Ngày 23-9, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội và Huyện ủy Sóc Sơn đã ra các quyết định kỷ luật lãnh đạo, cán bộ liên quan những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn.
Kỷ luật 39 cán bộ
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh vừa ký Công văn số 464/BC-UBND báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc kỷ luật lãnh đạo, cán bộ liên quan đến sai phạm. Công văn cho biết Huyện ủy Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật về mặt chính quyền đối với 80 trường hợp. Trong đó, kỷ luật bằng hình thức khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng. Trong số còn lại, không kỷ luật 19 trường hợp vì sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật; không kỷ luật 22 trường hợp vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh).
Tập thể lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức kiểm điểm đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện các nhiệm kỳ (2006 - 2011, 2011 - 2016, 2016 - 2021), cùng với chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện các nhiệm kỳ trên. Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy 3 nhiệm kỳ (2005 - 2010, 2010 - 2015, 2015 - 2020) và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan trong 3 nhiệm kỳ trên.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có các quyết định kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý gồm: Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; ông Vương Văn Bút, nguyên Chủ tịch và ông Tạ Văn Đạo, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cùng bị kỷ luật cảnh cáo.
Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ ra hàng trăm trường hợp vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn nhiều năm
Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, trong 68 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng phát sinh trong năm 2017 - 2018, các xã đã xử lý dứt điểm 36 trường hợp. Trong đó, xã Bắc Sơn, Quang Tiến, Tiên Dược và Phù Linh đã xử lý 100% các trường hợp vi phạm. Một trường hợp tại xã Hồng Kỳ và 6 trường hợp khác thuộc xã Minh Phú đang được huyện tiếp tục chỉ đạo xử lý.
Khó khăn nhất là 25 trường hợp vi phạm tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí. Các trường hợp này có đơn thư khiếu nại gửi TP, huyện Sóc Sơn đề nghị xem xét quá trình sử dụng đất và xây dựng công trình. UBND huyện đã phối hợp với Thanh tra TP tổ chức đối thoại với người dân. Đến nay, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành 7 quyết định thụ lý đơn khiếu nại lần 2 của các hộ dân. Lãnh đạo UBND xã Minh Trí cho biết thôn Minh Tân có đặc thù riêng, do diện tích đất rừng là đất người dân khai hoang vùng kinh tế mới từ những năm 1985. Do đó, địa phương đang chờ Thanh tra TP và các cơ quan chức năng xem xét đưa ra phương án phù hợp với một số hộ dân sinh sống tại đây.
Phải làm rõ bao che, lợi ích nhóm
Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc các cấp chính quyền xử lý kỷ luật với nhiều cán bộ, lãnh đạo liên quan đến vụ xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền những nhiệm kỳ trước. Việc xử lý vi phạm cũng không thể dừng ở đây được mà phải làm triệt để, sai đến đâu xử lý đến đó, những trường hợp nào có dấu hiệu hình sự thì cơ quan chức năng phải điều tra, làm rõ, xử lý trước pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng không thể chỉ dừng lại ở mức chỉ kỷ luật cán bộ như vậy. Lấn chiếm, vi phạm rừng phòng hộ là vấn đề rất nghiêm trọng, do đó phải xem xét hành vi vi phạm pháp luật để xử lý hình sự. Phải đặt vấn đề rằng các cấp chính quyền cũ có bao che, có lợi ích nhóm trong vụ việc hay không?
"Đối với những người liên quan trực tiếp, biết mà vẫn cố tình gây ra sai phạm thì không loại trừ khả năng lợi ích nhóm, có sử dụng tiền để "loby" cho các cán bộ. Chắc chắn nhiều người vào xây nhà, xây biệt thự trên đất rừng Sóc Sơn là có máu mặt. Phải điều tra xử lý hình sự những trường hợp này. Ngoài ra, các công trình vi phạm không thể có chuyện phạt cho tồn tại được, nếu phạt cho tồn tại thì tốt nhất đừng nên xử lý, sẽ gây bức xúc trong nhân dân" - ông Hòa nhấn mạnh.
Sẽ xử lý tiếp 283 công trình vi phạm
Ngoài 68 công trình vi phạm đất rừng đã được nêu trong thông báo kết luận của Thanh tra TP, đối với các công trình vi phạm trước đây xử lý thế nào? Trước vấn đề mà dư luận quan tâm này, UBND huyện Sóc Sơn khẳng định thực hiện theo chỉ đạo, UBND huyện đã lập kế hoạch và sắp tới sẽ tiếp tục xử lý 283 công trình vi phạm đất rừng từ năm 2016 trở về trước.
Bình luận (0)