Trao đổi với Báo Người Lao Động sáng 23-11, ông Nguyễn Hồng Dân (tên thường gọi là Ba Dân; 51 tuổi; ở trọ tại khu vực 1, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy), cho hay đây là lần đầu tiên ông được đến Hà Nội. "Chuyến đi này tôi rất mừng vì trước giờ chưa từng nghĩ mình sẽ được vinh danh. Giải thưởng lần này là động lực để tôi tiếp tục công việc của mình giúp ích cho đời", ông Ba Dân phấn khởi chia sẻ.
Ông Ba Dân mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo
Cũng theo ông Ba Dân, cùng đi với ông còn có một cán bộ ở địa phương để hỗ trợ ông trong việc đi lại. Riêng phần kinh phí vé máy bay, chi phí ăn uống cũng có một nhà hảo tâm tài trợ nên ông càng ấm lòng hơn. Ông Ba Dân bộc bạch: "Giải thưởng và sự quan tâm của mọi người làm tôi cảm thấy thật sự ấm lòng, có được tiền tôi sẽ tiếp tục công việc "quái gở" của mình".
Mỗi ngày trên đường đạp xe đi bán vé số, hễ thấy chỗ nào xuất "ổ voi" , "ổ gà" là hôm sau ông Ba Dân mang vật liệu đến trám lại
Như đã thông tin, ông Ba Dân - một người đàn ông tật nguyền sống bằng nghề bán vé số dạo - đã trích khoản thu nhập của mình để vá "ổ voi", "ổ gà" với mong muốn người đi đường không phải té ngã, bị thương. Mỗi ngày đạp xe đi bán vé số, hễ thấy đoạn đường nào vừa xuất hiện "ổ gà", "ổ voi" thì ông Ba Dân liền "nghía" qua để hôm sau đạp xe ba gác đi mua cát, đá, xi măng rồi mang đến trám vào. Toàn bộ số vật liệu này đều được người đàn ông tật nguyền trích ra từ số tiền tích cóp sau những ngày đi bán vé số dạo. Chỉ tính riêng ở địa bàn quận Bình Thủy, người đàn ông tật nguyền này đã vá cả ngàn "ổ voi", "ổ gà".
Dù tật nguyền nhưng ông Ba Dân khiến không ít người thán phục trước nghĩa cử "sống đẹp" của mình
Mới đây, Ủy ban Giải thưởng KOVA đã công bố kết quả giải thưởng lần thứ 16 năm 2018. Theo đó, ông Ba Dân được chọn trao giải ở hạng mục "Sống đẹp" dành cho những việc làm tốt đẹp, lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng.
Bình luận (0)