ về các thành phố trên thế giới, trong đó có TP Seoul (Hàn Quốc). Ông nói về cách người Hàn Quốc hồi sinh suối Cheongyecheon. Trong thời kỳ trước đó, suối Cheongyecheon dài 5,8 km chảy qua khu trung tâm thành phố Seoul từng bị chôn lấp dưới lớp bê-tông màu xám trong suốt gần 50 năm để xây dựng đường cao tốc Cheonggye phía trên. Từ năm 1958 nơi đây bắt đầu tiến hành khởi công khôi phục lại, đến tháng 10-2005, dòng suối đã được khai thông và khôi phục thành công. Hiện nay, nó đã trở thành điểm du lịch xanh lý tưởng và là biểu tượng ở Seoul. Hai bên bờ suối không còn là những căn nhà cũ, những nhà máy... mà là các tòa nhà cao tầng hiện đại của thành phố công nghệ số.
Việc TP Seoul (Hàn Quốc) "hồi sinh" suối Cheongyecheon như một hình mẫu không chỉ về phát triển không gian đô thị mà là phát triển các tiềm năng thương mại và văn hóa để trở thành "kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á"
Và theo TS Nguyễn Quang, để Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo, cũng cần tầm nhìn cho một sáng kiến mới, tạo ra một không gian kết nối cộng đồng, trải nghiệm văn hóa và phát huy sự sáng tạo.
Các đại biểu Việt Nam và quốc tế trao đổi tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, các cuộc thảo luận xoay quanh ba trụ cột thiết yếu thiết hỗ trợ tầm nhìn Kinh đô Sáng tạo: Tái tạo đô thị; thúc đẩy mạng lưới giáo dục thúc đẩy sáng tạo và các sự kiện văn hóa chiến lược. Bên cạnh đó, hội thảo cũng xem xét các phương pháp tiếp cận để tăng cường quan hệ đối tác đa bên trong các ngành công nghiệp sáng tạo, cải thiện mối liên kết nông thôn - thành thị và thúc đẩy các điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng sức sáng tạo của thanh niên.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam, ông Michael Croft, chia sẻ: "Thành phố Sáng tạo vừa là câu chuyện phát triển của Thành phố vừa là không gian hợp tác hướng về tầm nhìn Kinh đô Sáng tạo". Ông nhấn mạnh rằng nhiều tổ chức và cá nhân đã hoan nghênh cơ hội này để khám phá những con đường có thể thổi lửa cho những tài năng và nhiệt huyết ấp ủ trong những sáng kiến đa dạng, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.
Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.
Là nơi sinh sống của khoảng 8 triệu dân, thủ đô Hà Nội đại diện cho một nền văn hóa đa tầng với nội tại sáng tạo. Tiêu biểu là kho tài nguyên văn hóa phong phú với hàng ngàn di sản, 1.350 làng nghề truyền thống, cộng đồng nhà thiết kế, nhà sáng tạo và các không gian sáng tạo trên toàn TP. Được UNESCO công nhận là TP Hòa bình năm 1999 và một lần nữa là TP Sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, Hà Nội cam kết đưa văn hóa và sự sáng tạo làm cốt lõi của sự phát triển bền vững, với một tầm nhìn lớn hơn: Trở thành một trung tâm sáng tạo hàng đầu của Đông Nam Á.
Đóng góp vào nỗ lực của Hà Nội trong việc hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược với vai trò là một TP Sáng tạo, UNESCO, UNIDO và UN-Habitat hợp tác với Tập đoàn SOVICO đã cùng phát triển dự án "Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên hướng tới phát triển Hà Nội thành Kinh đô Sáng tạo". Mục tiêu của sáng kiến này là phát huy các tài sản văn hóa của Hà Nội và tăng cường sự tham gia của giới trẻ - những tác nhân đổi mới, sáng tạo và tạo nên sự thay đổi cho xã hội.
Hội thảo tham vấn ngày 8-4 này là sự kiện đầu tiên của dự án. Hai sự kiện tiếp nối là Đối thoại Thanh niên và Hội thảo Mạng lưới Thanh niên. Các hoạt động này sẽ tạo nền tảng vững chắc để tất cả các bên tham gia tích cực, cùng chia sẻ kiến thức và cách tiếp cận để hiện thực hóa tầm nhìn Kinh đô sáng tạo Hà Nội và các ưu tiên quốc gia làm cơ sở cho tầm nhìn đó.
Bình luận (0)