5 giờ. Ăn vội chén cơm đạm bạc lót dạ, ông Nguyễn Văn Nhàn - 41 tuổi; ngụ ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - đổ thêm xăng và nổ máy chiếc đò rồi lái đi đón từng học sinh đưa đến trường trước 7 giờ 15 phút cho kịp giờ học. Công việc này lặp đi lặp lại vào mùa lũ suốt 4 năm nay.
"Nghèo mà còn lo chuyện thiên hạ"
Đưa học sinh đến trường xong, ông Nhàn lái đò về nhà, tranh thủ lấy vài tay lưới ra thả ngoài cánh đồng nước nổi để kiếm tôm cá làm thức ăn cho gia đình. Khoảng 10 giờ, ông lại lái đò đến trường đón các em đưa về nhà… "Công việc này như một niềm vui nhiều năm nay của tui trong cuộc sống" - ông thổ lộ.
Ở vùng này, vào mùa khô, học sinh có thể chạy xe đạp đến trường. Thế nhưng, khi lũ về làm ngập tuyến đường thì chỉ có ghe đò mới di chuyển được. Ông Nhàn cho biết vài năm trước, do hai vợ chồng bận bịu mưu sinh và không có phương tiện đưa rước mỗi ngày nên đứa con thứ hai của gia đình ông đã phải nghỉ học nửa chừng.
"Sau đó, nhiều lần đến hàng xóm chơi, thấy mấy đứa nhỏ nghỉ học nằm chèo queo ở nhà, tui hỏi thì các cháu bảo muốn đi học lắm nhưng ba mẹ phải lo đi làm, không có ai đưa rước. Từ đó, tui quyết định sửa sang lại chiếc đò cũ của mình để làm phương tiện đưa rước các cháu đi học trong mấy tháng mùa lũ" - ông Nhàn nhớ lại.
Ông Nhàn cho biết ông không bao giờ quên chuyến đò đầu tiên đưa rước học trò đến trường của mình. "Mọi việc suôn sẻ, tôi rất vui mừng nhưng khi về nhà, bà xã luôn miệng cằn nhằn: "Nghèo không lo làm ăn mà còn lo chuyện thiên hạ". Tôi phải giải thích, bà ấy mới hiểu ra. Sau đó, vợ tôi còn động viên chồng cố gắng giúp các cháu học sinh trong mấy tháng lũ" - ông kể.
Chúng tôi gặp ông Nhàn trong một lần tình cờ xin đi quá giang khi đò của ông trên đường đưa các em học sinh từ trường về nhà. Người đàn ông có nước da đen sạm vì cả đời dầm mưa dãi nắng này lúc nào cũng có vẻ tất bật nhưng luôn vui vẻ. Vừa điều khiển chiếc đò, ông vừa tán chuyện, pha trò với những hành khách "nhí" của mình.
Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi biết ông Nhàn làm công việc này một cách tự nguyện, các em học sinh được đưa đón hoàn toàn miễn phí. "Gia đình tui còn nghèo khó lắm. Mùa lũ về, dù có thể tận dụng chiếc đò đánh bắt tôm cá kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng tui không đành lòng để mấy đứa nhỏ phải bỏ học vì không ai đưa đón. Năm nào lũ về là phụ huynh, học sinh, chính quyền địa phương lại đến nhà vận động tui đưa rước các cháu. Nhưng đâu cần vậy, đưa đò vài năm, tui đã nghiện công việc này rồi" - ông nói vui.
Bốn mùa nước nổi vừa qua, vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp giáp với biên giới nước bạn Campuchia lũ về lớn và ông Nhàn vẫn ngày ngày âm thầm lái đò đưa rước học sinh hoàn toàn miễn phí. "Mấy tháng nước nổi đâu làm gì ra tiền mà còn phải bỏ tiền túi mua xăng chạy máy đò. Nhiều lúc lo lắng ngủ không được, tui phải xoay xở đủ cách vì không thể ngừng đưa đò, không thể để các cháu bỏ học" - ông tâm sự.
Làm công việc bao đồng, dù bề ngoài luôn xởi lởi, vui vẻ nhưng ông Nhàn luôn canh cánh nỗi lo về chuyện làm sao bảo đảm an toàn cho học sinh. "Sống vùng sông nước vào mùa lũ, ai lường trước được những bất trắc. Mới năm ngoái đây, tui đang đưa học sinh đến trường thì trời đổ mưa. Gió mạnh gây sóng lớn đánh suýt chìm đò khiến tui và mấy đứa nhỏ một phen hoảng loạn. Tui chỉ biết dặn lòng là phải hết sức cẩn thận" - ông bộc bạch.
