xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghị quyết 31 - "Chìa khóa vàng" (*): Những việc cần làm ngay

PHAN ANH - QUỐC ANH

Nghị quyết 31 đề ra những mục tiêu, giải pháp khá đầy đủ, tự thân TP HCM phải tiên phong năng động, sáng tạo, bứt phá để vượt lên

Hiện TP HCM đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, những khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố. Điều này đã được Nghị quyết 31-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị nêu rõ.

Khắc phục điểm nghẽn

Muốn phát triển và thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết 31 đặt ra, trước hết TP HCM phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế đang cản trở sự phát triển của thành phố. Đó là những vấn đề về hạ tầng, quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai, giao thông, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính, thực thi công vụ…

Cụ thể, hạ tầng của TP HCM, nhất là hạ tầng giao thông phát triển chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; chưa xứng tầm với vai trò, vị trí của thành phố. Đến nay, thành phố chưa có tuyến đường vành đai nào tròn trịa. Vành đai 2 còn vài km nữa mới hoàn thành, Vành đai 3 thì đang khởi động, Vành đai 4 đang xin chủ trương đầu tư. Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhiều lần dời tiến độ. TP HCM chỉ mới có 2 tuyến đường cao tốc hoàn thiện và đưa vào sử dụng là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP HCM - Trung Lương.

Trong khi đó, công tác quy hoạch còn nhiều ngổn ngang. Hiện thành phố đang tập trung xây dựng quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Cùng với đó là tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án trọng điểm như hoàn thành tuyến Metro số 1; dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1; khởi công Vành đai 3; cao tốc TP HCM - Mộc Bài… với kỳ vọng sẽ là đòn bẩy, cú hích làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng có rất nhiều quyết tâm trong xây dựng hạ tầng nhưng đầu tư chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đầy đủ. Đây không phải là lỗi riêng của TP HCM. Bởi thành phố không thể tự làm các tuyến kết nối vùng, còn trung ương đầu tư cho thành phố cũng chừng mực vì nguồn lực có hạn. Với định hướng về hạ tầng, quy hoạch được nhấn mạnh trong Nghị quyết 31, Chính phủ cần phân bổ nguồn lực thích hợp hơn để TP HCM giải quyết tốt bài toán hạ tầng từ giao thông đến cấp thoát nước, chắc chắn sự phát triển TP HCM sẽ có những đột phá. Bên cạnh đó, ngoài tập trung phát triển các tuyến vành đai, cao tốc để đẩy mạnh liên kết vùng, thành phố cần hoàn chỉnh giao thông kết nối và giải quyết bài toán giao thông của thành phố. Song song đó, thực hiện đồng bộ các quy hoạch phát triển không gian ngầm, không gian xanh, không gian sông nước.

Nghị quyết 31 - Chìa khóa vàng (*): Những việc cần làm ngay - Ảnh 1.

Giải quyết tốt bài toán hạ tầng giao thông sẽ giúp TP HCM có những đột phá. Ảnh: QUỐC ANH

Mô hình phù hợp cho siêu đô thị

Một mô hình chính quyền hợp lý, phù hợp, hoạt động đồng bộ, hiệu quả sẽ là nền tảng tốt cho các hoạt động kinh tế - xã hội được vận hành thông suốt và là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố.

Nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của TP HCM đã được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi giao Sở Nội vụ, xây dựng cho được mô hình chính quyền phù hợp với thực tiễn của một siêu đô thị hơn 10 triệu dân. Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND thành phố một kế hoạch, đề án về một mô hình chính quyền phù hợp với điều kiện của thành phố, nhất là trong bối cảnh TP HCM đang thực hiện Nghị quyết 31.

Thị trưởng là mô hình chính quyền được nhiều chuyên gia gợi mở cho TP HCM. Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật TP HCM gồm ThS Nguyễn Thanh Quyên và ThS Huỳnh Thị Hồng Nhiên cho biết mô hình thị trưởng được áp dụng ở nhiều đô thị lớn trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), Berlin (Đức), New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc)... Theo 2 chuyên gia này, mô hình người đứng đầu đô thị chịu trách nhiệm quản lý khá hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị nên nghiên cứu mở rộng thẩm quyền cho người đứng đầu, bao quát toàn diện các lĩnh vực của đô thị; đi kèm với thẩm quyền là quy trách nhiệm về người đứng đầu.

Còn TS Trần Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng với mô hình thị trưởng chức năng chủ yếu của Tòa Thị chính là quản lý địa phương, thi hành văn bản của HĐND, chịu trách nhiệm trước HĐND thông qua cơ chế bãi miễn.

"Mô hình thị trưởng khả thi với TP HCM. Bởi bên cạnh nguyên tắc "thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số" vẫn tồn tại đáng kể vai trò điều hành của cá nhân người đứng đầu. Thậm chí, vai trò Chủ tịch UBND TP HCM có sự lấn át vì điều hành thường xuyên, trực tiếp, giữ tiếng nói chi phối" - TS Trần Thị Thu Hà nhìn nhận. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Nội vụ cũng đề xuất nghiên cứu kinh nghiệm các nước về mô hình tòa thị chính, thị trưởng ở đô thị phù hợp với đặc thù Việt Nam.

Chủ động đề xuất, phối hợp

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo nhìn nhận Nghị quyết 31 mở đường cho việc ban hành chính sách pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển, trong đó cho phép thành phố thí điểm chính sách đột phá để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Nghị quyết 31 cũng là cơ sở chính trị, tạo tiền đề cho Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với những trọng tâm sát thực tiễn thành phố, tạo điều kiện thực hiện mô hình chính quyền đô thị, cơ chế thành phố trong thành phố vận hành thuận lợi để TP Thủ Đức phát triển như kỳ vọng.

Theo bà Phạm Phương Thảo, để đi vào cuộc sống, Nghị quyết 31 cần được thể chế hóa thành chính sách pháp luật. Vấn đề đặt ra là TP HCM cần hết sức chủ động đề xuất, phối hợp với các cơ quan trung ương, trước mắt là nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội và trong quá trình cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật, đẩy nhanh việc phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khắc phục cơ chế xin - cho.

Mới đây, Thường trực Chính phủ đã họp và cơ bản đồng tình với đề xuất trong Đề án xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Đồng thời, nhấn mạnh việc triển khai xây dựng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tư duy mạch lạc, rõ ràng. Thể hiện tính đột phá, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, giải quyết những vấn đề lớn, vướng mắc, tồn tại, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho TP HCM phát triển giữ vị trí đầu tàu dẫn dắt cả nước trong đổi mới, năng động, sáng tạo về phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Phạm Phương Thảo cho rằng thời điểm hiện nay là giai đoạn nước rút về đích thì TP HCM và các bộ, ngành cần phải đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa các đầu việc để có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2023.

"Có được Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 với các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu là điều kiện cần để thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế, đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 31" - nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM nêu quan điểm. 

Phát huy tính năng động, sáng tạo

Nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Phương Thảo chỉ ra trong giai đoạn trước đây, khi nói tới năng động, sáng tạo, đi đầu là nói tới TP HCM. Tính năng động, sáng tạo của TP HCM đã trở thành niềm tự hào không chỉ của nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu mà của cả nước. Nhưng hiện nay, những đặc điểm này có chiều hướng suy giảm.

Nghị quyết 31 cũng nêu rõ, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước của TP HCM có chiều hướng suy giảm. Chính vì thế, một việc quan trọng mà TP HCM cần thực hiện hiệu quả là Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Qua đó phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TP HCM, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thành phố khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Trong thời gian qua, TP HCM đã dốc toàn lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương để xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo