xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người Việt, nước Việt hòa hiếu

Nhà sử học Lê Văn Lan ảnh phùng anh tuấn

Mười ngày trước Tết Xuân Kỷ Dậu cách đây 229 năm cũng là 10 ngày trước khi xuống lệnh khai mở chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa vào 20 tháng chạp năm Mậu Thân (15-1-1789).

Hoàng soái Quang Trung Nguyễn Huệ - vừa dẫn đầu 10 vạn đại quân Tây Sơn từ Phú Xuân ra tới Tam Điệp - đã có ngay lời tuyên bố chắc nịch trước ba quân (được sách "Hoàng Lê Nhất thống chí" ghi lại): "Nay ta tự ra đây đốc quân, phương lược tiến đánh đã tính sẵn cả rồi! Chẳng qua 10 ngày là có thể đuổi được quân Thanh thôi!".

Lịch sử đã chứng thực điều đó. Nhưng lịch sử cũng đã phải ngạc nhiên khi - cùng lúc với lời khẳng định chiến thắng - Quang Trung còn tiên liệu và dự liệu được cả tình thế sẽ diễn ra sau ngày đánh thắng giặc xâm lược nữa: "Nhưng nghĩ nó là nước lớn, gấp mười nước mình. Sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm hổ thẹn mà cố sức báo thù!".

Và rất đặc biệt, chính là cái quyết sách đối phó với tình hình ấy: "Như thế thì binh đao không bao giờ dứt! Thật không phải phúc cho dân! Lòng ta không nỡ làm vậy! Cho nên, đến lúc đó, chỉ có một cách là dùng lời lẽ khéo léo thì mới ngăn được cái họa chiến tranh!".

Vậy là, cùng với lòng thương dân và tinh thần yêu chuộng hòa bình thì ở đây "dùng lời lẽ khéo léo" để "ngăn họa chiến tranh" tức là: lấy ngoại giao thay cho quân sự chính là một giải pháp đường lối cho cả một thời hậu chiến đã được Quang Trung suy tính và quyết định sớm và sáng suốt ngay vào lúc mới chuẩn bị và từ khi còn chưa mở màn trận đánh dữ dội trong 5 ngày đầu Xuân Kỷ Dậu!

Nhờ thế, từ mùng 6 Tết, vị chủ soái của trận chiến thắng oanh liệt rực rỡ vừa kết thúc đã nhanh nhạy và cụ thể, nhận định và chỉ đạo hành động ngay. Cho triệu "quân sư" Ngô Thì Nhậm đến trướng lệnh, Quang Trung đã tuyên bố: "Nay thì hắn (chỉ vua Càn Long nhà Thanh) đã bị ta đánh bại. Nhịn thì nhục, mà báo thù thì khó. Chắc hẳn hắn còn đang phân vân. Vậy thì ta nên đi bước trước!".

Cái "bước trước" đó chính là 2 hành động giao cho Ngô Thì Nhậm

tổ chức thực hiện: "Ngô Thì Nhậm vốn giỏi nghề tư lệnh. Nên thảo một bức thư đưa sang cho hắn. Đại khái nói rằng: Ta là nước nhỏ, vốn một lòng kính thuận, sợ mệnh trời, thờ nước lớn… Đến gần đây, Tôn Sĩ Nghị đem quân sang, ta vẫn muốn tỏ rõ chân tâm. Không ngờ ở các lối ngả có nhiều lời ngoa ngôn, phô trương thanh thế khiến quan quân nhà Thanh khiếp sợ thành ra chạy trước. Lại chẳng may cầu phao bị gãy, thiên binh chết đuối nhiều. Những kẻ tranh đường chạy lại tự giày xéo lên nhau, chết cũng lắm…".

Người Việt, nước Việt hòa hiếu - Ảnh 1.

Chỉ đạo trực tiếp làm văn thư ngoại giao như thế đã là hết sức mềm mỏng, nhún nhường. Nhưng đến biện pháp ngoại giao cụ thể để an ủi kẻ bại trận và đúng là để "tỏ rõ chân tâm" như hành động thứ hai sau đây thì lại càng đáng nể lắm: "Bây giờ vẫn còn hơn vạn tân binh (người Thanh bị bắt), đã tra rõ họ tên, quê quán thì sẽ xin cấp lương, đưa lên cửa ải, đem sổ sách dâng nộp, trao trả!".

Những chỉ đạo trên tinh thần hòa hiếu truyền thống của dân tộc như thế này đã được Ngô Thì Nhậm và tả hữu thực hiện hết sức chu đáo và khéo léo. Do đó, dẫn đến được kết quả là: Vua Càn Long, trước đã ra lệnh điều động 50 vạn quân, giao cho tướng Phúc Khang An giương cờ "Đề đốc cửu tỉnh binh mã", sẵn sàng tràn sang nước Việt, đánh trận phục thù thì nay, đã cải lệnh, cho giải tán lực lượng Nam chinh này. Lại còn xoay chuyển hẳn tình hình và đường lối, không những chấp nhận "giảng hòa" mà còn ban bố nhiều ân điển, ưu đãi cho nước Nam và Quang Trung Nguyễn Huệ nữa.

Vậy là, vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, lịch sử đã chứng kiến không chỉ một đại võ công đánh giặc bảo vệ đất nước mà còn có cả một kỳ tích bang giao thân thiện với tinh thần hòa hiếu quý giá, đạo lý nhân văn cao cả của dân tộc do Quang Trung Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn thực hiện rất hiệu quả.

