xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người đại diện cầu thủ, tại sao không?

Bài và ảnh: MINH NGỌC

Từ sự việc "báo giá" thủ môn Bùi Tiến Dũng, cần đặt ra quy định về người đại diện cầu thủ để thay mặt đàm phán, ký kết hợp đồng với câu lạc bộ chủ quản, tránh xung đột giữa các bên

Trong những ngày qua, "bảng báo giá" của thủ môn Bùi Tiến Dũng xuất hiện trên mạng xã hội, kèm theo thông tin về một công ty truyền thông đứng ra bảo trợ cho người hùng của U23 Việt Nam đã tạo ra những tranh luận trái chiều.

Lấn cấn "bảng báo giá"

Từ lượt theo dõi gần 35.000, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, với những tình huống cản phá 11 mét xuất thần để giúp U23 Việt Nam giành HCB U23 châu Á, thủ môn Bùi Tiến Dũng đã trở thành "vua" của mạng xã hội Facebook. Số lượt theo dõi cầu thủ này tăng lên hàng chục lần, đạt cột mốc 2,7 triệu lượt theo dõi. Trung bình mỗi một status của Tiến Dũng đạt hơn 300.000 lượt thích, hơn 5.000 chia sẻ…

Hình ảnh thủ môn Bùi Tiến Dũng tràn ngập khắp nơi cũng là lúc Công ty Truyền thông Orion Football Total (OFT) nhanh chân nhảy vào ký hợp đồng và đưa ra "bảng báo giá" nói trên.

"Bảng báo giá" thực sự gây sốc khi đưa ra mức giá cụ thể những công việc mà thủ môn Bùi Tiến Dũng có thể khai thác hình ảnh, như đăng status trên Facebook 2.500 USD/lần; livestream 5.000 USD/lần; tham dự sự kiện 10.000 USD/lần; quảng cáo độc quyền với các nhãn hàng 123.750 USD/lần/năm... "Nếu xét trên mức độ ảnh hưởng, giá đó chỉ bằng 1/3 một ca sĩ đang nổi tiếng nếu độc quyền nhãn hàng, bằng khoảng 1/2 danh hài. Trong khi nếu so sánh về tầm ảnh hưởng, mức độ thì giờ Dũng đang ở vị thế cao hơn, lượng follow (theo dõi) khách hàng chất hơn" - ông Nguyễn Đắc Văn, người đại diện của Bùi Tiến Dũng, quả quyết.

Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau khi xuất hiện "bảng báo giá", ngày 2-2, CLB FLC Thanh Hóa phát thông cáo báo chí khẳng định mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng hình ảnh thủ môn trẻ này đều do CLB quản lý. Ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa, nhấn mạnh: "Cầu thủ FLC Thanh Hóa chỉ được quảng cáo cho những đối tác khi có sự đồng ý bằng văn bản của CLB".

Rắc rối phát sinh từ đây. Bùi Tiến Dũng đã phải ngồi lại "làm việc" với CLB chủ quản. Ông chủ của OFT là Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion) cũng đã đăng lời xin lỗi lên Facebook.

Trong vụ việc này, rõ ràng FLC Thanh Hóa không sai bởi họ đã trưng ra bản hợp đồng lao động ký với Tiến Dũng, trong đó có nhiều điều khoản ràng buộc về việc khai thác hình ảnh. Dù vậy, sự việc cũng khiến giới làm bóng đá băn khoăn về tính pháp lý. Đó cũng là lý do mà ngay cả đội bóng chủ quản FLC Thanh Hóa sau đó cũng dịu giọng, từ việc dọa khởi kiện OFT chuyển sang mềm mỏng, không muốn làm lớn chuyện.

Người đại diện cầu thủ, tại sao không? - Ảnh 1.

Nhiều rắc rối xảy ra cho thủ môn Bùi Tiến Dũng sau khi xảy ra vụ lùm xùm báo giá khai thác hình ảnh

Ba bên cùng ngồi lại

Thực ra, trước Bùi Tiến Dũng, OFT cũng đã ký hợp đồng khai thác giá trị hình ảnh của một số cầu thủ. Ở vài CLB, một số cầu thủ cũng đã tự tìm người đại diện cho riêng mình. Nhưng sự việc không gây ồn ào như trường hợp của Bùi Tiến Dũng vì thời điểm xảy ra khá nhạy cảm, khi thủ môn này đang là người hùng trong mắt người hâm mộ. Hơn nữa, một số cầu thủ đi trước có kinh nghiệm khéo hơn, không để cá nhân hay tổ chức đại diện "hớt váng" hết mà thỏa thuận chia tỉ lệ giữa 3 bên.

Từ sự việc trên, giới chuyên gia bóng đá cho rằng cần có những quy định cụ thể trong việc khai thác giá trị thương mại, kinh doanh hình ảnh, thương hiệu của cầu thủ, cụ thể hóa vào hợp đồng lao động.

Nhà báo Trương Anh Ngọc, người có nhiều năm làm việc ở Ý và có thâm niên tác nghiệp tại các giải bóng đá lớn như World Cup, Euro, Serie A..., cho rằng việc cho phép cầu thủ Việt Nam có cá nhân hoặc công ty đại diện là cần thiết trong môi trường bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp. Theo nhà báo Anh Ngọc, "người đại diện cầu thủ" không phải khái niệm xa lạ với bóng đá quốc tế nhưng ở Việt Nam lại khác. Trong khi đó, vì nhiều lý do như bị lệ thuộc, hạn chế hiểu biết về luật lệ, vì cái lợi ngắn hạn (cần tiền lót tay, lương) hoặc vì ràng buộc bởi chữ "tình" nên nhiều cầu thủ vẫn đặt bút ký hợp đồng lao động dù biết bất lợi thuộc về mình. Chính vì thế, bóng đá nội chứng kiến không ít trường hợp tranh cãi về hợp đồng hoặc những bản hợp đồng có điều khoản bất hợp lý.

