xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Người thầy thuốc trong tôi”: Bạn tôi và chiếc áo blouse

Tôn Thất Thọ

Theo bác sĩ Ngô Đức Đễ, chứng kiến cái chết của bệnh nhân, người thầy thuốc day dứt vì bất lực trong chuyên môn. Vì thế, bản thân phải luôn ý thức việc tự rèn luyện để nâng cao tay nghề

Gần 50 năm trước, anh là bạn học cùng trường với tôi lúc còn là học sinh trung học tại Trường Trung học Hàm Nghi ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nhà anh ở trong Thành Nội, khu vực đường Lục Bộ xưa, gần nhà tôi. Một vài điều tôi viết về anh dưới đây chỉ là phần nhỏ, chủ yếu từ những người thân của anh, từ những người từng được anh cứu giúp, cũng như từ những lãnh đạo nơi anh đã phục vụ. Anh là bác sĩ Ngô Đức Đễ - nguyên Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đồng Nai.

Đương đầu với khó khăn

Năm 1994, với sự chuyển giao kỹ thuật của BV Chợ Rẫy (TP HCM), anh là một trong những bác sĩ đầu tiên của BVĐK tỉnh Đồng Nai tiếp cận phẫu thuật sọ não. Đến năm 2001, anh cùng các đồng nghiệp bắt đầu triển khai kỹ thuật mổ nội soi. Từ đó, anh đã thực hiện và tham gia nhiều ca phẫu thuật bằng kỹ thuật này để cứu sống rất nhiều bệnh nhân không may bị những tai nạn hiểm nghèo, thậm chí có người thập tử nhất sinh!

Ngày 15-6-2005, cháu Bùi Trung Trường (11 tuổi) được đưa vào BVĐK tỉnh Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng hôn mê vì bị chấn thương mạnh do tai nạn giao thông. Các bác sĩ đã tiến hành chụp CT, chẩn đoán bệnh nhân bị máu tụ ngoài sọ não, bên thái dương. Ngay sau khi chẩn đoán, ê-kíp của anh đã phẫu thuật rút hết máu tụ trong não. Trong quá trình mổ, các bác sĩ lại phát hiện xương sọ của bệnh nhân bị một vết nứt dài khoảng 2 cm, xương cực trên thái dương bị rạn vỡ nhiều đường, máu tụ nhiều nơi. Sau gần 2 giờ, kíp mổ của anh đã thành công: cháu Trường được cứu sống, đem lại niềm vui cho gia đình.

“Người thầy thuốc trong tôi”: Bạn tôi và chiếc áo blouse - Ảnh 1.

Bác sĩ Ngô Đức Đễ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai

Anh Đễ không giấu được niềm vui khi kể về ca bệnh này. Anh nhấn mạnh với tôi đây là ca mổ thành công đầu tiên của BVĐK tỉnh Đồng Nai đối với trường hợp trẻ em bị vỡ xương sọ.

Cùng năm đó, ngày 10-9, anh đã tham gia phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân tâm thần 20 tuổi nuốt gần 300 g dị vật (đinh ốc, kẹp tóc, kim băng...) vào bụng. Bệnh nhân được đưa tới BVĐK tỉnh Đồng Nai trong tình trạng đau bụng quằn quại. Các bác sĩ cho chụp X-quang và phát hiện nhiều dị vật trong ổ bụng. Sau 3 giờ phẫu thuật, anh và ê-kíp phẫu thuật mới lấy hết được dị vật nằm rải rác trong dạ dày và ruột của bệnh nhân. Bệnh nhân được cứu sống, tình trạng sức khỏe sau đó tiến triển tốt.

Ngày 19-6-2007, bệnh nhân Lê Thị Thúy Liêm (55 tuổi) được đưa đến BVĐK tỉnh Đồng Nai trong tình trạng vật vã, khó thở, sùi bọt mép, choáng nặng, mặt phù, tím tái, mạch và huyết áp khó bắt, có một vết thương ở trán. Người nhà bệnh nhân cho biết trong khi bà Liêm nằm võng ru cháu thì bị bức tường nhà sập, đè lên cả hai bà cháu. Sau khi tiến hành các kỹ thuật cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị choáng nặng, chấn thương ngực kín, gãy xương ức, vỡ tim, tràn máu màng tim và màng phổi. Các bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong cao. Anh và kíp mổ phải đặt ống dẫn lưu màng phổi.

