Sáng 29-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT). Một điểm sáng của ngành trong năm 2021 là kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục mới, tăng mạnh so với năm ngoái.
Hiểu rõ thị trường xuất khẩu
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2021 giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85 đến 2,9%; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%. Thống kê sơ bộ, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục với 48,6 tỉ USD (tăng 14,9% so với năm 2020). Trong đó nông sản chính xuất khẩu đạt 21,49 tỉ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỉ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỉ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%. Đáng chú ý có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Ông Cao Chí Công, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết năm 2021 ngành gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu gần 16 tỉ USD. Tuy nhiên, hiện gặp 3 khó khăn chính, đó là giá cước vận chuyển tăng cao; chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí phòng chống dịch bệnh, bảo đảm "3 tại chỗ" tăng trung bình 15%-20%; thiếu lao động ở các trung tâm chế biến.
Nông sản đóng góp lớn vào thành công xuất khẩu của ngành nông nghiệp Ảnh: NGỌC TRINH
Còn ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhìn nhận ngành tôm trong 20 năm qua đạt được nhiều kết quả nổi bật nhưng vì phát triển nhanh nên đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về môi trường - xã hội, khiến vùng nước ĐBSCL bị ô nhiễm trầm trọng. Điều này làm giá thành gia tăng, giảm tính cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết ngành nông nghiệp nước ta đã làm rất tốt, ổn định kinh tế, góp phần vào tăng trưởng dương của cả nước. Để có giải pháp căn cơ bền vững, ngành nông nghiệp cần phối hợp, nâng cao quản lý chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là đưa chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngành nông nghiệp cần xác định rõ thị trường xuất khẩu, trước khi tiếp cận, mở cửa thị trường, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong sản xuất.
Không để "trụ đỡ" thụt lùi
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và khẳng định những điểm sáng kinh tế đã được thể hiện qua các số liệu. Với mức tăng trưởng dương, vượt 6,6 tỉ USD so với kế hoạch, trong một năm khó khăn ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Thủ tướng cho rằng với phương châm "Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực", những chuyển biến, vai trò, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp đã được nâng cao. Người nông dân Việt Nam đã biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. "Nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người nông dân là mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, hải đảo và các đối tượng yếu thế" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp, đó là phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có; chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu… còn hạn chế, chưa chủ động; ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế. Việc chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, xuất khẩu còn mất cân đối.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp phân tích, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân hạn chế để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo. "Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc thẩm quyền bộ thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đánh giá năm 2022 thậm chí còn có nhiều khó khăn hơn năm 2021. "Ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng cao hơn, xuất khẩu cao hơn. Đã có nền tảng thì cần kế thừa, cần quyết tâm đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2022 trên 50 tỉ USD. Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, thành tích của ngành nông nghiệp trong năm 2021 đến từ sự đồng hành của toàn xã hội, của sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước.
Dù đạt được một số thành tích như xuất khẩu đạt 48,6 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng ngành 2,8% nhưng Bộ trưởng NN-PTNT xác định ngành nông nghiệp vẫn gặp nhiều vấn đề. Có những thách thức chung, đến từ thế giới được Bộ trưởng Lê Minh Hoan gói trong 4 từ: Biến động - Bất định - Phức tạp - Mơ hồ. Có những thách thức riêng của ngành, như thẻ vàng IUU, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…
"Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến một nền nông nghiệp trách nhiệm, xây dựng mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh sẽ được bộ tập trung trí tuệ nghiên cứu. Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngành rất cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành liên quan" - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói.
Bình luận (0)