Liên quan việc tiếp tục hỗ trợ người dân trên địa bàn TP HCM gặp khó khăn do dịch Covid-19, UBND TP HCM đã ban hành Văn bản khẩn số 2627 ngày 6-8, quy định cụ thể 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng trong đợt này.
Tổng kinh phí hỗ trợ: Hơn 900 tỉ đồng
Theo đó, trong đợt này, UBND TP HCM quyết định hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng.
Nhóm 1 là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo quy định tại khoản 4 điều 2 Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP HCM về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và Mục IV Công văn 2209 ngày 1-7 của UBND TP HCM về triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.
Cụ thể, mỗi người lao động tự do sẽ được hỗ trợ 1 lần với số tiền 1,5 triệu đồng (50.000 đồng/người/ngày trong 30 ngày). Số lao động dự kiến được hỗ trợ là 334.192 người (bằng với số lao động tự do đã nhận hỗ trợ đợt 1 tính đến ngày 2-8). Tổng kính phí hỗ trợ là hơn 500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP HCM.
Nhóm 2 là hộ nghèo; hộ cận nghèo đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, mỗi hộ theo quy định được hỗ trợ 1 lần với mức 1,5 triệu đồng. Trong đó, ngân sách
TP HCM là 1 triệu đồng; kinh phí vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ TP là 500.000 đồng (gồm: 200.000 đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 300.000 đồng). Số hộ nghèo, cận nghèo dự kiến được hỗ trợ là 90.585 (theo số liệu đến ngày 1-1-2020). Tổng kinh phí hỗ trợ nhóm này là hơn 135,8 tỉ đồng.
Nhóm 3 là hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, do thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/hộ (hỗ trợ 1 lần). Trong đó, ngân sách
TP HCM là 1 triệu đồng, kinh phí vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ TP là 500.000 đồng (gồm: 200.000 đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 300.000 đồng). Số hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa dự kiến được hỗ trợ là 175.477. Tổng kinh phí hỗ trợ nhóm này là hơn 263,2 tỉ đồng.
Tổng kinh phí hỗ trợ đợt này dành cho 3 nhóm đối tượng trên là hơn 900 tỉ đồng.
Người dân khó khăn trên địa bàn quận 12, TP HCM nhận phần quà hỗ trợ từ cán bộ MTTQ. Ảnh: NGUYỄN PHAN
Không trùng lắp, không bỏ sót
Để việc hỗ trợ này đến đúng đối tượng, UBND TP HCM yêu cầu việc chi cho 3 nhóm đối tượng trên phải thực hiện theo nguyên tắc không trùng lắp, không bỏ sót. Việc chi hỗ trợ phải hoàn tất trước ngày 10-8.
UBND TP HCM giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban MTTQ TP hướng dẫn làm rõ đối tượng được hỗ trợ; nội dung và cách thức hỗ trợ; kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các địa phương và cơ sở; thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện cho UBND TP HCM.
Về phía UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, căn cứ vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được phê duyệt, bố trí kinh phí về UBND phường, xã, thị trấn để chi trả hỗ trợ trực tiếp (hoặc thông qua tài khoản) cho các hộ dân. Đồng thời, chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định, phê duyệt và tổng hợp danh sách về UBND phường, xã, thị trấn để thực hiện chi trả hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hoặc bằng một suất quà có giá trị tương đương cho các hộ dân. Ngoài nguồn ngân sách TP HCM giao, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động sử dụng nguồn kinh phí vận động hợp pháp ở địa phương hoặc báo cáo Ủy ban MTTQ TP sử dụng nguồn Quỹ vận động Covid-19 để hỗ trợ bổ sung cho các trường hợp đặc biệt khó khăn của địa phương.
Xác nhận thực tế là nhu cầu của người dân rất nhiều, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết quận đã đề nghị các phường khẩn trương rà soát, kiểm tra các trường hợp người dân thuộc các nhóm đối tượng được hỗ trợ trong đợt này để hỗ trợ, chăm lo kịp thời. Gói hỗ trợ đợt 2 bắt đầu chi từ ngày 7-8. Với những trường hợp thật sự khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ của thành phố, quận sẽ hỗ trợ nhu yếu phẩm.
"Các thắc mắc về hỗ trợ, người dân phản ánh đến đường dây nóng của phường, quận để được giải thích, trả lời. Quận Bình Tân cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Người dân có nhu cầu liên hệ trung tâm này qua số điện thoại 028 3875 0096 để được hỗ trợ" - bà Lê Thị Ngọc Dung thông tin.
