Ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, vừa kí văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc về việc chấn chỉnh hoạt động kiểm định xe cơ giới. Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời gian vừa qua, thông qua phản ánh của người dân và phương tiện thông tin đại chúng, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thấy có một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tự ý đưa ra các yêu cầu không đúng quy định.
Nghiêm cấm trung tâm đăng kiểm tự ý ra yêu cầu làm khó người dân để trục lợi (ảnh minh hoạ)
Điển hình như việc Trung tâm đăng kiểm 63-02D yêu cầu chủ xe "cung cấp chứng từ bảo dưỡng, bảo trì, định kỳ, hình ảnh chứng minh công tác bảo dưỡng" và chỉ tiếp nhận kiểm định phương tiện khi chủ xe là chính chủ hoặc có giấy ủy quyền không đúng quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.
Một số đơn vị khác như 60-01S, 50-04V và 50-03S chưa chủ động áp dụng linh hoạt việc đặt lịch hẹn kiểm định thông qua ứng dụng phần mềm hoặc cấp phát số thứ tự, dẫn đến tình trạng chủ phương tiện có tâm lý sợ mất lượt nên đã đưa các phương tiện đến xếp hàng sẵn trong và ngoài khu vực của đơn vị để chờ đến lượt (ăn, ngủ tại xe) vào kiểm định nên càng tạo thêm áp lực cho đơn vị đăng kiểm cũng như các phương tiện khác khi đi đăng kiểm. Từ đó gây ra tâm lý mệt mỏi cho người đưa xe đi kiểm định cũng như gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đơn vị nói riêng và của cả lĩnh vực đăng kiểm nói chung.
Một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại Thanh Hóa từ chối tiếp nhận thực hiện việc cấp miễn kiểm định lần đầu hoặc đơn vị đăng kiểm 29-14D hẹn thời gian giải quyết cấp miễn kiểm định lần đầu quá dài.
Ngoài ra, xuất hiện một số thông tin nhân viên đơn vị đăng kiểm, cò xe tranh thủ tình hình ùn tắc để có hành vi tiêu cực nhằm trục lợi trong việc bố trí "xếp lốt" phương tiện không theo trình tự, gây mất an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng những phản ánh nêu trên đã gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đăng kiểm vào giai đoạn khi cả hệ thống đang gồng mình cố gắng từng ngày để từng bước lấy lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiêm cấm các đơn vị đăng kiểm, các đăng kiểm viên và nhân viên đăng kiểm không được tùy tiện, tự ý đưa ra các yêu cầu và ban hành các quy định trái pháp luật, lợi dụng lúc khó khăn, ùn tắc để tiêu cực, sách nhiễu, trục lợi. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, các trung tâm đăng kiểm phải bố trí nhân viên nghiệp vụ chuyên trách để thực hiện các thủ tục tiếp nhận và cấp miễn kiểm định lần đầu cho phương tiện đảm bảo được nhanh chóng, thuận tiện; không để tình trạng chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết.
Chủ động vận dụng linh hoạt, khoa học, sáng tạo trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự (đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ), dây chuyền kiểm tra nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, nâng cao năng suất lao động; tổ chức thực hiện việc đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định (thông qua ứng dụng phần mềm hoặc cấp phát số trực tiếp).
Tuyệt đối không để tình trạng chủ phương tiện xếp hàng chờ đợi tại khu vực đơn vị đăng kiểm không đúng khung thời gian đã đăng ký (đề nghị chủ phương tiện để xe tại nhà, cơ quan... và chỉ đến đơn vị đăng kiểm theo đúng khung giờ đã đặt lịch) nhằm tránh tình trạng ùn tắc, tránh việc cò xe lợi dụng "chen ngang" gây mất trật tự an toàn và có các hành vi tiêu cực.
Cục Đăng kiểm cũng nghiêm cấm sử dụng phần mềm can thiệp sửa đổi dữ liệu kết quả kiểm tra của thiết bị kiểm định xe cơ giới; nâng cao chất lượng công tác kiểm định xe cơ giới và triển khai thực hiện nhanh chóng những quy định được sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT trong Thông tư 02/2023/TT-BGVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được ban hành ngày 22-3.
Bình luận (0)