Thực hiện kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chánh cấp xã giai đoạn 2019-2021, tỉnh Nghệ An có 39 xã không đủ tiêu chí phải sáp nhập thành 19 xã mới. Tuy nhiên, sau sáp nhập, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Mỗi xã dư hàng chục cán bộ
Xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn vừa thành lập vào đầu tháng 2-2020, trên cơ sở sáp nhập các xã Nam Trung, Nam Phúc và Nam Cường. Do 3 xã sáp nhập lại nên hiện tại, xã Trung Phúc Cường có 49 cán bộ, công chức, dư 25 trường hợp. Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, cho biết trong số này, sau khi sáp nhập, xã có 5 phó bí thư đảng ủy, so với quy định thừa 3 người. Các chức danh khác như phó chủ tịch có 3 người, cán bộ địa chính, kế toán 6 người, trong khi quy định chỉ cần 2 người. Theo ông Toàn, trong giai đoạn đầu sau sáp nhập, số cán bộ, công chức cũ vẫn giữ nguyên nhưng về lâu dài thì không thể để như vậy vì trái quy định. "Hiện nhiều cán bộ, công chức lo lắng, không biết sắp tới mình có bị cắt giảm, luân chuyển đi đâu hay không" - ông Toàn nói.
Đầu năm 2020, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Hưng Khánh và xã Hưng Phú, với 4.500 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 7,5 km2. Sau sáp nhập, xã Hưng Thành cũng rơi vào tình trạng thừa hàng loạt cán bộ, công chức. Cụ thể xã này hiện có 34 cán bộ, công chức, so với quy định, Hưng Thành là xã loại 3 thì thừa 15 người. Trong số này, có 3 phó bí thư đảng ủy, 1 phó chủ tịch thuộc diện dôi dư. Theo ông Hoàng Đức Thông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thành, xã đang lúng túng, chưa luân chuyển, bố trí công việc hợp lý cho số cán bộ, công chức dôi dư ra sao.
Nhà Văn hóa xã Hưng Lam (cũ), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An “đắp chiếu” sau khi xã Hưng Lam sáp nhập vào xã Hưng Xuân
Ngoài xã Hưng Thành, xã Trung Phúc Cường thì ở Nghệ An, sau sáp nhập, nhiều xã cũng rơi vào tình trạng thừa cán bô, công chức. Cụ thể sau khi 39 xã không đủ tiêu chí phải sáp nhập thành 19 xã mới, số cán bộ, công chức sắp xếp lại là 732 người, trong đó có 344 cán bộ, 388 công chức. Số cán bộ, công chức dôi dư là 382 (gồm 184 cán bộ, 198 công chức) chưa biết bố trí thế nào.
Lãng phí trụ sở
Ngoài vướng mắc về tinh giản biên chế, việc sáp nhập còn dẫn đến việc nhiều trụ sở xã bỏ trống, gây lãng phí.
Sau khi sáp nhập trụ sở, xã Nam Phúc (cũ), huyện Nam Đàn, Nghệ An được chọn làm trụ sở của xã mới Trung Phúc Cường. Trong lúc trụ sở mới chật chội thì trụ sở làm việc của xã Nam Cường và xã Nam Trung vừa mới được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 20 tỉ đồng lại rơi vào tình trạng bỏ không. Ông Nguyễn An Toàn thừa nhận hai trụ sở xã này còn mới, khang trang, đang để trống nên rất lãng phí.
Tại huyện Thanh Chương, sau khi thành lập xã Đại Đồng trên cơ sở sáp nhập 3 xã Thanh Tường, Thanh Hưng và Thanh Văn thì trụ sở làm việc của xã Thanh Tường và xã Thanh Hưng cũng rơi vào tình trạng sử dụng không hiệu quả. Trụ sở 2 xã này được đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng, hiện vẫn chưa quyết toán xong công nợ.
Tại huyện Hưng Nguyên, mặc dù đã có đề án sáp nhập xã Hưng Xuân và Hưng Lam thành xã Xuân Lam, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà nhà văn hóa xã Hưng Lam với kinh phí nhiều tỉ đồng vẫn được xây dựng. Hệ quả là từ đầu năm 2020, khi tiến hành sáp nhập, trụ sở mới chuyển về tại xã Hưng Xuân cũ thì công trình nhà văn hóa xã Hưng Lam được xây dựng hoành tráng vừa mới đưa vào sử dụng bị "đắp chiếu".
Tạm thời vẫn bố trí việc làm
Ông Lê Đình Lý, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, thừa nhận sau sáp nhập, nhiều xã thừa cán bộ, công chức. Để giải quyết, trước mắt, vẫn bố trí, tiếp nhận những cán bộ, công chức này. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm kể từ khi sáp nhập xã phải thực hiện cắt giảm số lượng người để bảo đảm đúng quy định. Cũng theo ông Lý, việc cắt giảm nhân sự có thể thực hiện bằng nhiều giải pháp, như đối với các cán bộ đã đủ điều kiện nghỉ hưu sẽ tạo điều kiện cho nghỉ theo đúng chính sách, vận động nghỉ hưu trước tuổi, tiến hành luân chuyển sang các vị trí công việc khác phù hợp…
Bình luận (0)