Sáng ngày 8-6, ông Nguyễn Đình Giới, Chủ tịch UBND xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xác nhận ông Nguyễn Trung Bản (SN 1960, ngụ thôn Yên Bằng), là đối tượng bảo trợ xã hội khuyết tật nặng của địa phương, đã được cho thoát nghèo trong năm 2019.
Sống đơn thân, bị khuyết tật đặc biệt nặng, liệt tứ chi nhưng ông Nguyễn Trung Bản vẫn được địa phương cho "thoát nghèo"
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Lý (SN 1946; ngụ xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn; là 1 trong 3 người chị gái thường ngày thay nhau chăm sóc cho ông Bản), thì em trai bà đã bị liệt tứ chi, phải nằm một chỗ từ khi lên 4 tuổi cho tới bây giờ.
Trước đây, ông Nguyễn Trung Bản được bố mẹ chăm sóc. Tuy nhiên, sau khi bố mẹ ông qua đời nên từ năm 2005 tới nay, ông Bản được 3 chị em gái ở gần thay nhau chăm sóc.
Là trường hợp bị khuyết tật đặc biệt nặng, liệt tứ chi và thiểu năng não, nên ông Nguyễn Trung Bản đã được hưởng chế độ bảo trợ xã hội với số tiền 540.000 đồng/tháng.
Cuộc sống cơ cực, khó khăn, trong khi người thân của ông Bản cũng không thuộc diện giàu có nên ai thương cho gì ăn đó, nếu không tất cả mọi chi tiêu thường ngày của ông Bản phụ thuộc vào số tiền bảo trợ xã hội của nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Lý (chị gái ông Bản) nhiều lần bật khóc khi kể về cuộc đời của người em trai bất hạnh
"Em tôi sống đơn thân một mình, bị khuyết tật nặng nằm liệt giường nhưng tôi cũng không hiểu sao thôn, xã lại cho em tôi thoát nghèo. Chị em tôi thấy vô lý, có lên xã hỏi thì được cán bộ chính sách nói do em gái tôi (người trực tiếp nhận chăm nuôi) được nhận số tiền 270.000 đồng/tháng công chăm sóc, vì vậy em tôi đã được cho thoát nghèo. Tôi là người dân không được học hành nhiều nhưng thấy quá vô lý, bởi một người liệt vĩnh viễn như em tôi, sống đơn thân mà cũng cho thoát nghèo"- bà Lý bức xúc.
Cũng theo bà Lý, trước đây thuộc hộ nghèo, ông Nguyễn Trung Bản mỗi tháng được hưởng 30.000 đồng tiền hỗ trợ điện, giờ "thoát nghèo" số tiền trên cũng bị cắt luôn. Đồng thời, ngày Tết cũng không được các đoàn tới thăm hỏi, hỗ trợ như trước nữa mà chỉ có 300.000 đồng tiền quà Tết.
Về việc cho hộ ông Bản thoát nghèo, ông Nguyễn Đình Giới, Chủ tịch UBND xã Đông Yên, lý giải rằng nếu muốn người thân được hưởng 270.000 đồng/tháng công nuôi dưỡng thì ông Bản phải thoát nghèo, nếu không thoát nghèo sẽ không được hưởng.
Căn nhà cũ nơi ông Nguyễn Trung Bản đang ở một mình, hằng ngày ông được 3 người chị gái sống ở gần lui tới chăm sóc
Khi được hỏi, số tiền trả công cho người chăm sóc đó là công người chăm sóc được hưởng, ông Bản đâu có được hưởng mà phải thoát nghèo?, ông Nguyễn Đình Vũ, công chức Lao động, Thương binh và Xã hội xã Đông Yên, cho biết quy định mới thì người chăm sóc phải cùng hộ với người được chăm sóc và không thuộc diện nghèo mới được.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Vũ lại khẳng định hiện ông Nguyễn Trung Bản vẫn là một hộ riêng, độc thân, chưa ghép vào hộ người thân nào cả và đã được cho thoát nghèo từ năm 2019. "Trường hợp của ông Bản đúng là đặc biệt của xã, tuy nhiên quy định nó thế nên chúng tôi mới đưa ra khỏi hộ nghèo. Tới đây, địa phương sẽ xem xét để đưa gia đình ông Bản trở lại hộ nghèo"- ông Vũ nói.
Tìm hiểu Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, phóng viên không thấy có quy định nào bắt buộc người nhận nuôi dưỡng người được hưởng bảo trợ xã hội nặng phải ở chung hộ với nhau.
Các giấy tờ chứng nhận khuyết tật của ông Nguyễn Trung Bản
Cụ thể, tại Điều 24, Chương 4 của Nghị định này quy định điều kiện, trách nhiệm đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng... và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rất rõ về điều kiện của người nhận chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, trong đó không có mục nào nói người chăm sóc phải ở cùng với người bị khuyết tật nặng.
Bình luận (0)