Chiều 24-8, ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, cho biết từ chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng vừa phối hợp cùng những nhà khoa học, thợ lặn lành nghề của Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương tổ chức đoàn khảo sát lại các điểm tàu đắm ở vùng biển quanh huyện đảo Phú Quốc. Đợt khảo sát lần này nhằm thu thập tài liệu phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học.
Đồ gốm Thái áp đảo
Đến nay, có cả thảy 6 con tàu cổ được phát hiện ở các vùng biển thuộc huyện đảo Phú Quốc. Những nơi xác định tàu đắm đều nằm lân cận vùng nước nông của đảo. Ngoài vùng biển Bình Châu ở tỉnh Quảng Ngãi, vùng biển Phú Quốc cũng được xem là "nghĩa địa" tàu đắm.
Tái hiện lại mô hình tàu đắm tại Bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc. Ảnh: HOÀNG TUẤN
Tàu cổ đầu tiên tại vùng biển Phú Quốc được khai quật là chiếc đắm ở Hòn Dầm, xã Hòn Thơm. Theo ông Huỳnh Phước Huệ, Giám đốc Bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc, đây là con tàu cổ đã được nhắc đến trong hội thảo về gốm sứ ở Hồng Kông năm 1978. Vào tháng 5-1991, Công ty Visal đã khai quật tàu này trên cơ sở những kinh nghiệm từ cuộc khai quật con tàu cổ ở vùng biển Hòn Cau, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đó.
"Tàu này nằm ở độ sâu 17 m, bị vùi trong cát biển có chỗ tới 2 m. Tàu dài 30 m và rộng gần 7 m. Đồ gốm trên tàu bị hàu đóng kết lại thành khối. Kết quả khai quật đã trục vớt được 16.000 hiện vật gốm men ngọc và nâu. Các chuyên gia khảo cổ cho rằng gốm này xuất phát từ lò Sawankhalok ở Thái Lan vào thế kỷ XI" - ông Huệ cho biết.
Theo các nhà khoa học ở Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, ngoài con tàu kể trên, từ năm 2004 đến 2008, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức khảo sát, khai quật 5 tàu đắm còn lại ở vùng biển quanh Phú Quốc. Gần đây, các ngành chức năng và những nhà khoa học vẫn tiếp tục khảo sát các địa điểm tàu đắm để nghiên cứu.
Manh mối của con tàu đắm thứ hai xuất hiện vào đầu tháng 3-2003. Trong lúc tuần tra, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phát hiện, bắt giữ một số tàu đánh cá của ngư dân trục vớt trái phép hiện vật trong tàu đắm ở Phú Quốc. Sự việc được cấp báo lên UBND tỉnh. Vài ngày sau, Kiên Giang quyết định thành lập ban chỉ đạo bảo vệ tàu đắm và thu hồi cổ vật do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.
Kết quả khảo sát sau đó cho thấy con tàu này đắm ở vùng biển cách TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang khoảng 90 hải lý về hướng Tây, cách thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc 31 hải lý về hướng Tây Nam, dưới độ sâu khoảng 37 m. Ban chỉ đạo đã tiến hành truy tìm, thu hồi và bàn giao 950 hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Kiên Giang quản lý. Sau khi giám định 17/950 hiện vật, kết quả cho thấy chúng do Thái Lan sản xuất, có niên đại thế kỷ XV-XVI.
Một con tàu đắm nữa được các nhà khảo cổ trong và ngoài nước tiến hành thăm dò vào năm 2008. Trải qua hàng trăm năm dưới đáy biển, con tàu chỉ còn một ụ nổi hình bầu dục cao 1 m, dài 70 m, rộng 40 m. Giữa ụ là một hố sâu, lộ ván đáy tàu kích thước 6 m x 3 m. Đoàn khảo sát quyết định thổi lớp bùn cát theo 2 luống dọc chiều dài ụ nổi để xác định số hiện vật còn sót lại. Tuy nhiên, lẫn trong bùn cát hầu như chỉ còn lại những mảnh gốm Thái Lan đã vỡ, bị hàu biển bám chặt.
Các nhà khoa học đã thu được 73 hiện vật gốm ở con tàu đắm này, trong đó có 8 chén, 13 bát, 6 đĩa bằng men ngọc… Đội khai quật còn tìm thấy một chiếc nghiên mực bằng sành, hình tròn, mặt phẳng. Bảo tàng tỉnh Kiên Giang cho biết qua thời gian, nhiệt độ môi trường nước đã khiến những hiện vật bằng gốm dính lại với nhau trông rất kỳ lạ…
Vẫn còn là ẩn số
Theo ông Nguyễn Quang Khánh, trong 6 con tàu đắm ở Phú Quốc được phát hiện cho đến nay, riêng khu vực Hòn Dăm thuộc thị trấn An Thới có đến 2 tàu. "Tàu đắm tại Hòn Dăm ở độ sâu 5-6 m. Hiện trạng còn lại chỉ là các mảnh gốm Thái Lan và Trung Quốc thế kỷ XIV-XI đã vỡ" - ông Khánh cho biết.
Những con tàu đắm còn lại được phát hiện ở Hòn Ông Đội (thị trấn An Thới), Rạch Tràm (xã Bãi Thơm)… Trong đó, các nhà khoa học tham gia khai quật tàu cổ nhận định chiếc đắm ở Rạch Tràm là một tàu buôn chở gạch và đồ gốm men ngọc Trung Quốc được sản xuất từ thế kỷ XII-XIII. Dấu tích còn lại của con tàu chỉ là những tấm ván rộng 70-80 cm, dày 40 cm. Có giả thiết cho rằng đây là một trong những con tàu của dòng họ Mạc trên đường chở vật phẩm từ Hà Tiên ra Phú Quốc…
Ông Huỳnh Phước Huệ cho hay với hầu hết những con tàu đắm được thăm dò, khai quật sau này, hiện trường hầu như đã bị phá hủy nghiêm trọng. Vì thế, thông tin về cấu trúc và chủ nhân các con tàu khó thể xác định chính xác. Ở một số tàu đắm, hiện vật còn lại không nhiều, đa phần lại hư, vỡ nên chỉ có giá trị nghiên cứu và trưng bày.
Theo ông Huệ, nhiều điều bí ẩn quanh những con tàu cổ đắm ở vùng biển Phú Quốc đến giờ vẫn chưa thể giải mã. "Chủ nhân của các con tàu, xuất xứ chính xác của các cổ vật vẫn còn là ẩn số đối với các nhà nghiên cứu. Một câu hỏi nữa chưa có lời giải là tại sao các con tàu lại bị đắm trong vùng biển này, trong khi thời tiết, khí hậu ở đây luôn ôn hòa, ít có sóng to, bão lớn?" - ông Huệ băn khoăn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-8
Nhiều cổ vật bị lấy đi
Trước khi các nhà khảo cổ và các cơ quan chức năng phát hiện, khai quật những con tàu đắm, rất nhiều cổ vật có giá trị và còn nguyên vẹn đã bị lấy đi. Vì thế, hầu hết những cổ vật còn lại đã sứt mẻ, hư hỏng. Điều đáng nói là một số thợ lặn khi phát hiện các cổ vật đã không báo với các cơ quan chức năng biết để tiến hành khai quật, bảo tồn.
Bình luận (0)