Sáng 11-11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam". Đây là hoạt động trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2020), 70 năm Hội Nhà báo Việt Nam (1950-2020).
Clip buổi tọa đàm
Có tầm ảnh hưởng và sức lan toả
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, cho rằng nhà báo Phan Quang là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang thực sự là một tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp, cần tuyên truyền, học tập và tri ân.
Toàn cảnh Tọa đàm sáng 11-11
Qua các tham luận của các đại biểu tại tọa đàm, ông Phan Quang được đánh giá không chỉ là một nhà báo nằm ở tốp đầu của báo chí của Việt Nam còn là một nhà chính sách, một nhà văn hóa. Bên cạnh đó, nhà báo Phan Quang cũng là một nhà văn và dịch giả tài năng, đa diện; một người hoạt động nghị trường nhiều khóa.
Nhà báo Thuận Hữu phát biểu tại buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, cho rằng đến nay nhà báo, nhà văn Phan Quang đã tròn 92 tuổi đời, 72 năm tuổi nghề, ông vẫn say mê đau đáu với nghề báo, nghề văn như thuở ban đầu. Cuộc đời của ông đã gắn bó với những bài báo, bài văn, cuốn sách, những bản dịch xuất sắc, có sức sống,sức lôi cuốn lớn lao và luôn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp cũng như bạn đọc.
Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
"Ở tuổi xưa nay hiếm, nhà báo Phan Quang vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tạo. Các thế hệ làm báo, làm văn, hoạt động văn hóa yêu quý, nể trọng ở ông lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng trách nhiệm với ngòi bút, với xã hội" - ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Là "cây đại thụ" của làng báo
Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, công chúng, bạn đọc yêu mến nhà báo Phan Quang ở cái tâm, cái tầm, lao động nghiêm túc, bền bỉ, sáng tạo và khiêm nhường. "Ông là người khiêm nhường trong nghề báo, nghề văn hay bất cứ nghề nào khác. Dù trên lĩnh vực nào nếu được kết hợp với tài năng, đức tính nghiêm túc, hiển nhiên góp phần làm nên tầm vóc của chính tác giả. Phan Quang là một người như thế" - PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nhìn nhận.
Nhà báo Phan Quang gửi lời tri ân đến các thầy cô, bạn bè trong quá trình phát triển, đóng góp của bản thân
Tham luận của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nêu rõ nhà báo Phan Quang viết báo, viết văn từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, với nhiều tác phẩm báo chí đầy hơi thở trong cuộc sống và thời cuộc, mang dấu ấn lịch sử. Nhà báo Phan Quang không chỉ có vị trí trong nền báo chí mà còn trên văn đàn Việt Nam. "Với tư cách là người cầm bút tài hoa và có uy lực, với trọng trách là Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và là Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông thuộc hàng những cây đại thụ của nền báo chí Cách mạng Việt Nam đương đại cùng thế hệ với các nhà báo nổi tiếng như: Thép Mới, Hữu Thọ, Đỗ Phượng, Trần Công Mân, Hà Đăng… Ngoài ra, với nhiều tập bút ký duyên dáng, ông là một tài văn được ngưỡng mộ"- ..."- Nhà báo Hồ Quang Lợi nêu rõ.
Nhà báo Phan Quang chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu, gia đình tại buổi tọa đàm
Cùng với đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, với nhiều tác phẩm văn học dịch, nổi tiếng nhất là Nghìn lẻ một đêm mà đến năm nay đã tái bản tới lần thứ 39, ông là một trong những dịch giả được yêu quý nhất. "Chính phong thái điềm tĩnh, ứng xử linh hoạt, chuẩn xác, thông thạo ngoại ngữ... đã đưa ông vào hàng chính khách có uy tín. Cùng với những đóng góp đáng quý để truyền tỏa, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, ông là một nhà văn hóa đích thực" - ông Hồ Quang Lợi đánh giá.
Bình luận (0)