Bên chiếc đò chờ đưa học sinh đến trường, ông Nhàn còn tiết lộ: "Làm công việc này cũng cần kiên nhẫn, chịu khó. Bởi lẽ, tính khí học trò mỗi đứa mỗi khác nên phải biết cách chiều chuộng chúng. Nếu tui tỏ ra khó tính, tụi nhỏ không chịu đi đò nữa và bỏ học nửa chừng là không ổn".
Ông Nguyễn Văn Nhàn trong một chuyến đò đưa học sinh đến trường
Ông Nhàn được UBND huyện Hồng Ngự khen thưởng
Công việc hữu ích, ý nghĩa
Theo ông Ðặng Văn Bé, Trưởng Ban Nhân dân ấp Giồng Bàng, vào mùa lũ, cụm dân cư này nằm biệt lập giữa bốn bề nước nổi nên việc đi lại, sinh hoạt của người dân rất khó khăn, nhất là học sinh cấp 2-3. Do khó khăn trong việc đi lại, vài năm trước, một số học sinh ấp Giồng Bàng phải bỏ học giữa chừng. "Mỗi khi nước lũ về, nhiều học sinh phải nhờ cậy anh Nhàn đưa rước mỗi ngày" - ông Bé cho biết.
Từ cụm dân cư ấp Giồng Bàng đến trung tâm xã Thường Phước 1 khoảng 5 km, mất hơn 30 phút đi đò. Mỗi ngày, ông Nhàn đưa rước khoảng 6 lượt, giúp học sinh Giồng Bàng đến trường an toàn.
Đang ngồi chờ đò của ông Nhàn đến rước, em Trần Thị Ngọc, học sinh Trường THCS Thường Phước 1, cho biết: "Năm nào lũ về mà không có chú Nhàn đưa đi học là em với mấy bạn trong xóm phải nghỉ học ở nhà vì ba mẹ bận làm thuê và không có ghe đò đưa rước".
"Anh Nhàn dù gia đình còn khó khăn nhưng có tấm lòng thật tốt. Vào mùa lũ, nếu không có anh Nhàn đưa rước thì con tôi đã phải nghỉ học" - chị Nguyễn Thị Thúy Loan, có con học lớp 7, khẳng định. Do hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày vợ chồng chị phải đi làm thuê, không ai đưa rước con đi học. Bà Nguyễn Thị Khôn, ngụ ấp Giồng Bàng, cũng cảm kích: "Nhiều học sinh và gia đình ở đây mang ơn anh Nhàn".
Ông Nguyễn Tấn Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thường Phước 1A, bày tỏ: "Ở khu vực biên giới này, vào mùa lũ, việc học tập của học sinh còn nhiều khó khăn. Nếu không có anh Nhàn hằng ngày đưa rước, chắc nhiều em phải nghỉ học nửa chừng. Công việc thầm lặng của anh mang đến con chữ cho các em ở vùng lũ chia cắt".
Theo ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, biết được hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn còn khó khăn mà phải hằng ngày chạy đò đưa rước học sinh miễn phí, UBND xã đã yêu cầu Hội Chữ thập đỏ xã vận động các mạnh thường quân để có nguồn kinh phí hỗ trợ xăng dầu. Với việc làm hữu ích, ý nghĩa này, ông Nhàn đã được UBND huyện Hồng Ngự khen thưởng đột xuất.
Nợ 15 triệu đồng chưa trả nổi
Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà trống trước hụt sau, bà Đỗ Thị Kim Ngân, vợ ông Nhàn, cho biết: "Hơn 14 năm vào ở cụm dân cư Giồng Bàng này, gia đình tui vẫn chưa trả hết số nợ gần 15 triệu đồng mua nhà trả chậm".
Vợ chồng ông Nhàn có 2 người con, trong đó người con lớn đang đi làm thuê ở TP HCM. Theo bà Ngân, vào mùa khô, vợ chồng bà canh tác mấy công đất lúa. Vào mùa lũ, ngoài thời gian đưa rước học sinh, ông Nhàn tranh thủ giăng câu để mưu sinh. Sau khi hiểu được công việc của chồng, bà vui vẻ "bao sân" việc nhà để ông toàn tâm toàn ý chạy đò đón đưa bọn trẻ đi học trong mấy tháng nước lũ.
Bình luận (0)