Nhận hung tin, những người mẹ, người chị, người vợ… của 44 ngư dân bỏ hết công việc, họ tập trung về đài Icom cộng đồng tại thôn Tân Lập ngóng tin tức những ngư dân tàu bị nạn. Một giờ, hai giờ, một ngày, hai ngày trôi qua… nhưng thông tin 44 ngư dân bị nạn vẫn biệt vô âm tín, những người ở nhà khóc mòn mỏi.
Ngư dân được cứu nạn trở về trong vòng tay người thân
Hai thuyền trưởng Bùi Văn Quốc (phải) và Bùi Văn Danh trở thành anh em tri kỷ sau chuyến biển giúp nhau trong lúc hoạn nạn
Đến ngày thứ 3 chợt máy Icom bắt được tín hiệu gọi về từ một tàu cá khác đang ở Trường Sa, thông báo có một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã tiếp cận được các ngư dân bị nạn, cứu được 41 người và đang trên đường về đất liền. Nhưng họ vừa mừng vừa lo, vì thông tin báo về chỉ cứu được 41 người, còn 3 người mất tích. Trong số 3 người đó, họ có thể là cha, là chồng của bất cứ ai và phần lớn các ngư dân trên tàu đều quen biết, có họ hàng với nhau… Mấy ngày sau, thông tin 3 người mất tích dần lộ rõ. Đến khi con tàu chở 41 ngư dân bị nạn về tới bờ, những người ở nhà, những ngư dân sống sót ôm nhau khóc nức nở.
Cho đến bây giờ, anh Bùi Văn Quốc (thuyền trưởng tàu bị nạn) vẫn không bao giờ quên cảnh hãi hùng khi con tàu của anh đang trên đường tránh bão bị sóng lớn đánh chìm, 44 ngư dân rơi xuống biển. Anh Quốc kể, thời điểm tàu bị sóng đánh chìm diễn ra bất ngờ, 3 anh em khác có lẽ đang ngủ nên không kịp thoát ra ngoài. 41 ngư dân còn lại, bám vào các can nhựa, kết thành bè, lênh đênh trên biển gần 2 ngày sau được tàu cá khác ứng cứu. "Nếu lúc đó, không có tình nghĩa xả thân cứu giúp của anh em tàu cá chú Danh (ngư dân Bùi Văn Danh, 35 tuổi, ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), anh em trên tàu chúng tôi sẽ không có cơ hội về đoàn tụ cùng gia đình, không còn ngồi đây nói chuyện ngày hôm nay" - anh Quốc nói.
Trong buổi gặp hàn huyên giữa các ngư dân hai tàu được tổ chức dịp giữa tháng 10-2020, anh Bùi Văn Danh nhớ lại lúc nhận tín hiệu cấp cứu từ tàu cá anh Quốc, cách đó 50 hải lý. "Cùng hành nghề câu mực, khi nghe tàu anh Quốc bị nạn, mình không thể bỏ mặc được. Tôi là thuyền trưởng nên quyết định bàn với 45 anh em trên tàu phải làm sao cứu tàu bạn bị nạn. Các anh em trên tàu đồng lòng vứt bỏ 2 tấn mực (trị giá khoảng 250 triệu đồng) xuống biển cho tàu nhẹ hơn, dễ dàng di chuyển vào vùng sóng gió, vượt sóng vào cứu người" - anh Danh kể.
Ngay sau chuyến biển cứu nạn 41 ngư dân Quảng Nam trở về, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân thuyền trưởng Bùi Văn Danh. "Hành động dũng cảm vượt sóng gió cứu các ngư dân bị nạn của tập thể các ngư dân trên tàu anh Bùi Văn Danh rất ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn của người Việt Nam nói chung và của bà con ngư dân trên biển nói riêng" - ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, phát biểu lúc trao bằng khen.