Trong khi đó, đại diện huyện Bình Chánh cho hay các xã, thị trấn trên địa bàn đều có đường dây nóng liên quan đến dịch Covid-19. Huyện còn phát tờ rơi tuyên truyền đến người dân về các số điện thoại, các kênh thông tin để bà con thắc mắc, phản ánh. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh đến ứng dụng Bình Chánh trực tuyến. Ứng dụng này có lãnh đạo huyện Bình Chánh tham gia nên sẽ tiếp nhận, chỉ đạo các đơn vị xử lý phản ánh, thắc mắc của người dân. Hiện nay, Bình Chánh có các trường hợp người dân khó khăn chưa nhận được gói hỗ trợ do về quê, nằm trong khu phong tỏa, cách ly y tế.
Còn tại quận 12, lãnh đạo UBND quận cho biết nhằm giúp đỡ khẩn cấp những trường hợp khó khăn, UBND quận đã thành lập Đội Phản ứng nhanh tiếp nhận thông tin, sau đó chuyển về các phường để xác minh ngay.
"Phường Đông Hưng Thuận đã thành lập tổ an sinh xã hội tiếp nhận những phản ánh của người dân qua tổng đài 1022 của Đội Phản ứng nhanh cũng như các cổng thông tin khác như Zalo, Facebook. Sau khi tiếp nhận, thông tin sẽ được chuyển về tổ an sinh xã hội, liên quan đến tổ nào, khu phố nào sẽ xác minh nhanh. Nếu đúng như phản ánh thì sẽ trợ giúp kịp thời, còn không đúng thì giải thích cho người dân hiểu và phản hồi lại cho nơi cung cấp thông tin" - ông Lâm Quân Minh Vương, Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận, cho biết.
Tiếp cận thông qua các đường dây nóng
Theo luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật TNHH Kao Kiến, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay của
TP HCM là đúng đắn và cấp thiết. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai trong giai đoạn vừa qua có nơi làm chậm, một số người dân phản ánh đến nay họ vẫn chưa nhận được gói trợ cấp lần 1.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ nhưng tựu trung là do những nguyên nhân sau: Người sử dụng lao động chưa nắm được quy định, tiếp cận chậm; cán bộ địa phương không nắm, không quản lý được đối tượng được hưởng trợ cấp tại địa phương mình; không thuộc đối tượng được hỗ trợ dù thực tế họ gặp khó khăn thật sự (điển hình là nhóm người lao động có hợp đồng lao động nhưng không tham gia BHXH)..." - luật sư Cao Thế Luận giải thích.
Để giai quyết các vấn đề trên, luật sư Cao Thế Luận cho rằng chính quyền cần hướng dẫn các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, tự mình có thể tiếp cận thông qua các đường dây nóng trên địa bàn. Người lao động tham gia BHXH có thể gọi trực tiếp đến đường dây nóng của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi mình làm việc để bổ sung tên vào danh sách được hỗ trợ trong trường hợp người sử dụng lao động không lập danh sách. Người lao động tự do thuộc đối tượng hưởng trợ cấp có thể gọi đường dây nóng của UBND cấp xã, phường nơi mình đang sinh sống để bổ sung và chính quyền cần cử người xác minh trong thời hạn 24 giờ để tiến hành lập danh sách.
Những trường hợp thuộc khó khăn thực tế, cần hỗ trợ thì liên hệ với UBND cấp xã, phường để khai báo, yêu cầu hỗ trợ. Các trường hợp này, Ủy ban MTTQ địa phương cần tham gia xác minh, kiểm tra và lập danh sách để thực hiện gói cứu trợ đột xuất.
Bà Lê Thị Thu - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam - lưu ý người dân khi thuê phòng trọ phải đăng ký tạm trú đầy đủ với cảnh sát khu vực, với địa phương nơi cư trú để khi có hữu sự sẽ được bảo đảm quyền lợi của mình.
"Không đăng ký tạm trú có thể dẫn đến tổ trưởng tổ dân phố, khu phố sẽ không thể nắm danh sách các hộ đang lưu trú ở các khu nhà trọ. Do đó, trường hợp người dân chưa được hỗ trợ kịp thời theo chính sách của TP HCM thì cần liên hệ ngay với tổ trưởng, cảnh sát khu vực để được bổ sung danh sách. Trường hợp nếu đã đăng ký đầy đủ mà vẫn không được hỗ trợ theo quy định, người dân gọi đến tổng đài 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin" - bà Lê Thị Thu hướng dẫn.
Bình luận (0)