Sáng 14-5, tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc".
Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc"
Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết trong suốt 16 năm (1959-1975), các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, cùng lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các địa phương luôn nêu cao quyết tâm "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, đánh bại mọi thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù; tổ chức, xây dựng, bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược, vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thực sự trở thành nơi hội tụ sức mạnh của cả dân tộc, thể hiện ý chí, quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thượng tướng Lê Chiêm khai mạc hội thảo
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cũng như gần 80 báo cáo tham luận của các đại biểu, nguyên là lãnh đạo Đảng, nhà nước, tướng lĩnh quân đội, các nhà khoa học lịch sử, nhân chứng lịch sử đã tập trung làm rõ những nhân tố cơ bản làm nên thành công của tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, sự gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân vì mục tiêu độc lập, tự do và thống nhất đất nước; luận giải các phương thức vận tải chủ yếu trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, vai trò của tuyến chi viện chiến lược này trong mối quan hệ giữa cuộc cách mạng 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Hội thảo cũng tập trung phân tích và khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được thể hiện qua quyết định mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, cùng nhiều câu chuyện cảm động vì tình quân dân, tình đồng đội.
Các nhân chứng lịch sử tại buổi hội thảo
Ông Lê Trúc Phương, một nhân chứng lịch sử, kể lại ngày 30-10-1960, đường hành lang chiến lược Bắc - Nam đã được khai thông. Trong suốt những năm tháng chiến trang vô cùng ác liệt hàng vạn cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống trên tuyến đường huyết mạch này. Trong đó, ông Phương đã kể lại câu chuyện cảm động, thể hiện tình cảm quân dân.
Ông Phương nghẹn ngào kể: Hôm đó ông cùng 2 đồng chí được lệnh đưa đoàn cán bộ vượt sông Sêrêpốk ranh giới giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk ngày nay. Khoảng 7 giờ tối, ông cùng các đồng đội đã đưa đoàn cán bộ vượt sông an toàn nhưng không may sau đó 1 đồng chí bị sốt, không thể hành quân được. Ông được giao nhiệm vụ ở lại chăm sóc đồng đội này, ông đã mắc võng, đốt lửa cạnh 1 con suối nhỏ rồi rang gạo, hầm cháo và cho uống thuốc. Tuy nhiên, trong đêm đó, người động đội của ông đã tử vong. Trước khi chạy về đơn vị báo cáo, ông đã đốt thêm nhiều đống lửa, mắc thêm tăng võng xung quanh để thú rừng không tới. Sau nhiều giờ băng rừng, lội suối, ông cùng các đồng đội đã kịp quay lại khi trời tờ mờ sáng và chôn cất người đồng đội của mình. "Chiến tranh đã lùi xa, bao nhiêu năm qua tôi đã nhiều lần quay lại, cố gắng tìm mộ của đồng chí ấy nhưng đến nay vẫn chưa tìm được, điều này khiến tôi đau đáu mãi" – ông Phương nghẹn ngào kể lại.
Bình luận (0)