Bà Phạm Thị Anh Thư (53 tuổi, phường Xương Huân, TP Nha Trang) được xem như là người cuối cùng ở TP Nha Trang vẫn còn mưu sinh bằng nghề đánh máy chữ. Người ta đến với bà Thư không đơn giản chỉ là nhờ đánh tờ đơn thư mà vì họ còn cảm nhận được cái tâm của một con người.
3 đời đánh máy chữ
Bàn máy chữ nhỏ nhắn, nằm một góc vỉa hè đường Phan Bội Châu giao với đường Hàn Thuyên của bà Thư quen thuộc đối với người dân phố biển hơn 30 năm qua.
Cứ tầm 8 giờ, bà lại ra đây ngồi để chờ khách đến thuê đánh văn bản, đến chiều 14 giờ lại có mặt. Đều đến mức kể cả lúc mưa, lúc nắng người ta vẫn thấy bà ở đấy gõ những con chữ lách cách. Bàn phím đã mòn, không còn thấy chữ nhưng bà vẫn gõ miệt mài vì đã quá quen thuộc. Vì máy cũ nên gõ khá nặng tay nên bà phải dùng một que gỗ để gõ cho đỡ đau.
Bà Phạm Thị Anh Thư (53 tuổi, phường Xương Huân, TP Nha Trang) được xem như là người cuối cùng ở TP Nha Trang đánh máy chữ
Bà Thư cho biết gia đình bà có 3 thế hệ làm nghề đánh máy chữ. Ông ngoại bà Thư vào những năm 1960 đã làm nghề đánh máy chữ, sau đó mẹ bà kế nghiệp rồi truyền nghề cho bà. Trong ký ức của bà, thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước là thời kỳ nghề đánh máy chữ ăn nên làm ra nhất. Thời đó, đường Thống Nhất và khu vực quanh Tòa án nhân dân tỉnh là những nơi có rất nhiều người làm nghề đánh máy chữ thuê. Nghề đánh máy chữ còn có cả một hợp tác xã gọi là Tiên Phong.
Thế nhưng công nghệ phát triển, máy tính ra đời, tiệm photocopy có ở khắp mọi nơi nên nghề đánh máy chữ trở nên lỗi thời, những người theo nghề này rơi rụng dần. Đến nay, dường như ở TP Nha Trang, bà Thư có lẽ là người cuối cùng còn theo nghề.
Bà Thư đã đánh qua 4 cái máy chữ, có lẽ đây là cái máy cuối cùng vì không còn máy nữa dù bà đã cố đi tìm. Các cuộn dây mực người ta cũng ngừng sản xuất nên phải "độ chế". May mắn là ở Nha Trang vẫn còn một người thợ để sửa chữa mỗi khi hỏng hóc.
Chiếc máy đánh máy chữ cũ đến mức không còn thấy chữ
Những dòng chữ của thập niên 80- 90 của thế kỷ trước, sau 30 năm, khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy lạ lẫm, còn với người đã luống tuổi đó là cả bầu trời kỷ niệm
Bà Thư tiếp xúc và viết rất nhiều loại đơn từ, văn bản hành chính khác nhau, từ đơn thư đề nghị giải quyết vụ việc, biên bản, đơn khiếu nại, đơn ly hôn... nên kinh nghiệm viết đơn của bà Thư đã ở bậc "thượng thừa". Cái khó của đánh máy chữ là chỉ cần sai một câu, sai một ý, sai chính tả thì phải làm lại từ đầu vì không thể sửa như máy vi tính.
Bà chia sẻ, khách hàng đến với bà đa số là những người lao động nghèo, những người nông dân, tiểu thương... Khách không biết viết đơn, nhiều vấn đề không biết trình bày, nhiều vấn đề còn phân vân thế nên khách thuê viết đơn đồng nghĩa là bà phải tư vấn, đọc tài liệu để tóm tắt nắm bắt ý tứ của khách hàng rồi mới gõ.
Chị Lê Thị Bình (một khách hàng) nhờ bà Thư viết đơn, cho biết: "Tôi từ lớp 5 đã nghỉ học thì làm sao mà viết được đơn. Tôi có đến mấy tiệm photo nhờ người ta in cho mình mà khi trình bày câu chuyện thì họ lắc đầu. Vậy mà đến cô Thư cô chỉ nghe qua là biết ý tứ mình muốn gì, cần gì, bảo tôi đưa giấy tờ gì để cô viết cho. Tôi mừng lắm chứ, chứ mình nghèo tiền đâu mà nhờ luật sư tư vấn, nhờ họ gõ cho tờ đơn".
Theo bà Thư, một tờ đơn bình thường bà lấy giá 20.000 đồng - 30.000 đồng, đơn từ khó hơn, mất nhiều công sức hơn thì khoảng 50.000 đồng trở lên.
Cái tâm của nghề
Vất vả mưu sinh khó khăn lắm mới có vị khách thế nhưng không phải cứ ai thuê đánh máy đơn gì là bà Thư cũng làm ngay. Bà Thư cho biết có những đơn thư khá đơn giản như đơn xin hộ nghèo, đơn nghỉ việc. Còn những đơn hóc búa vài trang giấy như đơn kêu cứu, đơn kiện tụng đất đai thì phải nghiên cứu có khi mất cả buổi mới đánh xong tờ đơn.
Đơn mà bà Thư rất ngại đánh là đơn ly hôn vì sau tờ đơn là gia đình, con cái chia xa. Do đó khi gõ đơn này bà phải hỏi tường tận cụ thể, khuyên nhủ để làm sao họ bỏ ý định...viết đơn. Nếu thực sự có những người họ khổ tâm không thể cứu vãn nữa thì bà Thư mới gõ.
"Nhiều trường hợp đến nhờ gõ đơn tố cáo người này, người kia với giá cao nhưng mình cảm thấy có lỗi vì mình "chấp bút" trong khi không biết gì về người bị tố cáo nên với loại đơn tố cáo này tôi không nhận làm"- bà Thư cho biết.
Có lần, một phụ nữ đến thuê bà làm đơn xin giảm án phạt tù cho con trai. Hỏi chuyện biết người này từng có tiền án, trong thời gian thử thách không ăn năn hối cải mà còn phạm tội cướp giật… nên bà cũng từ chối làm đơn.
Đơn mà bà Thư rất ngại đánh là đơn ly hôn vì sau tờ đơn là gia đình, con cái chia xa.
Về kỷ niệm làm nghề của mình, bà Thư cho biết có người kiện tụng đất đai gần 10 năm trời, người viết đơn mỗi lần nhờ bà viết phải đợi bà làm đơn thư "dễ" cho người khác trước vì biết vấn đề mình rắc rối. Đến khi người viết đơn thắng kiện thì cũng qua đời.
"Mới đây có vị khách nhờ gõ đơn đi kiện đất đai bị thu hồi làm dự án ở tận huyện Cam Lâm. Người này thắng kiện nên quay lại cám ơn đến 1 triệu đồng bằng cả tuần làm việc làm mình cũng vui hết sức"- bà Thư chia sẻ.
Theo bà Thư, nhiều gia đình kiện tụng nhau vì đất đai, mất tình cảm nên bà cảm thấy áy náy trong lòng nên bà sẽ không nhận gõ đơn kiện kiểu như thế nữa để đỡ khổ tâm.
Người đánh máy chữ cuối cùng ở Nha Trang
Bình luận (0)