Trở lại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi hoàn toàn ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng đất đầy đau thương ngày nào khi trận mưa lũ ập về tối ngày 3-8-2019 gần như xóa sổ cả bản. Mưa lũ đã nhấn chìm, cuốn trôi 19 nóc nhà, có 10 người đã vĩnh viễn ra đi mãi mãi không về. Nhưng rồi, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền trong tỉnh và các nhà hảo tâm, Sa Ná đang dần hồi sinh, bắt đầu một cuộc sống mới chan chứa tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia của cả cộng đồng.
Một góc bản Sa Ná mới - nơi giúp người dân định cư sau khi bản cũ bị trận "đại hồng thủy" xóa sổ
Hạnh phúc nơi vùng đất mới
Thời điểm hứng chịu trận mưa lũ lịch sử, Sa Ná gần như bị san phẳng, tất cả ruộng vườn, đường sá, tài sản và gần 20 ngôi nhà đã bị gãy đổ, cuốn trôi. Đau thương nhất là mưa lũ đột ngột đổ về lúc rạng sáng khiến người dân không kịp di tản. Bị lũ cuốn, nhiều người đã được lực lượng cứu hộ, người dân cứu sống, nhưng có 10 người con của bản làng đã ra đi vĩnh viễn không về.
Cả bản lúc đó chìm trong nước mắt, có nhà vợ mất chồng, có nhà chồng mất vợ con, thậm chí có nhà bố mẹ, con cái, cháu chắt đều bị dòng lũ dữ cướp đi, để lại cho những người còn sống một nỗi đau khó có thể phai mờ.
Clip bản Sa Ná hồi sinh sau trận "đại hồng thủy" quét qua khiến 10 người chết
Thế nhưng, trở lại Sa Ná lần này, không còn cảnh tượng đổ nát, đau thương, thay vào đó là những căn nhà sàn khang trang, những căn nhà mới xây đang còn nồng mùi vôi vữa. Một bản Sa Ná mới đã hiện ra gần gũi, ấm áp ngay lưng chừng con núi Pom Ngồ (cách bản Sa Ná cũ khoảng 1 km). Cả bản như bừng sáng, tiếng máy san ủi đất, tiếng sửa nhà, tiếng trẻ nhỏ nô đùa... phần nào giúp đồng bào nơi đây vơi bớt đi những mất mát quá lớn mà họ mới trải qua.
Dọn dẹp lại đồ đạc trong căn nhà mới để chuẩn bị đón Tết cổ truyền, chị Ngân Thị Tiến không cầm được nước mắt vì hành phúc. Chị bảo, lúc bị lũ ập tới, gia đình chị may mắn thoát chết, thế nhưng toàn bộ tài sản, nhà cửa mà vợ chồng tích cóp bấy lâu đã bị mưa lũ xô sập, cuốn trôi. "Lúc đó vợ chồng tôi đều rơi vào cảnh trắng tay, màn trời chiếu đất, không biết cuộc sống phía trước sẽ thế nào. Thế nhưng, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, giờ đây vợ chồng tôi đã có nhà mới để ở, có thể yên tâm lo cho cuộc sống sau này"- chị Tiến vui mừng.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, bản Sa Ná đã hồi sinh giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn
Tại bản Sa Ná mới, gia đình được quan tâm nhất có lẽ là hộ anh Hà Văn Vân, người có đến 6 người thân bị lũ dữ cuốn trôi gồm bố mẹ, vợ và 2 con cùng người em gái. Trong căn nhà mới xây khang trang, anh Vân cho biết, nếu không có sự sẻ chia của bà con dân bản, không có sự chung tay, động viên của cộng đồng, có lẽ anh không thể vượt qua được cú sốc lớn nhất trong đời.
"Sau đợt lũ vừa rồi em như người đã chết bởi tất cả người thân gồm bố mẹ, em gái, vợ con đều bị dòng lũ dữ cướp mất. Nhờ có sự chia sẻ, hỗ trợ, động viên của tất cả mọi người mà em mới trụ được đến ngày hôm nay. Về nơi ở mới em cũng chẳng đi làm xa nữa, sẽ sử dụng số tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ để mua trâu, bò tăng gia sản xuất, sẽ kiếm cho mình một công việc gần nhà để còn lo hương khói cho bố mẹ, vợ con. Em cũng dự định sẽ cưới vợ lần nữa để lo cho một cuộc sống mới, dù vẫn biết nổi đau chẳng thể nào nguôi"- anh Vân chia sẻ.
Ông Hoàng Xuân Luyến...
