Từ nhiều ngày nay, người dân nhiều thôn ở các xã Đăk Nông, xã Đăk Ang thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum phải đu dây qua sông để thu hoạch nông sản, đến khu đất sản xuất.
Nguyên nhân là do cơn bão số 9 vừa qua làm nước sông Pô Kô dâng lên cao, cuốn trôi mất cầu treo bắc qua sông nên không còn đường để đi lại. Cầu bê tông thì cách cách rất xa nên người dân góp tiền mua dây cáp, ròng rọc để đu qua sông.
Người dân liều mình đu cáp treo qua sông
Chỉ riêng xã Đăk Nông, có 3 điểm người dân chế cáp treo để đu qua sông và vận chuyển nông sản.
Anh A Thế (thôn Tà Pook, xã Đắk Nông) cho biết do gia đình có rẫy trồng mì ở bên kia sông, cầu treo bị trôi, nước sông lại chảy siết nên anh và những người có rẫy bên kia sông góp tiền mua sợi dây cáp dài hơn 200 mét làm dây đu qua sông.
Nếu không dùng cáp treo, không có cách nào khác để vận chuyển nông sản
Nông sản được "bay" qua sông
Riêng ròng rọc có gắn móc sắt thì mỗi người sắm riêng một cái, tự mang theo mỗi khi di chuyển. "Trước đây khi chưa có cầu treo, người dân chúng tôi cũng dùng cách này để qua sông. Đi quen rồi nên không thấy sợ nữa. Chỉ có người phụ nữ địu con mà đu qua sông, không may xảy ra chuyện rất nguy hiểm" – anh A Thế nói.
Tại điểm cáp treo nối thôn Nông Nội với xã Đắk Ang, anh Nguyễn Văn Đại (32 tuổi, trú xã Đắk Ang) hằng ngày vẫn phải đu qua sông để đưa con tới trường học cho gần, vì nếu đi cầu bê tông, phải mất hơn 20km. Đưa con đi học xong, anh lại dùng cáp treo chuyển hàng chục bao cà phê qua sông để mang đi bán.
Một người đu cáp treo bị mắc kẹt, phải nhờ người khác hỗ trợ kéo vào bờ
"Nhiều lúc cáp treo kẹt ở giữa sông, cách mặt nước cả chục mét. Vừa ôm con tôi phải vừa dùng tay kéo dần dần để vào bờ. May mắn chưa bị rơi xuống sông lần nào" - anh Đại kể.
Theo quan sát của phóng viên, cáp treo gắn qua sông dài khoảng 50, 60 mét nối 2 bên bờ sông. Một bên cao hơn để khi dùng ròng rọc sẽ tự động chạy qua bên đầu thấp. Tương tự, có một dây cáp được thiết kế theo chiều ngược lại. Mỗi lần qua sông như vậy, cả thời gian chuẩn bị và chạy qua sông mất khoảng 5 phút. Nhiều người đu cáp treo xong còn ví mình như "Tôn Ngộ Không".
Theo UBND huyện Ngọc Hồi, cơn bão số 9 đã cuốn trôi, làm hư hỏng 6 cây cầu treo dân sinh. Do đang vào mùa thu hoạch nông sản nên người dân buộc phải tìm cách vận chuyển qua sông đi tiêu thụ. "Huyện, xã cũng đã khuyến cáo, cảnh báo rồi nhưng không cho người dân vận chuyển thì không được vì đây là nhu cầu thiết thực" - ông Phan Thanh Tùng, Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi nói.
Cũng theo ông Tùng, UBND huyện Ngọc Hồi đã báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh Kon Tum có kế hoạch bố trí nguồn vốn xây dựng lại những cây cầu treo bị hư hỏng, bị cuốn trôi để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Người dân liều mình đu cáp treo qua sông. Clip: Hoàng Thanh
Bình luận (0)