Tại TP Hội An và nhiều vùng ở tỉnh Quảng Nam, người dân có phong tục đặt tượng Táo quân lên gian thờ nhà bếp. Vào ngày "ông Táo chầu Trời" 23 tháng Chạp, những bức tượng cũ trên bàn thờ ông Táo sẽ được mang đến đặt ở những gốc cây cổ thụ hay ngã ba thông thoáng với quan niệm tiễn ông Táo đi. Sau đó, các gia đình sẽ thay tượng ba vị Táo mới lên bàn thờ khi ông Táo trở về.
Ông Nguyễn Văn Chín là người duy nhất còn giữ nghề nặn tượng Táo quân ở Hội An
Từ phong tục này, tại làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP Hội An) có một nghề độc đáo tồn tại hàng trăm năm qua là nghề làm tượng Táo quân. Tuy vậy, theo thời gian, cái nghề độc đáo này mai một dần. Hiện nay, tại Thanh Hà chỉ còn duy nhất hộ ông Nguyễn Văn Chín (62 tuổi) gắn bó với nghề.
Chúng tôi có dịp ghé nhà ông Chín vào những ngày giữa tháng Chạp vừa qua. Nằm nép mình bên dòng Thu Bồn hiền hòa, căn nhà nhỏ nơi đặt cơ sở cơ sở làm tượng Táo quân của ông Chín đông vui hơn hẳn so với mọi ngày.
Làm tượng Táo quân đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì
Tiếng cười nói nhộn nhịp, tiếng đất sét va đập vào nhau, tiếng lửa reo trong lò và cả tiếng lòng của những nghệ nhân đang tỉ mẩn nặn từng bức tượng Táo quân như hòa quyện vào nhau, tạo nên một bản nhạc Xuân làm xao xuyến lòng người.
Ông Chín nhắc về nghề nặn tượng Táo quân với vẻ đầy tự hào xen lẫn một chút tâm tư hoài niệm, trăn trở. Trước đây, ở làng gốm Thanh Hà hầu như nhà nhà đều làm tượng Táo quân, trẻ con hay người lớn ai cũng biết làm tượng. Bản thân ông Chín cũng được mẹ truyền đạt lại nghề nặn tượng khi đang còn rất nhỏ.
Gia đình ông Chín có truyền thống với nghề nặn tượng Táo quân
"Chẳng biết chính xác bao nhiêu đời gia đình tôi theo nghề, chỉ biết rằng chính nhờ những bức tượng Táo quân đã nuôi lớn bản thân và cả hai đứa con tôi" – ông Chín xúc động nói.
Ông Chín cho biết, để có bức tượng Táo quân trang trọng đặt lên gian thờ phải trải qua nhiều công đoạn. Từ các khâu nhào đất, in tượng, nung, phơi khô, sơn phết, đóng thùng rồi chuyển đi đến các nơi cho đại lý kịp cung ứng nhu cầu của các gia đình Việt, tất cả đều đòi hỏi nghệ nhân phải chịu khó, cần cù và tỉ mỉ.
Vợ chồng ông Chín quyết giữ nghề truyền thống trước nguy cơ thất truyền
Để những bức tượng Táo quân ra đời, không chỉ dùng lí thuyết suông mà tự chính những con người làm phải thực sự gắn bó, có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề mới có thể làm được.
Bởi lẽ, đất sét dùng làm tượng phải là loại đất đủ độ dẻo, lượng nước cho vào để nhào đất không được quá nhiều cũng không được quá ít, tránh làm đất bị khô hoặc nhão, lửa để nung tượng phải vừa vặn thì những bức tượng mới cứng và có màu sắc đẹp...
Tượng Táo quân vừa đúc xong được xếp ngay ngắn để đem đi phơi
Công việc vô cùng vất vả, phải cần cù, tỉ mỉ là thế nhưng ngược lại thu nhập từ nghề này lại không cao. Hiện nay, một bức tượng Táo quân chỉ từ 1.500 – 2.000 đồng, trừ các chi phí như tiền đất, tiền củi, sơn, kết, xe, công… thì lời lãi chẳng bao nhiêu. Chính vì vậy, người dân làng Thanh Hà đành phải bỏ nghề, chuyển sang những nghề có thu nhập cao hơn.
Bản thân ông Chín cũng đã chuyển qua làm gốm mỹ nghệ với công việc nhẹ nhàng và đem lại nguồn thu lớn hơn rất nhiều nhưng ông vẫn kiên quyết không bỏ nghề nặn tượng Táo quân. Bởi, với ông đây vừa là nghề truyền thống vừa là cái nghề đã nuôi gia đình mình bao nhiêu đời qua. Bỏ nghề thì coi như bỏ đi cội rễ văn hóa.
"Dù công việc có nặng nhọc, vất vả nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ nghề và truyền đạt lại cho con cái để làm sao lò gốm sẽ tiếp tục đỏ lửa mỗi độ Xuân về. Tôi khẳng định rằng ngày nào tượng Táo quân trên ngũ tự còn được coi trọng thì ngày đó nghề làm tượng Táo quân vẫn còn "sống", chí ít là tại gia đình tôi" - ông Chín khẳng khái.
Để có bức tượng Táo quân hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn
Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người cũng theo đó mà tìm cho mình những công việc nhẹ nhàng, thoải mái hơn, những ngành nghề truyền thống cũng từ đó dần bị lãng quên.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những con người như ông Chín ngày ngày "làm bạn với đất", miệt mài đem tâm huyết, niềm say mê của mình dành cho nghề làm tượng Táo quân, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của cha ông. Để, mỗi dịp Tết đến Xuân về, những bức tượng ông Công, ông Táo lại tiếp tục hiện diện trong gian bếp gia đình Việt.
Bình luận (0)