Trong động thái mới nhất liên quan việc xử lý sai phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn, cơ quan thẩm quyền của TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã kỷ luật hàng loạt lãnh đạo, cán bộ. Theo đó, có tới 39 lãnh đạo, cán bộ trong tổng số khoảng 80 trường hợp đưa ra xem xét bị xử lý kỷ luật từ mức khiển trách, cảnh cáo cho tới cách chức và buộc thôi việc.
Cho dù đã kỷ luật tới 39 lãnh đạo và cán bộ, song xem ra việc xử lý này vẫn chưa đáp ứng sự trông đợi của dư luận và người dân nếu so với tính chất và mức độ vi phạm đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn. Bởi vi phạm đất rừng phòng hộ ở đây đã kéo dài khoảng 20 năm nay, trước cả khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, song đã không được chính quyền các cấp ở TP Hà Nội xử lý dứt khoát. Ngay cả khi Thanh tra Chính phủ vạch rõ sai phạm, từ năm 2006 đến nay, nhiều vấn đề vẫn giẫm chân tại chỗ. Thậm chí, nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng còn phát sinh ngay trong quá trình tiến hành xử lý vi phạm đất rừng tại huyện này.
Chính điều này khiến dư luận buộc phải đặt dấu hỏi về hiệu lực, trách nhiệm và cả những điều khiến chính quyền các cấp của Hà Nội chần chừ, không xử lý được vi phạm pháp luật mười mươi ở Sóc Sơn. Đã có những ý kiến cho rằng có hay không việc bao che, dung túng cũng như lợi ích nhóm trong những vi phạm đất rừng tại Sóc Sơn? Những sai phạm này, nếu có, thì cần phải xem xét xử lý hình sự chứ không thể chỉ dừng ở việc xử lý kỷ luật hành chính với những người có trách nhiệm liên quan.
Một điều đáng nói nữa là việc xử lý kỷ luật các lãnh đạo, cán bộ cũng chỉ một phần trong những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn. Vấn đề mà dư luận, người dân rất quan tâm đi liền với đó là xử lý các trường hợp vi phạm đất rừng phòng hộ ở đây. Điều gây bất bình là trong khi chưa xử lý dứt điểm 283 công trình vi phạm đất rừng từ năm 2016 trở về trước mà cơ quan thanh tra đã "điểm mặt", trong 2 năm 2017-2018 lại phát sinh thêm 68 trường hợp vi phạm mới và cũng chỉ xử lý được 36 trường hợp.
Vì sao lại có chuyện xem thường kỷ cương phép nước tới vậy? Những công trình vi phạm mới là của ai? Vì sao mà họ dám ngang nhiên vi phạm như vậy trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý những công trình vi phạm?
Giới chức TP Hà Nội và Sóc Sơn từng khẳng định xử lý mạnh tay, "không có vùng cấm" đối với những sai phạm về đất rừng tại Sóc Sơn. Song thực tế việc xử lý cán bộ, xử lý công trình vi phạm tại đây lại khiến dấy lên những hoài nghi.
Xem ra, chừng nào tất cả quan chức hữu trách, những vi phạm ở các công trình lớn được dư luận đặc biệt quan tâm bị xử lý nghiêm minh, đúng tinh thần thượng tôn pháp luật thì dư luận mới có cơ sở để thực sự tin rằng không có "vùng cấm" hay bất cứ trường hợp nào trong vi phạm đất rừng và quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn.
Bình luận (0)