Để xác minh thông tin trên, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm kiếm câu trả lời trong hai ngày qua nhưng các cơ quan chức năng đều tránh tiếp xúc hoặc không trả lời thẳng vào nội dung vụ việc.
Lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai, thượng tá Đặng Thế Trung, nói bận họp, không thể trả lời và đề nghị liên hệ lãnh đạo công an tỉnh.
Trưởng Phòng Tham mưu (trước đây kiêm nhiệm vụ phát ngôn) Công an tỉnh, ông Nguyễn Văn Thọ, đề nghị liên hệ trực tiếp với Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.
Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, không nghe máy dù phóng viên nhiều lần gọi điện.
Một lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai thì cho biết đã nghe thông tin ban đầu, nhưng… chờ để xác minh.
Liên quan thông tin về việc từng bị kỷ luật vì liên quan các vụ việc đình đám 14 năm trước, nay trở thành cán bộ lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt, trả lời phóng viên qua điện thoại, thượng tá Võ Đình Thường không nói rõ quy trình bổ nhiệm, cũng không xác nhận cụ thể mình có phải là trạm trưởng CSGT Dầu Giây từng bị kỷ luật mà chỉ cho biết ngắn gọn: "Được phân công nhiệm vụ thì thi hành".
"Là cán bộ, chiến sĩ được phân công nhiệm vụ thì phải thực hiện…", vị Phó Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt - Công an tỉnh Đồng Nai nói ngắn gọn.
BOT Biên Hòa đóng cửa vì phản ứng của các tài xế
Trước đó, sau khi Báo Người Lao Động thông tin về việc thượng tá Võ Đình Thường ký giấy mời các tài xế liên quan BOT Biên Hòa lên làm việc, dư luận râm ran ông Thường chính là Trạm trưởng Trạm CSGT Dầu Giây từng bị kỷ luật cho ra khỏi lực lượng CSGT 14 năm trước.
Các thông tin về việc kỷ luật Trạm trưởng Trạm CSGT Dầu Giây (Quốc lộ 1) cùng nhiều cán bộ khác được báo chí thời điểm đó đưa tin rầm rộ. Vậy 2 ông Thường có phải là 1? Dư luận mong muốn được làm rõ.
Vào năm 2003, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã có quyết định cách chức trạm trưởng Võ Đình Thường, cho ra khỏi lực lượng CSGT; 10 cán bộ, chiến sĩ dưới quyền ông Thường cũng bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.
Công an tỉnh Đồng Nai thời điểm đó kết luận ông Thường đã thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng cấp dưới vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát giao thông, có biểu hiện tiêu cực. Sai phạm của ông Thường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.
Vụ tiêu cực ở trạm CSGT Dầu Giây được phanh phui theo đó việc nhận hối lộ, tổ chức làm luật với ô tô trên các tuyến đường do trạm Dầu Giây quản lý đã thành hệ thống.
Nhiều luồng dư luận đang mong muốn các cơ quan chức năng tại tỉnh Đồng Nai sớm có các thông tin chính thức để dư luận được rõ.
Bình luận (0)