Thời gian qua, lực lượng công an, quản lý thị trường (QLTT) phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng dịch Covid-19 để sản xuất, kinh doanh khẩu trang, thiết bị y tế giả, không rõ nguồn gốc. Thậm chí, thuốc do nước ngoài sản xuất, chưa được cấp phép lưu hành ở Việt Nam nhưng được quảng cáo "điều trị Covid-19" đã về Việt Nam và bán giá rất cao.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 - Cục QLTT TP Hà Nội, cho biết ngày 1-9, đơn vị phát hiện kho hàng có hơn 400.000 sản phẩm là khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay cao su, bộ đồ bảo hộ y tế không nhãn mác, không có xuất xứ, trong đó 20.880 chiếc khẩu trang 3M có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M của Mỹ. Trước đó, QLTT Hà Nội cũng phát hiện hơn 17.000 khẩu trang 3M có dấu hiệu làm giả tại Công ty CP Thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam (quận Bắc Từ Liêm).
Theo ông Nghĩa, các loại khẩu trang như N95 và 3M thường được sử dụng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch, các lực lượng tham gia phòng chống dịch khác ở nơi có nguy cơ cao. Vì vậy, hành vi sản xuất, làm giả khẩu trang như vậy có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ Hà Nội, các tỉnh như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nam… cũng liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển quần áo bảo hộ y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn. QLTT Hà Nội cũng phát hiện cơ sở sản xuất khẩu trang với công nghệ sơ sài tại huyện Thường Tín, gắn mác khẩu trang y tế có lớp màng kháng khuẩn nhưng lõi làm từ giấy vệ sinh, trong khi khẩu trang y tế đạt chuẩn thì lót lớp kháng khuẩn, không tan trong nước.
Ngày 2-9, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội phối hợp QLTT Hà Nội phát hiện, thu giữ gần 1.000 hộp thuốc Areplivir và 50 hộp thuốc Kopoha, bao bì thể hiện do nước ngoài sản xuất, chủ yếu là hàng trôi nổi chưa kiểm định chất lượng, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều trang mạng đã quảng cáo sản phẩm này điều trị Covid-19.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ “thuốc điều trị Covid-19” trôi nổi trên thị trường Ảnh: Minh Phong
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, nhìn nhận tình trạng sản xuất, buôn bán vật tư y tế giả, kém chất lượng là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng của người dân tăng lên. Kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ y tế là loại hình kinh doanh có điều kiện. Khẩu trang y tế là sản phẩm bảo vệ sức khỏe con người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Trung tá Ngô Anh Thuấn, Phó Đội trưởng Đội 5 Công an TP Hà Nội, cho biết lực lượng công an vừa phát hiện một số đối tượng mua bán số lượng lớn thực phẩm chức năng, thuốc do nước ngoài sản xuất, chưa được cấp phép nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam nhưng được quảng cáo trên mạng xã hội là có tác dụng chữa bệnh Covid-19. Các đối tượng này thường giao dịch qua mạng, không rõ địa chỉ nhận hàng, giao hàng, nơi cất giấu hàng hóa.
Tổng cục QLTT đã chỉ đạo QLTT các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết với hành vi buôn bán trang thiết bị, vật tư y tế giả, tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xác định đủ yếu tố để xử lý hình sự về "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả" thì người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 1 đến 15 năm.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng chống Covid-19. Các trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm. Khi phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, các đơn vị phải kịp thời lập hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo hệ thống cơ quan giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các thuốc dùng trong phòng chống Covid-19. Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc; tuân thủ đầy đủ quy định về thông tin, quảng cáo thuốc; thực hiện bình ổn giá các thuốc dùng trong phòng chống dịch Covid-19, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Bình luận (0)