Lý giải tình trạng không ít học sinh sống buông thả, quan niệm "thoáng" trong tình yêu trong khi lại ứng xử ngờ nghệch, không biết bảo vệ mình…, một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chia sẻ việc dạy kỹ năng sống trong nhà trường hiện nay rất hạn chế.
Trọng dạy chữ, nhẹ dạy người
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay xem trọng việc dạy chữ, chưa chú trọng đúng mức dạy làm người, nhất là việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Hà Nội) - cho rằng việc dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông phải khác hoàn toàn với cách dạy các bộ môn văn hóa. Thế nhưng trên thực tế, nhiều trường vẫn dạy kỹ năng sống cho học sinh theo kiểu mở tài liệu rồi đọc - chép. "Thực tế là giáo viên không được đào tạo để thay đổi nhận thức và quan trọng là không có được năng lực, kỹ năng truyền đạt đúng với đặc trưng của dạy kỹ năng sống. Một số trường đã đổi mới bằng việc mời chuyên gia đến nói chuyện với học sinh nhưng chuyên gia chỉ có thể nói một vài buổi, trong khi kỹ năng sống là việc cần phải được dạy mỗi ngày" - TS Lâm nói.
Học sinh cần được quan tâm giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Ông cũng bày tỏ sự thất vọng khi việc dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông hiện nay vẫn "3 không", đó là không có cơ chế, không có biên chế nhân lực, không có cả thời gian để triển khai vì chương trình hiện hành quá nặng về kiến thức.
TS Nguyễn Khánh Trung - Tổ chức Giáo dục Emile Việt, tiến sĩ chuyên ngành xã hội học giáo dục tại Đại học Toulouse 2 (Pháp) - chia sẻ tại Phần Lan và nhiều nước phát triển khác, mục đích giáo dục của họ rất rõ ràng, là dạy dỗ học sinh thành những người tự chủ, có khả năng bước đi trên đôi chân của mình, chứ không phải sống cuộc đời của người khác. Ngay từ cấp mẫu giáo, học sinh đã được trang bị kỹ năng sống, giáo dục về giới tính để biết cách bảo vệ, tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Còn chúng ta, chương trình giáo dục còn quá nặng về kiến thức, học sinh học ngày học đêm, học rất nhiều mà không chú trọng dạy trẻ các kỹ năng cần thiết.
Tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp giáo dục kỹ năng sống trong trường học" được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức cách đây không lâu, Bộ GD-ĐT đưa ra con số 100% các sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống trong các nhà trường. Tuy vậy, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học hiện nay mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng được hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên dạy kỹ năng sống gặp khó khăn, trong khi đó hình thức tổ chức chưa phong phú, linh hoạt, phương pháp hạn chế, chưa triển khai đồng đều ở các trường học, cấp học, kinh phí hạn chế...
Bao bọc là làm hại con
Nhưng đứa trẻ thiếu kỹ năng sống không thể chỉ là lỗi của nhà trường, mà chính cha mẹ đã không đủ sâu sát dạy dỗ. Cô Hương Thảo, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (TP Hà Nội), cho rằng kỹ năng sống cần phải được rèn luyện thường xuyên. Các kỹ năng cần thiết nhất như sử dụng vật dụng nguy hiểm, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng giải quyết các nhiệm vụ được giao, những kiến thức cơ bản về giới tính... là những điều cha mẹ có thể dạy con tại nhà.
"Một phụ huynh kể lại với tôi, khi chị ấy có lần mắng con mình không biết làm gì, cô bé lớp 10 phản ứng lại ngay lập tức: "Mẹ cứ chê con, chứ lớp con đầy đứa còn không biết sang đường. Mỗi lần sang đường mua đồ ăn là con phải dẫn chúng nó sang đấy". Câu chuyện này cho thấy rõ ràng học sinh hiện nay đang thiếu trầm trọng những kỹ năng sống cơ bản nhất" - cô Hương Thảo chia sẻ.
"Áp lực tâm lý con phải học để vào trường nọ trường kia đã khiến nhiều phụ huynh luôn thúc giục các con. Nhiệm vụ của con cái chỉ là việc học, học ngày học đêm, từ chính khóa đến học thêm khiến các con ăn còn không kịp thì đừng nói làm được việc gì. Đứa trẻ quay cuồng cùng các lớp học nên không có kinh nghiệm sống. Khi lớn lên, sự kiểm soát bên cạnh không còn nhiều nữa, đứa trẻ sẽ rất khó khăn khi một mình đối diện giải quyết các vấn đề" - một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu vấn đề.
TS Vũ Hương, chuyên gia tư vấn giáo dục của Công ty Clever Kids EDC, cũng từng chia sẻ trong một bài viết của mình rằng qua một cuộc khảo sát về các nữ sinh, nam sinh THCS trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy phần lớn các em không nhận biết được biểu hiện của một người đang mang thai. Các em cũng hầu như không biết đến những biện pháp tình dục an toàn. Có em còn đưa ra ý tưởng sử dụng túi ni-lông thay cho bao cao su... Rõ ràng, thiếu hụt kỹ năng sống sẽ chỉ khiến cho các em gặp thêm nhiều rủi ro và bất hạnh. Kỹ năng sống sẽ giúp trẻ không ứng xử ngờ nghệch, không đẩy chính mình và người khác vào vòng nguy hiểm.
Chú trọng giáo dục từ gia đình
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, các bậc phụ huynh hãy dành thời gian để đào tạo kỹ năng sống cho con. Sự an toàn và thành công của con trong tương lai nằm ở chính những bài học kỹ năng sống đơn giản. Giới trẻ bây giờ thiếu tính tự lập một phần quan trọng là do cách giáo dục ở gia đình. Đây là tâm lý của các phụ huynh từng trải qua thời kỳ đói khổ nên quyết không để cho con bị khổ như mình ngày xưa. Chính vì tâm lý này mà họ không để con phải động tay vào bất cứ việc gì, từ đó góp phần đào tạo nên không ít học sinh ỷ lại, dựa dẫm, thiếu kỹ năng sống trầm trọng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-11
Kỳ tới: Nghĩa trang những ngôi mộ vô danh
Bình luận (0)