Chúng ta chưa biết được, khi thực hiện kỳ tích bang giao sau chiến tranh như thế này, Quang Trung Nguyễn Huệ vào mùa Xuân năm 1789 có khảo, kế thừa những bài học và kinh nghiệm từ trong lịch sử thế kỷ XV trước đấy hay không. Nhưng rõ ràng, vào cuối mùa đông năm Đinh Mùi 1427 sang đến những ngày đầu Xuân năm Mậu Thân 1428, dân tộc ta, với Lê Lợi và Nguyễn Trãi, đứng đầu phong trào Lam Sơn, sẵn tinh thần hòa hiếu cổ truyền của mình, đang giữa lúc chiến tranh ác liệt và để kết thúc cuộc chiến 10 năm chống giặc nhà Minh xâm lược và đô hộ cũng đã có những tư tưởng - chủ trương và ứng xử - hành động đáng để đương thời và hậu thế suy ngẫm noi theo tương tự như vậy.

Bấy giờ, giặc nhà Minh xâm lược và đô hộ, do Tổng binh Vương Thông cầm đầu, sau 10 năm đối phó với phong trào Lam Sơn của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, tuy vẫn rất ngoan cố nhưng đã thực sự lâm vào cảnh "thế cùng lực kiệt" như Nguyễn Trãi đã nói trong "Bình Ngô đại cáo". Trong tình hình ấy, nhiều nghĩa sĩ Lam Sơn vì căm hận giặc thù tàn bạo đã đề xuất, đòi hỏi Lê Lợi phải cho "lấy binh mà đánh thắng", "bắt giết hết không tha" toàn bộ lực lượng quân tướng nhà Minh - khi ấy vẫn còn đến 10 vạn quân số - đang đồn trú, cố thủ trong các căn cứ mà đầu não là thành Đông Quan (với 5 vạn quân) của chúng.

Nhưng chính Lê Lợi là người từng được Nguyễn Trãi truyền cho tư tưởng "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo" đã quyết định một chủ trương khác, qua lời phủ dụ các tướng sĩ (về sau, được sách "Đại Việt thông sử" của Lê Quý Đôn ghi lại): "Việc dụng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết! Nay ta cho bọn Vương Thông trở về, nói với vua nhà Minh trả lại đất đai cho ta, không xâm lấn bờ cõi của ta, đó là điều ta không cần gì hơn thế nữa! Hà tất phải giết hết bọn chúng để gây oán với nước lớn làm gì!".

Thế là Nguyễn Trãi - giống như Ngô Thì Nhậm về sau - đã kiên trì và xuất sắc, thực hiện chủ trương đặc sắc đó của Lê Lợi.

Người Việt, nước Việt hòa hiếu - Ảnh 2.

Ảnh: Nguyễn Á

Bảy bức thư liền đã được ngòi bút của "Người viết thư thảo lịch giỏi hơn hết mọi thời" - như lời sử cũ ca ngợi xác đáng họ Nguyễn - thảo và gửi cho Vương Thông, vừa thuyết phục khéo léo vừa làm áp lực mạnh mẽ khiến viên Tổng binh nhà Minh chỉ còn một đường lựa chọn là: Đầu hàng và rút quân.

Không chỉ có thế, để làm yên lòng tướng giặc, Nguyễn Trãi còn đã sẵn sàng - cùng với một danh tướng Lam Sơn là Lưu Nhân Chú - vào thành Đông Quan để làm "con tin", như đã có lần tự bạch: "Miệng hổ lăn mình, quyết nghị hòa để hai nước quan quân được ngơi nghỉ!".

Vậy là cuộc nghị hòa để Vương Thông đầu hàng - rút quân đã thực sự diễn ra. Vấn đề lớn vào lúc này là tìm ra lựa chọn đúng, một hình thức thích hợp, với và cho cuộc đầu hàng - rút quân này.

Một sáng kiến - rất thâm thúy - đã được lựa chọn. Và chắc chắn sáng kiến này là của Nguyễn Trãi. Vì chỉ là người học rộng biết nhiều như Nguyễn Trãi mới lẩy ra được, từ trong lịch sử Trung Hoa, về thời Xuân Thu - Chiến Quốc có việc "thất quốc tranh hùng": bên thắng trận buộc bên bại trận phải mở cửa thành, ra ngoài thành, đứng dưới chân thành mà "ăn thề" - gọi là "Thành hạ minh" (Thề dưới chân thành) - công khai thừa nhận thất bại.

Như thế, một cuộc "Thành hạ minh" đã được ấn định vào ngày 10-12-1427, ở mé ngoài thành Đông Quan, mạn Nam. Lịch sử gọi đó là "Hội thề Đông Quan". Và sau những lời thề độc: Không bao giờ dám sang xâm lược nước Việt lần nào nữa, kèm với lễ uống cạn những chén rượu pha máu, 10 vạn quân giặc nhà Minh đã được an toàn trở về nước! Chúng còn được chu cấp 500 chiếc thuyền, vài ngàn con ngựa với đầy đủ lương thực, có đường sá, cầu cống được sửa sang để rút lui! Và thực tế bắt đầu từ ngày 29-12-1427 đến 3-1-1428, giặc đã rút hết về. Đất nước sạch bóng quân thù. Vừa đúng lúc Xuân sang!

Sử sách về sau gọi đó là "Cuộc trải thảm cho giặc rút lui về nước". Còn Nguyễn Trãi thì, một lần nữa, gọi đó là một "Mưu kế cực kỳ sâu xa, xưa nay chưa từng thấy"!

Vì chỉ có tinh thần hòa hiếu Việt Nam mới làm được nền tảng cho sự xuất hiện những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ và lớn lao, lợi ích như vậy.

Hòa hiếu là bản chất của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó vô cùng sống động.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo