Chị Cảnh cho hay gia đình chị đã ký hợp đồng sử dụng hơn 10 km đất bờ bao của Vườn Quốc gia U Minh Hạ để trồng chuối bán lá từ năm 2013 đến nay. Sau thời gian trồng và chăm sóc chuối, đến kỳ thu hoạch, thương lái sẽ liên hệ chị đặt mua lá để cung cấp cho các cơ sở làm bánh dân gian, làm chả ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL.
Để có lá chuối bán trong thời gian dài, cứ định kỳ 15 ngày, chị Cảnh lại thu hoạch một lần và luân phiên cho đến khi hết diện tích. "Để kịp giao cho khách, tôi phải thuê thêm nhân công phụ rọc lá chuối từ sáng đến chiều tối. Trung bình mỗi ngày, tôi bán cho khách xấp xỉ 500 kg lá chuối với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, tôi thu được hơn 20 triệu đồng mỗi tháng" - chị Cảnh cho biết.
Người dân U Minh Hạ tất bật thu hoạch lá chuối để kịp giao cho khách hàng
Theo nhiều hộ dân địa phương, chuối là loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng đất U Minh Hạ nên rất dễ trồng và nhanh cho thu hoạch theo kiểu "làm chơi, ăn thiệt". Ngoài lá chuối, người trồng còn có thêm trái để bán. Ngoài ra, bẹ chuối khô có thể bán cho các cơ sở làm đồ mỹ nghệ; còn thân chuối già, củ chuối thì ủ làm phân bón cây trồng. Tuy các phụ phẩm này số lượng không nhiều nhưng cũng giúp người trồng có thêm một khoản thu nhập đáng kể.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết toàn tỉnh có tổng diện tích trồng chuối khoảng 5.400 ha với sản lượng đạt gần 60.000 tấn lá/năm, tập trung chủ yếu tại 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Những năm gần đây, các sản phẩm từ chuối của Cà Mau không chỉ được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn xuất khẩu sang Campuchia.
Nhờ trồng chuối nên thu nhập của nhiều hộ dân ở vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết, khi nhu cầu sử dụng lá chuối để gói bánh, gói nem… rất nhiều. Bên cạnh việc đem lại nguồn thu nhập khá, nghề "làm chơi, ăn thiệt" này còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều hộ nông nhàn tại địa phương.
Bình luận (0)