Khi xem những hình ảnh trên VTV và thông tin trên một số báo, dư luận ngỡ ngàng trước sự lộng hành của nhóm người tại tổ bốc xếp, thu tiền "bảo kê" trắng trợn, không khác gì cướp ngày. Tại ngôi chợ này có 1.200 hộ kinh doanh, với số tiền trấn lột của mỗi hộ lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng thì số tiền băng nhóm này cưỡng đoạt trong những năm qua là cực lớn. Những ai phản ứng thì bị đe dọa, dằn mặt, không cho làm ăn buôn bán, đến mức nhiều người chịu không nổi phải làm đơn tố cáo. Vụ việc bị phanh phui, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo điều tra, xử lý mới có chuyển biến như trên và lãnh đạo chính quyền Hà Nội khẳng định sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm.
Mới đây, UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Theo quan điểm của TP HCM, dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những hoạt động kinh doanh phức tạp, có liên quan nhiều đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dễ bị phần tử xấu lợi dụng để hoạt động kiểu xã hội đen. Dịch vụ đòi nợ thuê hiện nay xuất hiện nhiều biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang cho tổ chức, cá nhân con nợ như đi thành đoàn, tụ tập đông người gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của con nợ. Trong trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành những quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động này.
Cái nhìn của chính quyền TP HCM về thực trạng này như vậy là thấu đáo. Đó là cách để ngăn ngừa những mầm họa từ hoạt động mang tính chất xã hội đen, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Khi băng nhóm xã hội đen cấu kết, lộng hành thì sẽ gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho xã hội và nền kinh tế. Do đó, TP HCM quyết tâm làm trong sạch địa bàn, trấn áp và phòng chống tội phạm thì chủ động phòng ngừa, ngăn những hiểm họa từ những nguy cơ là rất cần thiết, kịp thời.
Muốn làm được thật tốt phòng chống tội phạm, cách nói quen thuộc, dễ dàng nhất là cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhưng phải thấy rằng lực lượng quan trọng nhất là các cơ quan quản lý nhà nước và thi hành pháp luật. Trong vụ việc ở chợ Long Biên, dư luận đặt câu hỏi: Cơ quan chức năng ở đâu, ban quản lý, công an khu vực, chính quyền địa phương ở đâu mà vụ việc xảy ra sờ sờ lại không nghe, không biết, không thấy? Hành vi cưỡng đoạt, ngăn cản làm ăn nếu "cứng đầu" diễn ra giữa ban ngày, lấy cả mặt bằng bể nước cứu hỏa cho thuê cả trăm con mắt nhìn thấy, ai không thấy chắc chắn "có vấn đề".
Phải được sống và làm ăn buôn bán trong môi trường an lành là nhu cầu chính đáng của người dân. Trong vụ việc ở chợ Long Biên, vấn đề trách nhiệm phải được làm rõ, không thể xem nhẹ hay bỏ sót với bất cứ cá nhân, tập thể nào.
Bình luận (0)