Nhà hát Sông Hương nằm trong khu vực Học viện Âm nhạc Huế ở số 1, đường Lê Lợi (TP Huế), do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, với số vốn gần 200 tỉ đồng.
Hệ thống la phong bằng gỗ bị rơi nhiều tấm
Dự án được khởi công vào năm 2017, do Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo và Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) trúng thầu thi công.
Những tấm gỗ la phông rơi xuống đang nằm dưới đất
Nhà hát có quy mô 1.000 chỗ ngồi, tận dụng tối đa không gian phục vụ cho các chức năng khác nhau. Kiến trúc nhà hát được thiết kế độc đáo, trở thành điểm nhấn của không gian đô thị Huế, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.
Trong công tác xây dựng, từ vật liệu xây dựng, ngói lợp, nội thất, màu sắc trang trí… đều được đơn vị thi công chú trọng nghiên cứu kỹ càng.
Với công năng là nhà hát đa chức năng, ở nhà hát có thể biểu diễn nhạc thính phòng, ca múa nhạc, xiếc và các loại hình nghệ thuật khác, đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo chuyên ngành...
Khu vực hư hỏng nhiều nhất đối diện với sông Hương
Dự án tọa lạc ngay sát với bờ sông Hương và sông An Cựu, kết hợp với đường đi bộ ven sông tạo nên điểm nhấn về một công trình văn hóa, kiến trúc độc đáo nên tạo điểm nhấn cho TP Huế. Công trình này đã hoàn thành, chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3-2020 và được bẩu chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh Thừa Thiên – Huế trong năm 2020.
Thế nhưng, chưa đầy một năm đưa vào sử dụng, công trình Nhà hát Sông Hương hiện đã xuất hiện sự hư hỏng ở trần la phong ngoài tiền sảnh khiến cho nhiều người nghi ngờ về chất lượng.
Hướng đối diện sông An Cựu cũng xuất hiện nhiều tấm la phông bị rơi
Sáng 19-2, có mặt tại Nhà hát Sông Hương, chúng tôi ghi nhận hạng mục trần la phông khu vực đối diện với sông Hương và sông An Cựu với khoảng 20 tấm gỗ bị rớt, trong đó nặng nhất ở hướng sông Hương. Nhiều tấm la phông bị rơi để lại những lỗ trống hoác bên trên trần tạo hình ảnh rất nhếch nhác. Ngoài ra, một số vị trí la phông có hiện tượng bung ra, chực chờ rơi xuống đất.
Hệ thống giàn giáo được dựng lên để sửa chữa
Theo ghi nhận, trần la phong nằm ở độ cao hơn 10 m và được thiết kế bằng các tấm gỗ có chiều dài chừng 2 m, rộng 20 cm và dày tầm 2 cm. Hệ thống la phông màu vàng tạo thành điểm nhấn, không gian hài hòa với cảnh quan xung quanh nên khá thu hút.
Cảnh báo vật rơi nguy hiểm
Nơi đây hàng ngày có rất đông người đến uống cà phê, vì vậy những tấm gỗ này bị bung ra và rơi xuống đất rất nguy hiểm cho mọi người.
Bên trong Nhà hát Sông Hương có quán cà phê 2 tầng và khách đến đây hàng ngày chủ yếu để uống cà phê
Đơn vị quản lý nhà hát đã dựng bảng cảnh báo nguy cơ vật rơi phía trên, cấm người ra vào khu vực này. Đồng thời dựng dàn giáo để chuẩn bị thi công, sửa chữa.
Cận cảnh la phông của Nhà hát sông Hương bị rơi
Ông Phạm Quốc Toản, Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo, cho biết hệ thống gỗ la phông ở dự án này được cố định bằng đinh vít và kết nối với mái tôn lợp trên cùng bằng giàn sắt. Nguyên nhân một số tấm bị bung ra và rơi xuống đất là do mái tôn che phía trên bị bão thổi bay, khiến cho nước tràn vào làm lỏng đinh vít. "Tôn lợp ở trên cùng là loạt đặc chủng, chúng tôi mới đặt được hàng đưa về và đang tiến hành sửa chữa" - ông Toản cho biết.
Bình luận (0)