Ca phẫu thuật kéo dài gần 2 giờ và thành công. Ngày 9-7-2007, bệnh nhân xuất viện trong niềm vui vỡ òa của không chỉ gia đình mà cả các y - bác sĩ Khoa Ngoại BVĐK tỉnh Đồng Nai.

Trong quá trình làm việc tại Khoa Ngoại, anh luôn day dứt khi thấy những ca thủng tim, vỡ tim với nguy cơ rất cao phải chuyển lên tuyến trên. Vì thế, từ khi được đào tạo chuyên khoa ngoại lồng ngực - tim mạch, dù trong điều kiện trang thiết bị ở khoa lúc đó còn thiếu thốn nhưng với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, anh đã mạnh dạn cùng đội ngũ bác sĩ của khoa tiến hành các ca phẫu thuật cấp cứu cho những bệnh nhân bị thủng tim, vỡ tim. Anh nói nếu không chịu khó học và không mạnh dạn đương đầu với khó khăn thì những kỹ thuật cao trong điều trị sẽ rất khó đến được với bệnh nhân tuyến tỉnh. Muốn vậy, đội ngũ thầy thuốc phải tự nỗ lực học hỏi, học từ nhà trường, sách vở và đặc biệt là từ đồng nghiệp.

Ca bệnh mà anh ghi chép rất kỹ trong nhật ký của mình là về bệnh nhân nam trong một vụ tai nạn lao động trầm trọng xảy ra vào ngày 22-8-2013. Nạn nhân là anh Trần Tất Danh, công nhân làm việc tại một nhà máy ở TP Biên Hòa, bị máy xay cà phê cuốn vào cán đứt nhiều bộ phận từ bụng xuống, toàn bộ ruột non xổ ra ngoài, chân trái và xương chậu mất hoàn toàn, máu chảy xối xả từ các vết thương dập nát.

“Người thầy thuốc trong tôi”: Bạn tôi và chiếc áo blouse - Ảnh 2.

Bác sĩ Ngô Đức Đễ thăm hỏi động viên người thân bệnh nhân (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nạn nhân được đưa vào Khoa Ngoại BVĐK tỉnh Đồng Nai trong tình trạng đa chấn thương, mất máu nhiều, huyết áp không đo được, mạch không bắt được, đôi lúc tim ngừng đập. Trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật, nhiều lần nạn nhân ngưng tim. Các bác sĩ đã nghĩ đến khả năng nạn nhân không thể qua khỏi. Thế nhưng, họ đã không buông xuôi. Anh Đễ nhớ lúc bấy giờ, anh cùng mọi người đã nhanh chóng quyết định "còn nước còn tát", thế là ca mổ được tiếp tục và rất mừng là nạn nhân đã được cứu sống.

"Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân này 2 lần ngưng tim ngay trên bàn mổ khiến các bác sĩ thót tim. Chưa hết, chẳng những không thể cầm máu, bệnh nhân còn bị tụt huyết áp và giãn đồng tử kéo dài. Tình trạng nói trên khiến các bác sĩ rất lo lắng. Nhưng giữa lằn sinh tử ấy, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ cứu được bệnh nhân bằng sự nỗ lực của mỗi người".

Lần tôi về thăm anh vào dịp Tết Mậu Tuất (2018), anh kể chiều 30 Tết, trong khi anh đang loay hoay dọn dẹp nhà cửa thì có một người đàn ông đến tận nhà nói mang quà đến thăm bác sĩ. Mãi một lúc sau mình mới nhớ ra vị khách "không mời mà đến" là bệnh nhân Nguyễn Văn Sáng, ngụ huyện Long Thành, bị vỡ tim do tai nạn giao thông vào tháng 6-2005 và được anh cùng ê-kíp phẫu thuật cấp cứu thành công.

"Đó là lần đầu tiên mình cùng bác sĩ Trương Thiết Dũng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Đồng Nai, phẫu thuật thành công ca vỡ tim, cũng là lần đầu tiên ê-kíp của mình mổ theo phương pháp chẻ xương ức" - bác sĩ Ngô Đức Đễ kể.

Qua thực tế, tay nghề sẽ nâng lên

Sau khi nghỉ hưu, thỉnh thoảng anh rủ tôi về nhà chơi ở TP Biên Hòa. Đó là ngôi nhà mát mẻ ở ven sông Đồng Nai. Có lần, tôi nêu những băn khoăn của một số người về vấn đề y đức của một số người hiện nay, anh tâm sự: "Tôi không dám quả quyết là y đức hoàn toàn "có vấn đề", vì quan sát chung cho thấy đang có rất nhiều thầy thuốc tốt, tận tâm. Cứ nhìn đội ngũ thầy thuốc xả thân trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 là thấy ngay. Song, xã hội đã lên tiếng thì hẳn là có, không nhiều thì ít. Dưới góc độ cá nhân, tôi chỉ muốn chia sẻ điều này: Khi đến với ngành y, mà nghề khác cũng vậy, nếu bằng cái tâm, mọi việc sẽ khác. Những bậc thầy trong nghề của tôi như GS-BS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di, GS Phạm Biểu Tâm... là những người đến với nghề y bằng tâm nguyện tốt và họ làm được rất nhiều điều cho bệnh nhân, làm lan tỏa giá trị y đức đến đồng nghiệp. Không phải chỉ Việt Nam mà ở nước ngoài cũng có chuyện y đức bị vi phạm. Vậy chúng ta cần làm gì để giải quyết điều này? Tôi vẫn nghĩ ngoài sự điều chỉnh của đạo đức và luân lý, chúng ta còn pháp luật. Nếu quản lý, xử lý đến nơi đến chốn, vi phạm sẽ giảm dần".

“Người thầy thuốc trong tôi”: Bạn tôi và chiếc áo blouse - Ảnh 3.

Bác sĩ Ngô Đức Đễ thăm, khám bệnh cho bệnh nhân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ, trăn trở khi được hỏi có tiếc nuối hay day dứt điều gì? Anh nói: "Suốt hành trình làm nghề của mình, tiếc nuối thì không nhưng day dứt thì nhiều lắm. Y khoa là một ngành khoa học mà kỹ thuật có sự thay đổi, phát triển từng ngày. Bởi cho đến tận bây giờ, sau hàng ngàn năm nghiên cứu, cơ thể con người vẫn còn là một bí ẩn. Nhiều khi chứng kiến cái chết của bệnh nhân, thầy thuốc cũng day dứt vì bất lực trong chuyên môn. Vì thế, tôi luôn khuyên anh em trẻ và chính bản thân luôn ý thức việc tự rèn luyện để nâng cao tay nghề, để rồi dù không thể cứu được bệnh nhân thì cũng không phải day dứt vì mình chưa tận lực với họ".

Trước thực trạng một số người chạy theo tiêu chí bằng cấp, anh thổ lộ: "Tôi rất trân trọng sự học nhưng đừng bao giờ nghĩ cầm trong tay tấm bằng y khoa là có quyền ngừng học. Kỹ thuật chữa bệnh, thuốc, các phương pháp mổ, điều trị... thay đổi hằng ngày. Do đó, không còn cách nào khác là phải sắp xếp để học. Hàng chục năm trước, bản thân tôi đâu được học mổ sọ não hay mổ nội soi, tôi cũng không được đào tạo để chuyên mổ tim. Tất cả đều phải học từng ngày. Qua thực tế, tay nghề sẽ nâng lên và quan trọng hơn là sẽ bớt dần những sai lầm. Học, đọc, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm... để kiến thức dày lên từng ngày là cách hay nhất để nâng cao tay nghề". 

Không làm vì để được nhớ ơn

Khi được hỏi về cảm nghĩ khi từng được Thủ tướng khen thưởng đột xuất và 3 lần UBND tỉnh Ðồng Nai thưởng "nóng", bác sĩ Ngô Đức Đễ nói: "Ðược khen bao giờ cũng là vinh dự nhưng khi bước chân vào nghề thì không xác định làm để lấy lời khen, cũng không làm vì để được bệnh nhân nhớ ơn. Món quà lớn nhất của mình là trả lại được sức khỏe cho người bệnh. Những sự nhắc nhở của bệnh nhân, có người 5-7 năm sau vẫn gọi điện chia sẻ, chúc Tết, hỏi thăm... là hạnh phúc lắm rồi".


CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ

“Người thầy thuốc trong tôi”: Bạn tôi và chiếc áo blouse - Ảnh 5.

“Người thầy thuốc trong tôi”: Bạn tôi và chiếc áo blouse - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo