Những lao động người Bangladesh này cho biết họ nhập cảnh vào Việt Nam thông qua một công ty môi giới với giá 4.500 USD/người và được giới thiệu làm việc tại tỉnh Bình Dương. Khi ở Bangladesh, bên môi giới hứa mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng khi sang đây, họ nhận mức lương thấp hơn.
Sống bằng nguồn từ thiện
Thông qua một phiên dịch viên người Bangladesh nằm trong nhóm bạn trẻ từ thiện, chúng tôi tìm được địa chỉ của nhóm 22 người là nam đến từ Bangladesh hiện đang sống tại khu phố Phước Lập, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). Hiện họ thất nghiệp, không có tiền, sống bằng nguồn trợ cấp từ các nhóm từ thiện và người dân xung quanh.
CLIP: Cảnh sinh hoạt của những người Bangladesh trong một căn nhà ở Bà Rịa-Vũng Tàu
Anh Hossen Monir (SN 1985) cùng những người Bangladesh khác tại Bà Rịa-Vũng Tàu
Khoảng tháng 5-2020, những người này được đưa về tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm việc tại một công ty gỗ. Ở đây, nhóm này được bên môi giới thuê cho một căn nhà nhưng họ làm được một thời gian thì lần lượt nghỉ việc do mức lương thấp, một số khác không làm được việc. Nhiều lần họ liên hệ phía công ty môi giới nhưng không được vì có quá ít thông tin về công ty này.
Ông Ch. (một người hàng xóm) cho biết nhóm người này sống rất kham khổ, thậm chí trước đây mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Về sau, người dân thấy thương nên đã kêu gọi hỗ trợ gạo, trứng, mì gói, cá (không ăn thịt lợn) cùng một số nhu yếu phẩm khác. Nhiều lần ông Ch. cũng muốn giới thiệu cho họ đi làm nhưng vì không có giấy tờ, không hiểu ngôn ngữ nên nhiều công ty không dám nhận.
Ông Ch. từng xin cho một vài người đi làm phụ hồ, do không quen thời tiết, công việc cũng khác nên họ đều không làm được. "Họ không gây mất trật tự, hằng ngày đi chợ mua đồ ăn về tự nấu nướng nhưng về lâu dài, nếu cứ như thế này thì không ổn, chúng tôi cũng rất lo lắng"- ông Ch. nói.
Qua trao đổi, khoảng 5 người có mong muốn tiếp tục tìm công việc ở Việt Nam để lo cho gia đình, số còn lại mong muốn được trở về nước nhưng không có tiền, không còn giấy tờ đủ điều kiện để về cũng không biết liên hệ ở đâu.
Những thực phẩm của nhóm lao động này được hỗ trợ từ người dân xung quanh và một số nhóm từ thiện
Anh Hossen Monir (SN 1985) cho biết anh còn vợ và con đang ở Bangladesh, cuộc sống bên đó cũng khó khăn nên sang Việt Nam làm việc. Do mức lương thấp, anh đã xin nghỉ tại công ty, giờ muốn có một công việc khác nhưng không hiểu ngôn ngữ nên không thể xin việc làm. "Tôi vẫn còn đầy đủ giấy tờ nên mong muốn tiếp tục được ở lại Việt Nam và muốn có được mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng như phía công ty môi giới nói" - anh này cho hay.
Chờ mở lại đường bay
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết công an địa phương đã có báo cáo gửi UBND huyện, huyện cũng gửi công an tỉnh để từ đó liên hệ với Sở Ngoại vụ và những đơn vị liên quan để có hướng giải quyết.
Theo Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh có khoảng 150 người Bangladesh, trong đó có 128 người đang làm việc ổn định tại các doanh nghiệp. Vừa qua, phát sinh 22 người, là những trường hợp đang cư trú tại căn nhà ở ấp Phước Lập, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ.
