xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghị trường "nóng" chuyện dân sinh

PHAN ANH - TRƯỜNG HOÀNG

Hàng loạt các vấn đề dân sinh được chỉ ra và mổ xẻ nhằm tìm giải pháp để TP HCM phát triển toàn diện

Sáng 4-12, kỳ họp thứ 6, HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã khai mạc. Dự phiên khai mạc có Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.

4 vấn đề gây bức xúc

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết thời gian qua kinh tế tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu đề ra, môi trường kinh doanh được cải thiện, công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị có chuyển biến bước đầu đáng trân trọng. Tuy nhiên, bà Tâm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội có nhiều mặt còn hạn chế, chậm được khắc phục, cải cách hành chính chưa đồng bộ, bộ máy còn cồng kềnh. "Đặc biệt là ngập nước, ùn tắc giao thông, bạo hành trẻ em, giải quyết khiếu nại của người dân còn chậm, gây bức xúc xã hội... đòi hỏi chính quyền TP cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết tâm cao hơn mới tạo ra đột phá" - bà Tâm nói.

Nghị trường nóng chuyện dân sinh - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2 từ phải qua) và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngay trong phần báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cũng thẳng thắn nhìn nhận mức độ đô thị hóa nhanh tạo nhiều áp lực trong công tác quản lý quy hoạch, đô thị; cơ sở hạ tầng quá tải, ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra đặc biệt trong giờ cao điểm; các giải pháp bơm thoát tự động được triển khai nhưng tình trạng ngập nước chưa được giải quyết triệt để, nhất là vào thời điểm mưa lớn và triều cường. Ông Liêm cho biết công tác giải quyết khiếu nại tố cáo chưa triệt để, tình trạng khiếu kiện đông người phức tạp vẫn xảy ra.

Trong khi đó, đánh giá công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực trật tự đô thị của TP, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tô Thị Bích Châu cho rằng vẫn còn làm theo phong trào, chỉ mạnh lúc đầu, càng về sau buông lỏng kỷ cương. "Cụ thể việc chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường từ đầu năm triển khai kiên quyết, được dư luận đồng tình nhưng đến nay có biểu hiện thả lỏng quản lý. Tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đang xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa được chính quyền địa phương tập trung ngăn chặn" - bà Châu dẫn chứng. Bà Châu đề nghị UBND TP chỉ đạo các ngành chuyên môn cùng với UBND quận - huyện kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó vai trò người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về sự buông lỏng quản lý.

Thêm động lực phát triển

Tại phiên thảo luận tổ chiều cùng ngày, đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. ĐB Dương Anh Đức cho biết đây là điều kiện để TP phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, ông Đức cũng lo lắng nhất là vấn đề con người, cơ chế chính sách để thu hút những người có tài tham gia vào bộ máy chính quyền. "Nếu không có người giỏi thì tất cả những cơ chế hay đều khó thực hiện" - ĐB Đức nói. Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Kim Dung mong rằng khi thực hiện cơ chế đặc thù thì điều đầu tiên TP phải thực hiện đó là cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, giải quyết bức xúc của người dân.

ĐB Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng mức xử phạt vi phạm giao thông và môi trường hiện nay quá thấp. "Vào các giờ tan tầm xe cộ chạy rất lộn xộn. Các phương tiện chạy lên lề đường, lấn tuyến và chạy ngược chiều nhưng cảnh sát giao thông cũng không giải quyết nổi" - ông Quang nói. Ông Quang kiến nghị với cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép thí điểm tăng các loại phí, TP cần phải nâng mức phạt để xử nghiêm những người vi phạm giao thông. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường cho biết HĐND TP có thể xem xét tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành lên gấp đôi so với hiện nay để tăng thêm nguồn thu. Hiện sở đã có dự thảo về tăng mức phạt vi phạm giao thông. UBND TP đang giao Sở Tư pháp và Công an TP góp ý. Ông Cường cũng cho hay nhu cầu vốn cho lĩnh vực giao thông giai đoạn 2016-2020 khoảng hơn 500.000 tỉ đồng nhưng TP chỉ cân đối được 122.000 tỉ đồng. Như vậy nguồn lực của TP rất thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo ông Bùi Xuân Cường, việc nguồn vốn không được như tính toán dẫn đến nhiều mục tiêu trong chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông như số km đường mới, số lượng các cây cầu mới, quỹ đất dành cho giao thông… cũng bị ảnh hưởng, không thể đạt được. Ông Cường thông tin khi thực Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù TP sẽ có thêm nguồn lực triển khai các công trình giao thông. Cụ thể, TP sẽ có thêm nguồn thu từ việc bán đất công (được hưởng 50%), thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp. 

Thành ủy TP HCM nhận thiếu sót

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đã có chia sẻ xung quanh câu chuyện vừa qua nhiều cán bộ bị kỷ luật tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP sáng 4-12.

Ông Nhân cho rằng có những yếu kém trong hệ thống Đảng liên quan đến thiếu trách nhiệm, tham nhũng ở mức độ khác nhau nhưng đa số đều chưa tự phát hiện mà toàn do nhân dân. "Điều này phản ánh sự yếu kém trong công tác giám sát đối với đảng viên, để vi phạm kéo dài. Dưới góc độ Ban Thường vụ Thành ủy, chúng tôi nhận yếu kém, thiếu sót này. Sắp tới, Thành ủy sẽ khắc phục quyết liệt và báo cáo lại HĐND TP" - ông Nhân nhấn mạnh.

Đề cập những đầu việc mà TP thực hiện trong năm 2018, Bí thư Thành ủy TP cho biết TP sẽ tận dụng thời cơ phát triển TP nhanh hơn, bền vững hơn. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá hiệu quả công tác. Nếu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu công việc thì phải sắp xếp lại công việc mà không cần đợi đến bị kỷ luật. Ngoài ra, ông Nhân đề nghị 3 nội dung mà HĐND TP cần tập trung giám sát trong năm 2018. Một là, việc khiếu nại liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng ở Thủ Thiêm và Khu Công nghệ cao TP. Hai là, việc công khai hóa kết luận thanh tra của TP, sở - ngành, quận - huyện. Ba là, sự hài lòng của người dân với việc phục vụ của hệ thống công quyền.

Hà Nội: Sớm xét xử 2 vụ án lớn

Ngày 4-12, HĐND TP Hà Nội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 5 để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2018 của TP Hà Nội; thảo luận và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND TP…

Tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết năm 2017, kinh tế tăng trưởng khá, đạt 8,5% - hoàn thành kế hoạch đề ra; thu ngân sách vượt kế hoạch; thu hút vốn đầu tư tăng cao; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được bảo đảm; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận việc triển khai thực hiện nhiệm vụ do trung ương đề ra trên một số lĩnh vực còn chậm. Đặc biệt, quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự, an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công vẫn còn; một bộ phận cán bộ, công chức làm việc chưa hết trách nhiệm còn gây phiền hà cho người dân...

Trong năm 2018, UBND TP đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy; phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, trật tự và xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường... Đẩy mạnh thu hút, thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư nước ngoài; tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển TP thông minh...

Cũng tại kỳ họp, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội, cho biết theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, trong quý I/ 2018, TAND TP Hà Nội sớm đưa ra xét xử 2 vụ án. Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về tội tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam; vụ án Trịnh Xuân Thanh cùng với đồng phạm cũng tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam. Ngoài ra, khẩn trương đưa ra truy tố xét xử theo thẩm quyền vụ góp vốn 800 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào Ngân hàng TMCP Đại Dương. Ng.Hưởng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo