Trong lúc các ca mắc tăng nhanh (ngày 24-2 là 69.128 ca) thì giá mặt hàng cần thiết, thông dụng nhất là kit xét nghiệm đã bắt đầu "nhảy múa". Với tâm lý e ngại và nỗi lo lắng cho sự an toàn của gia đình, khó ai có thể từ chối mua mặt hàng này dù biết rõ đang bị làm giá, bị bắt chẹt. Với cả trăm ngàn đồng/kit thì đây là chi phí không hề nhỏ với nhiều gia đình. Nếu quá "chùn tay" để chi cho mặt hàng này thì nguy hại đối với công tác chống dịch lại càng lớn.
Trả lời báo chí ngày 23-2, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế, thừa nhận Bộ Y tế đã nắm được thông tin hiện có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit xét nghiệm nhanh. Qua các kênh thông tin cho thấy có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý. Vậy thì đã rõ, sau vụ bê bối bán kit xét nghiệm của Công ty Việt Á mà một số người đã bị bắt thì nay vẫn còn những kẻ bất lương đang lợi dụng dịch bệnh để móc túi người dùng.
Những giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra để giải quyết tình trạng này, như đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit xét nghiệm SARS-CoV-2, chủ động tăng cường sản xuất, nhập khẩu thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá; không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường... khó mang lại kết quả thực tiễn. Nếu đơn vị sản xuất, nhập khẩu đứng đắn thì không thể biết được khách hàng của mình có gom hàng, tăng giá hay không. Còn ngược lại, nếu chính doanh nghiệp muốn trục lợi thì lời đề nghị trên vô ích.
Kit xét nghiệm nhanh là vật tư, thiết bị y tế khá thông thường, công nghệ sản xuất không quá phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã sản xuất từ khi dịch mới bùng phát. Trong nước cũng thế, ngoài nước cũng thế nên không lý do gì chúng ta phải để thị trường tạo khan hiếm giả, gây tâm lý hoang mang để rồi đẩy giá cao trục lợi.
Đây không phải chuyện nhỏ, việc nâng giá kit xét nghiệm cho thấy có những bàn tay có thể làm rối loạn thị trường và dẫn dắt nhu cầu của người tiêu dùng. Trong lĩnh vực y tế điều này rất nguy hiểm, sẽ tác động xấu đến quy trình chống dịch chung của cả quốc gia. Không quản lý được thị trường, ngăn chặn được những kẻ kích giá thì dễ xảy ra phản ứng dây chuyền và có thể lan sang các mặt hàng y tế thiết yếu khác như ôxy lỏng, máy trợ thở, thuốc điều trị...
Nâng giá, trục lợi, lũng đoạn thị trường là hành vi vi phạm pháp luật nên cần phải được "trị" bằng những công cụ pháp luật. Chỉ có những bản án thích đáng mới làm chùn tay những kẻ luôn lăm le tìm cơ hội làm giàu trên tai họa của cộng đồng.
Bình luận (0)