... và bà Hà Thị Thon rất vui mừng khi có được một nơi ở mới chắc chắn, khang trang
Ấm tình quân dân
Để có được một vùng đất mới cho người dân Sa Ná hồi sinh chỉ sau 4 tháng khi mưa lũ đi qua, đó là nhờ vào sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, tâm huyết của chính quyền địa phương. Đặc biệt, đó là sự xuất hiện của những người lính "bộ đội cụ Hồ". Nhờ hàng nghìn ngày công của bộ đội "ăn cùng, ngủ cùng, làm cùng", đã góp phần không nhỏ giúp người dân Sa Ná có thể kịp đón 1 cái Tết cổ truyền trọn vẹn trong căn nhà mới.
Theo bà con dân bản, cũng may có các anh bộ đội giúp đỡ, xây dựng, dọn dẹp nên gia đình nào cũng rất yên tâm. "Chúng tôi rất biết ơn các anh bộ đội. Có những người lên đây giúp đỡ bà con, cùng ăn, cùng ở mấy tháng liền nên ai cũng thương, cũng quý. Tết đến, dù không mua sắm gì nhiều nhưng tôi cũng thấy vui, hạnh phúc và yên tâm tại nơi ở mới"- ông Hoàng Xuân Luyến (SN 1974) cho hay.
Anh Hà Văn Vân, người đáng thương nhất ở bản Sa Ná khi có tới 6 người thân gồm bố mẹ, vợ và 2 con cùng em gái đã bị lũ cướp mất. Giờ đây, anh đã lạc quan trở lại để bắt đầu 1 cuộc sống mới
Trung tá Trần Công Sơn, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, Trung đoàn 762 (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa), cho biết khi lũ tràn qua bản, chúng tôi đã nhận lệnh lên đường hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng lũ Sa Ná. Ngoài hỗ trợ tìm kiếm người mất tích, chúng tôi còn tổ chức bắc cầu tạm, làm đường vận chuyển vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm phục vụ người dân, dọn dẹp, khắc phục hậu quả ở bản cũ.
"Sau đó, khi có quyết định xây dựng bản Sa Ná mới, chúng tôi lại lên đường giúp bà con tái thiết lại ở bản tái định cư mới. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng với chính quyền địa phương và các lực lượng nỗ lực xây dựng khu tái định cư cho bà con. Đơn vị cũng xác định khi nào bà con ổn định cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ rút về đơn vị để tiếp tục huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu"- trung tá Sơn nói.
Để có được một Sa Ná hồi sinh nhanh chóng chỉ trong 4 tháng, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền tại Thanh Hóa và sự chung tay của cả cộng đồng thì...
... không thể thiếu được những đóng góp không biết mệt mỏi của những người lĩnh cụ Hồ.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết sau khi mưa lũ đi qua, được Trung ương quan tâm, tỉnh chỉ đạo và sự giúp đỡ của toàn xã hội, từ ngày 18-8, chính quyền địa phương đã huy động tối đa phương tiện, nhân lực để xây dựng khu tái định cư cho người dân. Khu tái định cư Sa Ná cách bản cũ khoảng 1 km, có diện tích hơn 5,2 ha, với 19 nhà xây, 32 nhà sàn, trường mầm non, trường tiểu học, nhà văn hóa và hệ thống đường nội bộ, cây xanh.
"Ngoài giúp người dân nhanh chóng có nhà mới, những ngày cận Tết, chúng tôi cũng sẽ tổ chức Tết sum vầy, tổ chức gói bánh chưng, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại trong thời khắc sắp đến năm mới ngay tại bản để giúp bà con nhân dân vơi đi mất mát, sớm quên quá khứ đau thương, hướng tới một cuộc sống tươi mới hơn"- ông Đạt thông tin.
Nhằm giúp người dân Sa Ná sớm quên đi mất mát để đón một cái Tết cổ truyền vui tươi, các đơn vị, ban ngành tỉnh Thanh Hóa và huyện Quan Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có tổ chức gói bánh chưng, đốt lửa trại... trong những ngày cận Tết
Do ảnh hưởng của bão số 3, trong các ngày từ 2 đến 3-8-2019, tại tỉnh Thanh Hóa có xảy ra mưa lớn trên diện rộng gây lũ ống, lũ quét ở huyện Quan Sơn và Mường Lát đã để lại hậu quả rất nặng nề. Đặc biệt, mưa lũ đã quét qua bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) vào sáng sớm ngày 3-8 gây sập 4 căn nhà và cuốn trôi hơn 10 ngôi nhà khác cùng 15 người. Trong đó, có 5 người được cứu sống, 10 người mất tích vĩnh viễn không trở về.
Bình luận (0)