Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu có những bước phát triển vượt bậc. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ở mức 365.000 tấn, đạt 101,39% kế hoạch và tăng 6,96% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đạt 155.000 tấn, vượt 5.000 tấn so với kế hoạch. Tổng diện tích sản xuất lúa 189.154 ha, sản lượng 1.143.097 tấn, đạt 102,06% kế hoạch và tăng 2,49% so với cùng kỳ. Trong đó, thực hiện chuỗi giá trị hợp tác liên kết sản xuất gắn với bao tiêu được 338.254 tấn lúa và 875 tấn tôm. Ngoài ra, công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất như: Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao và sử dụng lúa giống cấp xác nhận trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tôm, lúa... đạt được nhiều kết quả đáng kể. Riêng công tác xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành trước 1 năm so với nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện 11 sản phẩm và đã được hội đồng cấp tỉnh quyết định công nhận 6 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao…
Thu hoạch tôm theo mô hình công nghệ cao ở Bạc Liêu Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
Năm 2020, Bạc Liêu có nhiều thuận lợi như môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp từng bước tiếp cận và đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đặc biệt, Bạc Liêu vừa trải qua một mùa hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt. Một số thời điểm ranh mặn trên các sông và kênh rạch bị xâm nhập sâu vào nội đồng. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với dịch tả heo châu Phi đã tác động nặng nề đến sản xuất, đời sống của người dân...
Trong "nghịch cảnh" đó, ngành nông nghiệp Bạc Liêu vẫn duy trì và cố gắng thực hiện các mục tiêu đề ra bằng nhiều giải pháp cụ thể, như: tranh thủ nguồn vốn trung ương tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo đê biển và hệ thống cống qua đê cấp bách ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng các kè chống sạt lở, chống xói lở bờ biển, gây bồi tạo bãi; trồng rừng bảo vệ đê biển; các khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá...
Ngoài ra, ngành nông nghiệp Bạc Liêu cũng thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển nuôi tôm như: phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng khu vực ven biển; đầu tư và sớm đưa vào khai thác khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; nhân rộng các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, mô hình tôm - lúa; xây dựng chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới… Ngoài ra, ngành nông nghiệp Bạc Liêu cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, nâng cao tỉ lệ canh tác giống lúa mới, lúa chất lượng cao, nhất là sớm triển khai canh tác giống lúa ST24, ST25 trên đất tôm - lúa...
Bình luận (0)