Suốt đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, giá cá liên tục giảm do các nhà máy chế biến không thu mua. Thêm vào đó, giá dầu tăng cao nên ngư dân gần như không đi biển. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc-xin đầy đủ, ngư dân quyết định vươn khơi giữ ngư trường.
"Lộc biển" đầu năm
Cảng cá Hòn Rớ - cảng cá lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ thuộc xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - những ngày này nhộn nhịp tàu cá cập cảng.
Sau hơn 20 ngày đi biển, 2 tàu cá của ngư dân Dương Tuyên đánh bắt được khoảng 60 con cá ngừ, tương đương 3 tấn. Trừ phí tổn và chia cho các ngư dân, ông Tuyên thu về hơn trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ, cho biết giá cá lên đến 160.000 đồng/kg, đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm nay. Còn ông Mai Thành Phúc, ngư đội trưởng ngư đội Trường Sa - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng - hồ hởi: "Nhờ giá cá cao nên ngư dân phấn khởi lắm, có tàu về trúng cá chia cho bạn thuyền mỗi người 10-15 triệu đồng".
Toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 3.400 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó hơn 700 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương. Trong 2 chuyến biển đầu năm, trung bình mỗi tàu câu cá ngừ đại dương đạt sản lượng từ 1 tấn trở lên; tàu lưới cản đường dài khai thác cá ngừ sọc dưa cũng đạt sản lượng 10-12 tấn.
Tại cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, ông Lý Văn Trí (ngụ phường Tam Quan Nam, chủ tàu cá công suất 734 CV) cùng 5 bạn thuyền vừa trở về sau 20 ngày đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Nhờ thời tiết thuận lợi nên tàu ông câu được 39 con cá ngừ đại dương. Sau khi trừ tất cả chi phí, chuyến biển của ông lãi khoảng 100 triệu đồng, mỗi bạn thuyền được chia hơn 16 triệu đồng.
Còn ở cảng cá Quy Nhơn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định mỗi ngày tiếp nhận hàng chục tàu đánh bắt xa bờ, mỗi tàu mang về 1-2 tấn cá ngừ đại dương. Tàu nào cũng lãi từ 100-200 triệu đồng.
Nhiều ngư dân Bình Định còn câu được cá ngừ đại dương "khủng". Điển hình, tàu BĐ 96000 TS của ông Lê Minh Phụng (ngụ phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) vừa đưa con cá ngừ đại dương dài hơn 2 m, nặng 210 kg cập bờ, bán với giá trên 30 triệu đồng. 25 năm sống bằng nghề đánh bắt, chưa bao giờ ông Phụng câu được con cá ngừ đại dương lớn như vậy.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, ngư dân ra khơi bám biển, sản lượng khai thác rất khá. Toàn tỉnh có 2.500 tàu đánh bắt xuyên Tết, sản lượng đạt khoảng 16.000 tấn, trong đó có 865 tấn cá ngừ đại dương - tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm.
Ngư dân Bình Định trúng đậm vì sản lượng đánh bắt và giá cá ngừ đại dương đều tăng. Ảnh: ĐỨC ANH
Thị trường khởi sắc
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bền Vững (tỉnh Khánh Hòa) - chuyên kinh doanh cá ngừ đại dương, cho hay trước đó, dịch Covid-19 khiến ngư dân ít ra khơi khiến nguồn cá giảm sút, các công ty phải tăng giá thu mua để đủ hàng phục vụ xuất khẩu. "Cầu nhiều trong khi cung ít. Với giá như hiện nay, rõ ràng đang có sự cạnh tranh giữa các công ty để thu mua cá ngừ. Người hưởng lợi nhất là ngư dân" - bà Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Dư, thành viên Ban Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, cho rằng thị trường xuất khẩu đang rất tốt nên khả năng tiêu thụ cá ngừ cho ngư dân rộng cửa. Dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều công ty chuyên chế biến, xuất khẩu cá ngừ bắt đầu hoạt động trở lại nên nhu cầu sử dụng nguyên liệu cá ngừ đang cao. Đây cũng là cơ hội để ngư dân vươn khơi bám biển bù lại thời gian nghỉ do dịch.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ đã lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm 2021, đưa tổng giá trị xuất khẩu cả năm lên hơn 759 triệu USD - tăng 17% so với năm 2020.
Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tỉ trọng gần 45% với hơn 338 triệu USD, tăng 21% so với năm 2020. Riêng trong tháng 12-2021, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 114% so với cùng kỳ năm 2020, gần 42 triệu USD. Còn tại thị trường châu Âu, xuất khẩu cá ngừ năm 2021 đạt 144 triệu USD, tăng 6% so với năm 2020.
"Dự kiến, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng đầu năm 2022, khi các ưu đãi về thuế quan được khởi động lại. Tuy nhiên, giá cước tàu biển vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt sẽ tạo áp lực lớn cho xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ nói chung, cá ngừ đóng hộp nói riêng" - VASEP nhận định.
Hy vọng mùa biển mới bội thu
Theo ghi nhận, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, trong lúc nhiều tàu từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa chở đầy cá mực về thì hàng trăm chiếc tàu khác hối hả "lên" đá, thực phẩm, nhiên liệu để ra khơi. Ở các cảng cá lớn khác như Lý Sơn, Sa Huỳnh..., không khí cũng tấp nập, ngư dân phấn chấn, hy vọng một mùa biển mới bội thu.
Thuyền về tấp nập tại cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TỬ TRỰC
Còn tại Bình Thuận, sau 6 ngày đánh bắt, tàu của ngư dân Nguyễn Văn Tường vừa cập cảng Phan Thiết với khoang cá thu đầy ắp. Chuyến mở biển đi câu đầu năm của ông và các bạn thuyền may mắn gặp được luồng cá thu với số lượng lớn. Với giá bán 180.000/kg, chuyến biển hơn 5 tấn cá thu đem lại cho ông và các bạn thuyền gần 1 tỉ đồng.
Kỳ tới: Bám biển bằng công nghệ
Bình luận (0)