Quảng Ngãi từng là một trong những địa phương có số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất nước, nhất là vùng biển Thái Bình Dương. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, nhờ việc tuyên truyền hiệu quả, tỉnh này đã không còn tàu cá vi phạm.
Nói không với đánh bắt trái phép
Hơn 5.700 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi đang khai thác thủy sản, trong đó khoảng 4.000 chiếc dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết từ khi Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng "thẻ vàng" đối với việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), chi cục đã tổ chức kiểm soát nguồn hải sản cập cảng, không thu mua hải sản có nguồn gốc trái phép ở vùng biển nước ngoài, loại cấm khai thác.
"Nếu phát hiện tàu cá vi phạm, mức xử phạt rất cao và ngư dân sẽ bị thu hồi giấy phép hành nghề... Nhờ đó, ngư dân thay đổi nhận thức, tình trạng xâm phạm vùng biển các nước giảm mạnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, Quảng Ngãi không có tàu cá xâm phạm vùng biển các nước khác" - ông Mười khẳng định.
Ngư dân vận chuyển cá thu từ tàu lên bờ bán cho thương lái tại tỉnh Bình Thuận Ảnh: HỢP PHỐ
Mỗi năm, các ngành chức năng ở tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức rất nhiều lớp học về việc chống khai thác trái phép với khoảng 50-70 người/lớp, có lớp hơn 100 người tham gia. Qua các lớp học, ngư dân dần hiểu được hậu quả của việc khai thác thủy sản bất hợp pháp để chủ động phòng tránh.
"Mặc dù không còn tình trạng đánh bắt trái phép nhưng số ít chủ tàu vẫn ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. Nếu phát hiện tàu nào mất kết nối, chúng tôi thông báo để lực lượng biên phòng cùng với các cảng cá phối hợp xử lý" - đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Theo ngư dân Võ Bá Nha (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), trước đây, nhiều ngư dân đi đánh bắt ở những vùng biển xa, có khi tận vùng biển châu Âu. Những chuyến biển như thế kéo dài hằng tháng, đối mặt rất nhiều rủi ro như cướp biển, thời tiết xấu…
"Chúng tôi ý thức được những rủi ro tiềm ẩn và qua hướng dẫn của các cơ quan chức năng nên tình trạng đánh bắt trái phép này không còn. Giờ có đi cũng ra vùng biển xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa rồi về, đánh bắt ít nhiều gì cũng được" - ông Nha bày tỏ.
Xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm
Tỉnh Quảng Ngãi đã lập nhiều văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá, bảo đảm trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến theo quy định tại các cảng trong tỉnh; thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình việc xác nhận và chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Những văn phòng này phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan kiên quyết không cho tàu cá xuất bến khi chưa có đầy đủ điều kiện cần thiết... Ngoài ra, trong nỗ lực gỡ "thẻ vàng", tỉnh Quảng Ngãi còn bố trí kinh phí để mua trang thiết bị thiết yếu phục vụ cảng cá, đầu tư khẩn cấp dự án nạo vét, thông luồng ra vào cảng.
Trong khi đó, được đánh giá là một trong 3 ngư trường trọng điểm với chiều dài bờ biển 192 km, Bình Thuận nằm trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng hải sản khai thác hằng năm.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho hay dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Bình Thuận đang kiên trì theo đuổi chính sách khai thác bền vững, quyết liệt tháo gỡ "thẻ vàng" IUU; nhất là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Từ tháng 7-2019 đến tháng 5-2021, Bình Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến nay, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tàu của Bình Thuận đã bị Malaysia bắt giữ, xử lý.
Ngày 16-2 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn hỏa tốc để chấn chỉnh tình trạng trên. Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đang hết sức chú trọng vào việc gỡ "thẻ vàng" của EC. Ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, khẳng định bên cạnh việc cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, trong mỗi chuyến biển, ngư dân đều ghi, nộp nhật ký khai thác với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, sản lượng từng loài đánh bắt; có đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá...
"Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã có văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát ở 4 cảng cá trong tỉnh để truy xuất nguồn gốc, bảo đảm quy định IUU. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ đoàn thanh tra của EC nhiều khả năng sẽ đến Khánh Hòa kiểm tra việc khắc phục "thẻ vàng" trong năm 2022" - ông Én nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-2
Kỳ tới: Xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm
Bình luận (0)