Không những thế, trong một phần tư thế kỷ ấy, anh còn là người sáng lập và góp phần đầu tư các thủy cung tại Khu Du lịch Suối Tiên (TP HCM), thủy cung Trí Nguyên (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và mới đây nhất là Vườn Du lịch sinh thái Suối Cá Koi Hải Thanh tại huyện Củ Chi, TP HCM - một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng vừa mới được nhận cúp vàng tôn vinh Thương hiệu Koi Việt - Hải Thanh.
Anh là Lê Hữu Dũng, sinh năm 1957, quê Thanh Hóa - người có 6 năm làm lính Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tôi đã viết về anh khi anh còn chưa có nhiều công trình thành công như bây giờ và cũng lắm phen thất bại trắng tay. Vì những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, việc chơi cá biển còn là chuyện xa xỉ, sang trọng và hiếm hoi trong các đô thị. Thế nhưng, người lính Hải quân này đã khởi nghiệp từ những ý tưởng đem đại dương vào lòng thành phố.
Sau khi rời quân ngũ với quân hàm thượng sĩ, Lê Hữu Dũng có 13 năm làm thủy thủ tàu viễn dương đi các vùng biển mênh mông trên thế giới. Hình ảnh đẹp lộng lẫy của những loài cá biển trên đại dương cũng như trong thủy cung các nước đã làm anh say đắm. Anh âm thầm học hỏi, mua sách, tìm tài liệu về cách nuôi cá biển. Do không biết làm ăn buôn bán nên những năm đi tàu viễn dương, anh luôn thất bại, chỉ gom góp mua được chiếc xe Cub cánh én. Lê Hữu Dũng lập nghiệp tại TP HCM với số vốn vay ngân hàng cùng gia đình mở cửa hàng cá cảnh ở ngay nhà mình trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Sau đó ít lâu, anh hợp tác với Công viên Văn hóa Đầm Sen xây dựng thủy cung đầu tiên của Việt Nam. Đích thân anh đi mua cá cảnh biển ở Nha Trang, chở nước biển và cát sạch từ Vũng Tàu về, mày mò nghiên cứu các thiết bị lắp đặt cho thủy cung.
Tôi đã nhiều lần đến thăm nhà anh cũng như các thủy cung mà anh đầu tư, khai thác, điều hành... Có một dịp, anh cho làm cả mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa của Việt Nam trong thủy cung để du khách đến chụp hình lưu niệm. Khi công việc thuận lợi, anh còn mở thêm một điểm du lịch nữa là Công viên Đại Dương ở quận 7, nơi đây có bể cá mập được xem là lớn nhất Việt Nam vào thời điểm ấy.
Lúc đó, tôi đến thăm, anh chỉ một người nhái đang lặn dưới hồ, nói: "Con trai tôi đấy, nó đã thành thạo trong việc bơi lặn cùng cá mập để biểu diễn cho du khách xem".
Lê Hữu Dũng có 2 con trai, 1 con gái, nay đều đã tốt nghiệp đại học và đang là thành viên Công ty Hải Thanh của gia đình. Trong đó, người con trai lớn Lê Hải Thanh "từng bơi với cá mập" của anh cũng là người lính Hải quân trở về từ một đơn vị đóng ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Con trai thứ hai Lê Hải Sơn cũng vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự sau những năm làm lính Sư đoàn 5 Bộ binh. Anh nói: "Tôi muốn các con mình đều trải qua quân ngũ để cống hiến cho đất nước và trở thành những con người mạnh mẽ, tự tin".
Anh Lê Hữu Dũng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Những năm gần đây, Lê Hữu Dũng có một niềm đam mê đặc biệt với việc nghiên cứu và đầu tư vào loài cá Koi huyền thoại của Nhật Bản. Anh sang Nhật Bản mua cá giống và học hỏi kinh nghiệm. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã trở thành một trong những doanh nghiệp nuôi cá Koi lớn nhất Việt Nam. Trước đây, mọi người hay gọi anh là "Dũng cá biển" thì nay người ta đã quen gọi anh là "Dũng cá Koi". Anh yêu loài cá này đến mức lúc nào cũng nói chuyện về cá Koi và có thể ngồi bên hồ cá Koi hàng giờ để ngắm chúng.
Thế nhưng, thật không may cho anh, từ đầu năm 2010, Lê Hữu Dũng phát hiện mình mắc bệnh nan y, cả nhà phải dốc toàn bộ nghị lực, tiền bạc và thời gian vào việc chữa trị cho anh. Cứ một thời gian ngắn, anh lại phải vào viện để chạy thuốc. Có những cái Tết cả nhà vào bệnh viện ăn Tết cùng anh! Có đến 3 lần anh đã mua vé máy bay về thăm quê mà phải bỏ vé để vào bệnh viện cấp cứu. Vậy mà mỗi khi được về nhà, anh lại ra ngay Vườn Du lịch cá Koi ở Củ Chi hay hồ ươm giống cá Koi tại nhà riêng ở quận 7 để thăm nom lũ cá. Trong những tháng ngày "uống thuốc thay cơm", sức khỏe anh đã yếu hơn trước nhiều nhưng anh vẫn bình tĩnh điều hành công ty và vẫn theo dõi sự phát triển của đàn cá Koi cũng như hoạt động của các thủy cung.
Gặp tôi, anh trăn trở tâm sự: "Nằm viện sao mà nhớ lắm những kỷ niệm, buồn vui, thành bại. Tôi gắn bó gần 30 năm với sóng nước biển cả, rồi cuối cùng cũng tìm cho mình được niềm đam mê đó là cá Koi. Mình đã hứa sẽ góp phần nhỏ để đẩy ngành cá cảnh Việt Nam tiến vào hội nhập với cá cảnh thế giới. Mình sẽ cố đứng vững, vượt lên bằng bản lĩnh, ý chí người lính, quyết không bỏ cuộc...".
Lê Hữu Dũng bày tỏ nguyện vọng sẽ chạy đua với thời gian viết lại những kỷ niệm của những ngày làm lính Hải quân, làm thủy thủ tàu viễn dương và sau đó là những ngày đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá giải trí làm thương hiệu du lịch cho đất nước. Nghe anh tâm sự, tôi mới hiểu ký ức biển cả bao giờ cũng thiêng liêng và khó phai trong tâm hồn cựu binh Hải quân Lê Hữu Dũng, khi anh luôn coi "đời mình là một khúc quân hành" cùng đại dương, đất nước và TP HCM thân thương này.
Bình luận (0)