Sau chuyến biển đó, anh Quốc mất con tàu câu mực (tài sản rất lớn với ngư dân), nhưng lần gặp nạn đó giúp anh cùng những ngư dân trên tàu, thấu hiểu được tấm lòng của những người bạn biển. Cả 41 người sống sót trở về đã cùng nhau thuê xe, nhiều lần vào nhà của anh Bùi Văn Danh cùng những ngư dân trên tàu anh Danh thăm hỏi và cùng nhau kết nghĩa anh em.
Trong vô số những câu chuyện ở biển khơi, chúng tôi còn nghe, chứng kiến những câu chuyện xúc động về ngư dân Việt Nam sẵn sàng đối mặt hiểm nguy, cứu những ngư dân nước ngoài đang cận kề cái chết. Như câu chuyện của tàu cá ngư dân Tiền Giang cứu sống 22 ngư dân Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào tháng 6-2019 hay trường hợp tàu cá của ngư dân Bùi Văn Phải (31 tuổi, ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cứu 32 ngư dân Trung Quốc bị nạn ở Trường Sa…
Chúng tôi gặp Bùi Văn Phải giữa lúc anh đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi cuối năm để kịp trở về đón Tết cùng gia đình. Nghe tôi hỏi về chuyện cứu 32 ngư dân Trung Quốc vào giữa tháng 7-2019, Phải khiêm tốn đáp: "Ai cũng vậy mà anh. Thấy họ nguy hiểm, mình không cứu, lương tâm sao chịu được".
Dù còn khá trẻ nhưng Phải cũng không ít lần vào sinh ra tử. Đi biển từ năm 13 tuổi, tàu cá của Phải đã hàng chục lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ và thậm chí bị Trung Quốc bắn cháy tàu cá vào năm 2013 khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa. Thế nhưng nhờ sự can trường, lòng nhân hậu của Phải cùng những người bạn biển, chàng ngư dân trẻ mới giữ được tính mạng trở về và tiếp tục vươn khơi.
Phải nhớ lại, lúc cứu những ngư dân Trung Quốc vào sáng sớm ngày 11-7-2019, lúc này tàu cá của Phải mang số hiệu QNg96169TS đang khai thác thủy sản ở vùng biển Trường Sa, cách đảo Song Tử Tây khoảng 70 hải lý về hướng Tây Bắc thì phát hiện có một nhóm ngư dân gặp nạn, bám trên các can nhựa. Anh em trên tàu chúng tôi quyết định chạy tới gần, thả ca nô, cứu vớt toàn bộ 32 người lên tàu" - anh Phải nhớ lại.
Khi cứu được hết số ngư dân bị nạn lên tàu, 14 anh em thuyền viên trên tàu của Phải chia nhau ra, người lo chăm sóc những vết lở loét do ngâm trong nước nhiều giờ, người lo đi nấu cháo cho các ngư dân bị nạn. Đồng thời, bật máy Icom điện báo sự việc về đất liền. "Khoảng nửa ngày sau, nhờ sự hướng dẫn và hỗ trợ thông tin từ phía đất liền, chúng tôi đã liên lạc được một tàu cá Trung Quốc khác và bàn giao toàn bộ 32 ngư dân cho tàu Trung Quốc. Trước khi rời tàu, các ngư dân Trung Quốc đã cảm ơn chúng tôi giúp đỡ họ trong lúc khó khăn, nguy cấp nhất. Sau đó, chúng tôi tiếp tục ở lại đánh bắt, hơn nửa tháng sau mới về bờ" - Phải kể.
Tôi hỏi: "Từng bị tàu Trung Quốc bắn cháy, nhưng sau này nếu có gặp tàu Trung Quốc bị nạn, anh có cứu nữa không?". Phải đáp: "Cứu chứ, đó là việc nhân đạo người đi biển phải làm. Nghề biển, tính mạng treo trên đầu sóng ngọn gió. Có những chuyến biển, nếu không có tàu bạn, không có tình người với nhau, sẽ khó giữ được mạng sống trở về".
Bình luận (0)