Chiều 14-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Nội dung được quan tâm nhất là quy định tại khoản 2, điều 27 về cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng cho ngành thuế.
Đẩy ngân hàng vào thế kẹt?
Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều khoản này, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phân tích: "Quy định này không phù hợp với yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, ngân hàng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu, theo quy định của hệ thống pháp luật và sự chấp thuận của khách hàng".
ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận số dư tài khoản ngân hàng không nói lên việc cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế hay không. Do đó, ngành thuế không có cơ sở để đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin. "Nếu có thể thì ngân hàng chỉ cung cấp giao dịch ngân hàng khi cơ quan thuế có nghi vấn và cần kiểm tra phát sinh giao dịch để xác minh thuế. Còn thông tin số dư tài khoản thì chỉ cơ quan điều tra hay cơ quan chống rửa tiền mới được quyền yêu cầu cung cấp với những tài khoản nào cần phải phong tỏa" - ĐB Cường nói.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng luật hiện hành cũng như luật mẫu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã có quy định về cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng khuyến nghị Việt Nam phải có quy định về việc này. "Trong điều kiện chúng ta đang phát triển giao dịch điện tử cũng như thương mại qua biên giới, ngân hàng là cổng thanh toán ra nước ngoài thì không có chế tài sẽ không quản lý được" - Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải.
KTNN phải giải trình nếu bị kiện
Liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm phối hợp của các ngành, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ ngạc nhiên khi dự thảo thu hẹp quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ghi nhận KTNN trong quá trình đối chiếu đã giúp phát hiện số thu tăng thêm cho ngân sách, nhất là việc năm qua thanh tra, kiểm tra đã khiến giảm lỗ 37.000 tỉ đồng. Ông tiếp thu góp ý về mở rộng quyền hạn cho KTNN để bảo đảm tạo thuận lợi cho thanh tra, kiểm toán thực hiện theo pháp luật; tránh chồng chéo, bảo đảm quyền lợi cho người nộp thuế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng trong nhiều trường hợp sau kết luận kiểm toán, người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng nên kiện lên cơ quan thuế, Bộ Tài chính, thậm chí đưa ra tòa. Bộ trưởng kiến nghị cơ quan nào ban hành kết luận với doanh nghiệp thì phải giải trình trước tòa.
Tranh luận lại, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc khẳng định trong 3 năm ông tại vị, chưa có trường hợp nào từ kết luận của KTNN để liên lụy đến cơ quan thuế trong khi cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn. "Ngành kiểm toán nỗ lực hết sức mình khi được QH giao kiểm toán về thuế, hoạt động của cơ quan thuế. Chúng tôi chịu trách nhiệm về kết luận của mình" - Tổng KTNN nói.
Thông tin sức khỏe lãnh đạo cấp cao là bí mật
Chiều 15-11, với 91,55% ĐB có mặt biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước với 5 chương, 28 điều, và có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.
Luật quy định các thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về đối nội, đối ngoại; hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, nhà nước; chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển báo chí, xuất bản, in, phát hành, bưu chính, viễn thông và internet, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng... để phục vụ quốc phòng, an ninh; thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước.
Bình luận (0)