Cho đến sáng nay 11-2, hàng chục hộ dân ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vẫn tiếp tục kéo nhau ra tập trung ra trước cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà đóng trên địa bàn thôn này để chăng dây dựng rạp, băng rôn, tấm bẫy dính ruồi muỗi… phản đối việc nhà máy này gây ô nhiễm khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Ngoài ra, họ còn chặn không cho các xe tải vận chuyển rác thải vào nhà máy, đồng thời đề nghị nhà máy trả lại môi trường trong sạch cho cụm hơn 40 hộ dân của thôn.
Người dân kéo nhau ra dựng rạp trước cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để phản đối việc nhà máy này hoạt động gây ra ô nhiễm môi trường
Ông Nguyễn Tiến Phừng (61 tuổi, trú tại thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh), cho biết vì quá bức xúc trước sự ô nhiễm do nhà máy gây ra nên từ sáng ngày 7-2 (mùng 3 Tết Kỷ Hợi), ông cùng nhiều hộ dân khác ở trong thôn đã kéo nhau ra tập trung dựng rạp chặn trước cổng nhà máy và sẽ tiếp tục chặn thêm nữa.
"Các chú có sống đây mới biết, chúng tôi khổ quá rồi, việc nhà máy xử lý rác thải Phú Hà hoạt động đã khiến ruồi muỗi bay vào nhà dày đặc thành từng lớp. Đến bữa cơm, nếu không mắc màn thì cũng phải người cầm một tô vừa ăn vừa đuổi ruồi. Ngoài ra, mùi hôi thối bốc lên tỏa ra không khí khiến chúng tôi không tài nào chịu được, nhất là trước trong và sau Tết. Nhiều khi khách đến nhà chơi Tết mà cả khách và chủ chỉ biết nhìn nhau cười ngượng ngùng. Sự việc thì đã xảy ra từ nhiều năm nay rồi, nguyện vọng của chúng tôi là được di dời ra khỏi khu vực này đến khu tái định cư càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cho đến nay, các cấp vẫn chưa có lộ trình, quyết định ngày tháng di dời cụ thể nào. Người dân chúng tôi thì cứ dài cổ chờ đợi, hỏi chính quyền thì chỉ được nghe mãi một điệp khúc là đang chỉ đạo làm, chúng tôi chỉ còn biết cười ra nước mắt mà thôi" - ông Phừng bức xúc nói.
Sáng nay 11-2, trao đổi qua điện thoại, ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho hay sự việc người dân kéo ra chặn trước cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà trong mấy ngày nay huyện đã nắm bắt được. "Hiện tại chúng tôi đang hội ý với các bên liên quan, để tìm ra hướng giải quyết hợp lý, còn nguyên nhân khiến người dân phải có những hành động như vậy là do ruồi muỗi từ trong nhà máy bay ra nhà dân quá nhiều khiến cuộc sống thường ngày của họ bị đảo lộn. Trước mắt, từ ngày 8-2 đến 10-2, địa phương đã cho tập trung phun diệt ruồi muỗi cả trong và ngoài nhà máy. Đến thời điểm này, trong nhà máy đã cơ bản gọn việc ruồi muỗi; còn phía ngoài nhà máy đang tiếp tục vận động người dân phun xử lý tiêu độc, khử trùng diệt ruồi muỗi, sau khi xử lý xong ruồi muỗi sẽ trao đổi với người dân cặn kẽ. Song song với đó là vận động, tuyên truyền cho người dân về các nội dung mà họ yêu cầu về tiến độ tái định cư, tiến độ triển khai dự án… để người dân hiểu rõ và đồng thuận sớm rút khỏi cổng nhà máy" - ông Hoàn nói.
Ông Hoàn cũng cho biết thêm: "Hiện tại, huyện đã phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư và đang tập trung giải phóng mặt bằng để triển khai dự án tại khu vực Đồng Bàu-Rộc Rỏi, xã Kỳ Tân. Tuy nhiên, do còn vướng mắc ở một số thủ tục nên việc triển khai dự án còn hơi chậm, huyện sẽ cố gắng phấn đấu trong năm 2019 này sẽ hoàn thành, vì đây là việc làm cần kíp và liên quan đến nhiều chủ trương chung của huyện".
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã phản ánh, trong tháng 2 và tháng 8-2018, người dân ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, cũng đã kéo nhau ra tập trung dựng rạp chặn ngang trước cổng Nhà máy Xử lý rác thải Phú Hà nhằm phản đối việc nhà máy này gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại và cam kết sẽ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Trước sự việc trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản số 5247 đồng ý cho UBND huyện Kỳ Anh thực hiện lập phương án hỗ trợ bồi thường, di dời, tái định cư cho các hộ dân ở thôn Nam Xuân Sơn có nhà ở nằm trong phạm vi ảnh hưởng xung quanh Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà về khu vực Đồng Bàu-Rộc Rỏi, xã Kỳ Tân. Tuy nhiên, cho đến nay việc di dời vẫn chưa được triển khai, và người dân vẫn hằng ngày phải "sống chung" với sự ô nhiễm do nhà máy này gây ra.
Bình luận (0)