Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, sáng 7-5, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc Hội nghị lần thứ 7 (Hội nghị Trung ương 7). Chủ trì hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số vấn đề để trung ương tập trung thảo luận, xem xét, quyết định 3 đề án quan trọng gồm: Đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ; đề án về cải cách chính sách tiền lương; đề án về cải cách chính sách BHXH.
Công tác cán bộ nhiều yếu kém
Nêu nội dung quan trọng đầu tiên - đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Tổng Bí thư nhấn mạnh cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đã có nhiều quyết sách rất đúng về cán bộ và công tác cán bộ, đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. "Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi" - Tổng Bí thư chỉ rõ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự hội nghị Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư cho rằng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ là một trong những nguyên nhân làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước. Do vậy, trung ương cần đánh giá khách quan, khoa học, chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ. Từ đó, đi sâu thảo luận, tạo sự thống nhất cao những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá để xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
"Cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?..." - Tổng Bí thư gợi mở.
Đột phá cải cách tiền lương
Đề án quan trọng thứ hai là về cải cách chính sách tiền lương. Theo Tổng Bí thư, Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương, vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003.
Tuy nhiên, đến nay chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, phức tạp; thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Tiền lương cơ bản của khu vực công thấp hơn khu vực doanh nghiệp (DN), chưa bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống và chưa phải là nguồn thu nhập chính của nhiều người hưởng lương. Trong khi đó, tiền lương trong các loại hình DN chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối theo lao động trong nền kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh...
Tổng Bí thư cho rằng đã đến lúc phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên. Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu sắc, toàn diện các nội dung, vấn đề nêu trong tờ trình, Đề án và dự thảo Nghị quyết của trung ương; bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Cân nhắc cải cách BHXH
Về đề án cải cách chính sách BHXH, Tổng Bí thư đề nghị trung ương bám sát vào đề án và tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào thực tiễn triển khai thực hiện để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thống nhất nhận định về tình hình phát triển lĩnh vực BHXH; chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và đặc biệt là nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Trung ương cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách BHXH trong thời gian tới. Tập trung xác định, làm rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ BHXH; bảo đảm cân đối tài chính BHXH trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu...
Tổng Bí thư còn lưu ý việc cải cách chính sách BHXH phải chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, cần căn cứ vào phạm vi, tính chất, mức độ đổi mới trong nội dung đề án, tính đồng bộ với đề án về cải cách chính sách tiền lương để thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết của trung ương về cải cách hay chỉ là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách BHXH.
Cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng
Ngoài 3 đề án trên, trong một tuần làm việc (dự kiến bế mạc vào ngày 12-5), Hội nghị Trung ương 7 sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:
Cải cách tiền lương gắn với tinh gọn bộ máy
Đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), lực lượng vũ trang và người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải cách chính sách tiền lương đồng bộ với đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Điểm mới của đề án là xây dựng hệ thống vị trí việc làm đối với CB-CC-VC và lực lượng vũ trang. Song song đó hoàn thiện hệ thống pháp luật về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại CB-CC-VC trên cơ sở tổng kết thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và tham khảo kinh nghiệm của quốc tế.
Đề án về xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới để áp dụng thống nhất từ năm 2021. Quan điểm là thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý chính sách tiền lương của toàn hệ thống chính trị, trực tiếp là Bộ Chính trị quyết định và giao cơ quan chức năng ban hành văn bản quy định chế độ tiền lương của CB-CC-VC, lực lượng vũ trang từ trung ương đến cấp xã và NLĐ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Cán bộ cấp chiến lược phải là lực lượng tinh hoa
Trong gợi ý thảo luận đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, Tổng Bí thư có nhắc đến vai trò của cán bộ cấp chiến lược, hay còn gọi là chiến lược gia, chính trị gia.
Nói đến cán bộ cấp chiến lược là nói đến lực lượng tinh hoa trong xã hội, có trí tuệ, năng lực và phẩm hạnh vượt trội, đại diện cho hồn cốt, tinh túy dân tộc, là nguyên khí của quốc gia, đủ tầm dẫn dắt đất nước phát triển bằng tiềm năng, lợi thế sẵn có. Năm tiêu chí nổi bật mà cán bộ cấp chiến lược cần có là: Thứ nhất, là người có năng lực tư duy vượt trội. Thứ hai là người có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực trạng, biết rõ được - mất và phải biết làm gì để đạt được mục tiêu đặt ra. Thứ ba là người có khả năng tổ chức lực lượng vật chất, sức mạnh tinh thần của cộng đồng xã hội một cách khoa học, hợp lý để triển khai đường lối, chính sách chiến lược trong thực tiễn. Thứ tư là những người có lòng tự trọng và liêm sỉ. Thứ năm là người chí thành tâm huyết, dốc lòng dốc sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình.
Những phẩm chất của cán bộ cấp chiến lược vừa kể trên khác xa với tiêu chuẩn của cán bộ cấp chiến thuật - cấp triển khai, thực thi đường lối, chính sách. Và vì vậy, không thể vì thành tích nổi bật của cán bộ cấp chiến thuật mà dễ dàng đồng nhất với cán bộ cấp chiến lược để bố trí nhầm vai.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Nâng tuổi nghỉ hưu vì lợi ích quốc gia
Chính sách BHXH chưa hướng đến sự bao phủ toàn dân. Hệ thống BHXH về cơ bản là thiết kế đơn tầng, chủ yếu là tầng BHXH do nhà nước tổ chức. Kết quả là quy mô tham gia BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 30% lực lượng lao động, trong khi mục tiêu đề ra là đến năm 2020, cả nước có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp quá chú trọng đến giải quyết hậu quả, thiếu giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của tình trạng thất nghiệp…
Vì vậy, đề án về cải cách chính sách BHXH trình Hội nghị Trung ương 7 đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu, thời gian điều chỉnh từ ngày 1-1-2021. Dự kiến, NLĐ bình thường, trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng thêm mỗi năm 3 tháng hoặc 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Những đối tượng lao động đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn tương tự như hiện nay. Bài toán nâng dần tuổi nghỉ hưu là vấn đề của quốc gia, vì lợi ích quốc gia, chứ không vì lợi ích của bất kỳ nhóm đối tượng nào. BHXH sẽ thực sự trở thành trụ cột bền vững của hệ thống an sinh xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.
Đối với chính sách cải cách BHXH, nhà nước nên có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần; sửa đổi các quy định để khuyến khích NLĐ tham gia BHXH dài hơn; nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ đóng vào quỹ BHXH theo hướng hài hòa quyền lợi giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Việc điều chỉnh lương hưu cũng nên căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Lương hưu cơ bản nên được điều chỉnh dựa trên tốc độ tăng giá tiêu dùng, khả năng của quỹ BHXH và ngân sách.
Bảo Trân ghi
Bình luận (0)