Trong số 22 người sống tại căn nhà này thì có 6 người đang làm việc ổn định trong các doanh nghiệp, còn lại 16 người nhập cảnh vào Việt Nam từ tháng 9-2019. Trong số này có 14 người được thử việc tại tỉnh Bình Dương, đến tháng 6-2020 Công ty gỗ Thượng Hảo (KCN Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ) ký hợp đồng với một doanh nghiệp tại TP HCM đưa 14 người về làm việc. Đến ngày 31-8, phía công ty hết việc, cũng không có nhu cầu tuyển thêm nên đã kết thúc hợp đồng lao đông. "Xét về nguyên tắc, số lao động này phải xuất cảnh nhưng do dịch Covid-19, đường bay bị đóng nên chưa thể bố trí chuyến bay để đưa họ về nước. Hiện tại, họ không có công ăn việc làm, không có thu nhập" - lãnh đạo Phòng Xuất nhập cảnh thông tin.
Nhiều người hỗ trợ gạo, mì gói cho những người Bangladesh
Chiều 3-9, 14 người này đến Công an phường Mỹ Xuân yêu cầu được hỗ trợ. Phòng Xuất nhập cảnh đã phối hợp với công an phường mời làm việc trực tiếp và mời công ty, chủ nhà đến làm việc. Tại đây, chủ nhà đồng ý cho 14 người được ở miễn phí 1 tháng không lấy tiền, công ty gỗ Thượng Hảo cũng cam kết nuôi ngày 2 bữa cơm miễn phí trong 1 tháng.
Đến ngày 11-9, nhận được thông tin Bà Rịa-Vũng Tàu đang hỗ trợ cho 14 người thì có thêm 10 lao động nữa từ Bình Dương kéo xuống. Ngay trong ngày, công an đã kiểm tra thì những người này lại không có mặt tại cơ sở. Sau đó có 8 người bỏ đi, còn 2 người có giấy phép lao động tỉnh Bình Dương cấp, ở lại cùng sống trong căn nhà ở Phú Mỹ.
Theo Phòng Xuất nhập cảnh, sau 1 tháng, nếu không liên hệ được công việc cho 16 người này, phòng sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập cảnh liên hệ Đại sứ quán Bangladesh tại Hà Nội để họ có trách nhiệm bảo hộ cho công dân, khi đường bay mở cửa lại, sẽ bố trí về nước theo quy định. Nếu những lao động nào đáp ứng được nhu cầu, muốn ở lại làm việc thì sẽ liên hệ các công ty để được làm việc.
Theo Công an thị xã Phú Mỹ, những người này có đến địa phương xin hỗ trợ để được về nước nhưng hiện đang dịch Covid-19, đường bay đóng cửa nên trước mắt công an thị xã đã báo cáo về công an tỉnh để tỉnh liên hệ các cơ quan xuất nhập cảnh hỗ trợ họ "Khi lên công an phường làm việc, họ đói nên anh em cũng đi mua cơm hộp cho. Giờ mà không cho họ ở lại thì họ biết đi đâu, trong khi đang dịch thế này; để họ đi lang thang rồi không kiểm soát được cũng không hay. Vì vậy, trước mắt chúng tôi thuyết phục chủ nhà để họ ở yên đó, chờ mở lại đường bay, hoặc bằng các con đường ngoại giao để hỗ trợ đưa họ về nước chứ không còn cách khác" - một điều tra viên cho hay. Theo cơ quan điều tra, những người này hiền lành, không gây mất trật tự tại địa phương.
Về phía công ty môi giới có lừa đảo hay không, theo cơ quan điều tra, cần phải xác minh thêm mới có thể thông tin được ."Qua nắm tình hình, họ sang đây nhưng công việc không như mong muốn, chúng tôi cũng đang liên lạc, điều tra thêm về phía công ty môi giới chứ hiện tại chưa thể khẳng định được" - Công an thị xã Phú Mỹ thông tin.
Bình luận (0)