Với việc có người đại diện, theo nhà báo Anh Ngọc, cả 3 bên cùng ngồi lại với nhau, bàn về giá trị thương mại và thương hiệu. Làm theo công thức Win-Win-Win thì cả 3 bên đều được hưởng lợi.

Ở góc nhìn tích cực, giới chuyên gia bóng đá kỳ vọng sự việc thủ môn Tiến Dũng sẽ mở đường cho cầu thủ Việt có công ty đại diện, quản lý hình ảnh giống như giới showbiz hoặc bóng đá quốc tế. 

Vuột hợp đồng bạc tỉ

Ít ai biết rằng đằng sau vụ lùm xùm bảng báo giá, thủ môn Bùi Tiến Dũng vuột mất cơ hội ký hợp đồng quảng cáo bạc tỉ. Cụ thể, một tập đoàn điện tử lớn đã thông qua người đại diện của Bùi Tiến Dũng để làm việc, muốn tiến tới ký kết hợp đồng quảng cáo độc quyền với thủ môn trẻ này với giá trị khoảng 1 tỉ đồng. Đáng tiếc là sau khi xuất hiện bảng báo giá và có khuyến cáo từ CLB FLC Thanh Hóa, doanh nghiệp này dừng dự định chọn Tiến Dũng.

Mae Mua - nhà môi giới đầu tiên ở bóng đá Việt Nam:

Lời cảnh tỉnh cho bóng đá Việt

Cầu thủ Việt cần có người đại diện hoặc công ty chuyên nghiệp đại diện, để không bị cái tình lấn át, không bị "hoa mắt" khi đọc bản hợp đồng và có thể quản lý tài chính một cách hợp lý. OFT không sai về mục đích, cần được ủng hộ và nhân rộng. Tuy nhiên, cái cách OFT triển khai lại bị chỉ trích, có lẽ là do không tôn trọng CLB Thanh Hóa. Mọi mối quan hệ, công việc đều được duy trì trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Dù vậy, sự việc của Tiến Dũng cũng có thể coi là lời cảnh tỉnh cho FLC Thanh Hóa nói riêng và các đội bóng Việt nói chung. Họ cần có cách đối xử tôn trọng, công bằng hơn với các cầu thủ. Bên cạnh đó là sự nhìn nhận nghiêm túc về việc khai thác hình ảnh các cầu thủ của mình, vốn là mảnh đất mang lại khoản thu không nhỏ nhưng đang bị hầu hết các CLB bỏ quên.

Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung, chuyên gia pháp lý về thể thao:

Nên làm như… Cristiano Ronaldo

Theo những thông tin do phía OFT đưa ra thì có thể hiểu công ty này đã có những thỏa thuận với Bùi Tiến Dũng về việc sử dụng hình ảnh hay sự hiện diện của cầu thủ này nhằm khai thác, quảng bá cho các thương hiệu và hình ảnh với mục đích thương mại. Nếu như bản hợp đồng lao động của Bùi Tiến Dũng với CLB Thanh Hóa có quy định trường hợp cầu thủ tham gia ký kết vào các bản hợp đồng với mục đích này thì phải có sự đồng thuận của CLB. Nếu Tiến Dũng hay bất kỳ cầu thủ nào bỏ qua các ràng buộc nghĩa vụ như vậy là vi phạm điều khoản ký kết với CLB.

Thực ra, mục đích của giao kết hợp đồng lao động đơn thuần là về vấn đề lao động. Người đi làm bình thường như nhân viên công sở hầu như không mấy khi bị ràng buộc bởi các quy định về sử dụng hình ảnh cho các hoạt động quảng cáo ngoài nơi làm việc, miễn là họ không làm ảnh hưởng đến hình ảnh, xung đột lợi ích của doanh nghiệp. Cầu thủ thì khác vì họ tham gia vào hoạt động bóng đá ở CLB, hình ảnh của họ trong các hoạt động ở CLB là một tài sản để CLB từ đó khai thác bản quyền truyền hình, thu hút tài trợ, quảng cáo... Việc các CLB đưa vào hợp đồng lao động các quy định mang tính ràng buộc về khai thác hình ảnh là cần thiết để tránh xung đột giữa việc khai thác thương mại với tư cách cá nhân với những khai thác của CLB.

Ở một góc độ khác, nếu OFT đứng ra trở thành một cơ quan đại diện cho Tiến Dũng thì họ có quyền thay mặt hoặc đồng hành cùng Tiến Dũng trong việc thương thảo các bản hợp đồng mới với CLB, đề xuất các hợp đồng quảng cáo để nhận được sự cho phép từ phía CLB. Làm theo cách này, Tiến Dũng sẽ có một người đại diện như Cristiano Ronaldo là Jorge Mendes. Sau đó, OFT và Tiến Dũng sẽ tự thỏa thuận với CLB Thanh Hóa để phân chia quyền lợi từ hợp đồng quảng cáo. Đây là cách mà Việt Nam cần áp dụng để tránh những vụ việc rắc rối tương tự có thể xảy ra.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo