Sáng 4-10, Trung tâm Nghiên cứu Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ công bố kết quả nghiên cứu và khởi động dự án an sinh xã hội và an toàn vệ sinh lao động của người thu gom rác dân lập ở TP HCM.
Người thu gom rác dân lập phải làm việc mỗi ngày 9,5 giờ với thu nhập thấp
Theo báo cáo, hơn 60% lượng rác sinh hoạt ở TP HCM được thu gom bởi lực lượng rác dân lập với 5 loại hình gồm: tổ lấy rác dân lập, nghiệp đoàn, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã vệ sinh môi trường và những người hoạt động tự do. Người lao động làm việc tại các đường dây rác qua 3 hình thức: làm chủ, làm công ăn lương và vừa làm chủ đường dây rác vừa trực tiếp thu gom.
Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 428 người, kết quả cho thấy gần 62% là người nhập cư đến từ các tỉnh Nam Bộ như Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh… Những người trực tiếp thu gom rác dân lập không có ngày nghỉ và mỗi ngày làm việc trung bình hơn 9 giờ lao động, với thu nhập khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. Do làm việc trong môi trường độc hại nên người thu gom rác thường mắc các bệnh như: khớp, sốt xuất huyết, cảm cúm, da liễu, viêm phổi/phế quản và các bệnh về da liễu.
Dù công việc nặng nhọc, độc hại nhưng chỉ có 13,7% số người được khảo sát cho biết có đi khám tổng quát hàng năm, những người làm việc dưới 10 năm thường ít quan tâm về sức khỏe. Báo cáo cho thấy 75% người làm công không có bảo hiểm y tế hộ gia đình vì không có tiền, không biết cách mua và không có hộ khẩu, tạm trú tại TP HCM. Người thu gom rác nhận thức tốt về trang bị bảo hộ lao động như đi ủng, đeo bao tay, khẩu trang trong quá trình thu gom. Tuy nhiên, con số 94,6% số người thu gom rác bị chảy máu tay chân ở mức độ thường xuyên là điều đáng báo động bởi đa số không mua bảo hiểm tai nạn lao động.
Rác dân lập đảm nhận hơn 60% lượng rác thải sinh hoạt toàn TP
Bà Nguyễn Minh Châu, Trưởng nhóm nghiên cứu, đưa ra 4 kiến nghị để nâng cao năng lực, nhận thức của người thu gom rác về các vấn đề an toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể: chuyển đổi mô hình hoạt động thu gom rác dân lập từ cá nhân sang các pháp nhân như hợp tác xã, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cuộc sống người thu gom rác qua việc tăng mức phí thu gom rác thải sinh hoạt; tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tiếp cận an sinh xã hội và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; tổ chức các diễn đàn vận động chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự gắn kết, chia sẻ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ hệ thống chính sách đến thực tiễn.
Ông Tống Văn Thơm, Chủ tịch Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập quận 5, cho biết nhiều người thu gom rác dân lập muốn mua bảo hiểm y tế nhưng đủ điều kiện. Lý do là vì hộ khẩu ở các tỉnh, lên TP HCM làm tạm trú nhưng mua bảo hiểm cá nhân thì giá đắt, còn mua bảo hiểm hộ gia đình thì số tiền càng lớn hơn do phải mua cho cả nhà. Liên quan đến việc "nâng cấp" từ nghiệp đoàn lên hợp tác xã, ông Thơm cho biết rất khó khăn, tốn kém bởi các nghiệp đoàn không có tài chính, không có trụ sở và các xã viên chưa thấy được lợi ích khi vào các hợp tác xã.
Ông Tống Văn Thơm, Chủ tịch Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập quận 5, cho biết nhiều người thu gom rác dân lập không thể mua bảo hiểm y tế vì phải mua cho cả nhà
Liên quan đến lực lượng thu gom rác dân lập, UBND TP vừa duyệt dự án thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của người thu gom rác dân lập với tổng giá trị khoảng 4,6 tỉ đồng do Tổ chức Oxfam Novib (Hà Lan) tài trợ.
Bình luận (0)