Ghi nhận suốt từ đầu tháng 12-2019 đến những ngày cao điểm đi lại Tết hiện tại, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về việc nhiều nhà xe coi thường quy định pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách ở TP HCM nhưng vẫn "nhẹ nhàng lọt qua mắt" các cơ quan chức năng.
Điểm mặt hàng loạt nhà xe làm liều
Ngoài tình trạng ôtô ngang nhiên đón, trả khách dọc đường, các trạm xăng..., nhiều nhà xe tranh thủ dịp Tết để chèn ép khách, nâng giá vé gấp nhiều lần mức giá ở các bến xe áp dụng, chúng tôi còn ghi nhận hàng loạt nhà xe tại TP HCM đang hoạt động "núp bóng" chạy hợp đồng, du lịch nhưng thực tế đón, trả khách như những tuyến cố định. Đó là các nhà xe công bố giá vé, lộ trình xe chạy và đón, trả khách tại văn phòng như những vị trí cố định nhiều năm, với tần suất liên tục hàng chục chuyến xe mỗi ngày. Tình trạng này có thể "điểm mặt" hàng loạt nhà xe, từ lớn đến nhỏ đang hoạt động tại TP như Thành Bưởi, Võ Cúc Phương, Cường Thủy, Kim Mạnh Hùng,...
Đặt vé xe trên website của nhà xe Thành Bưởi chặng TP HCM - Đà Lạt, chúng tôi dễ dàng lựa chọn địa điểm lên xe, không phải ra bến hay qua bất cứ hình thức trung chuyển nào. Cụ thể, trường hợp tự ra trạm, điểm lên xe hiển thị ở địa chỉ 266 Lê Hồng Phong (quận 5), còn trên lộ trình xe chạy, sẽ đón ở địa chỉ 630 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Giá vé được hãng xe này công bố cụ thể trên website, khi giá vé ngày thường áp dụng 230.000 đồng và hiện tăng lên 290.000 đồng/vé do thời điểm gần Tết. Trong khi theo quy định, đối với những xe hợp đồng, nhà xe không được bán vé, thu tiền, xác lập đặt chỗ dưới mọi hình thức. Đồng thời, hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Vì vậy, với phương thức như trên, việc bán vé diễn ra công khai và mỗi khách có nhu cầu mua vé đều được nhà xe gom vào một hợp đồng chung cùng những hành khách khác trên chuyến xe.
Xe Kim Mạnh Hùng nối đuôi nhau dừng đậu, chờ đón, trả khách trên đường Nguyễn Duy Dương (quận 5, TP HCM) chiều 14-1 Ảnh: GIA MINH
Đường Điện Biên Phủ - nơi có văn phòng của nhà xe Thành Bưởi - luôn nhộn nhịp vào thời điểm khuya mỗi ngày. Bất chấp lệnh cấm, xe khách vẫn nghênh ngang dừng đậu dưới lòng đường đón, trả khách. Nhiều thời điểm, xe trước chưa đi, xe sau đã tới, xếp thành hàng từ 6-7 chiếc để dừng chờ đón khách. Phía trong, toàn bộ không gian công cộng trước văn phòng của nhà xe này, bàn ghế sắp sẵn, khách đứng tấp nập chờ xe. Hàng loạt taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, cũng liên tục tới khu vực này dừng đậu chở khách, gây lộn xộn, bát nháo không khác gì một bến xe thu nhỏ. Cách đó không xa là sự bung ra hoạt động của hàng loạt nhà xe khác như Võ Cúc Phương, Cường Thủy, Kim Mạnh Hùng... Tần suất hoạt động của xe khách thuộc những hãng này dày đặc, đặc biệt là thời điểm chiều mỗi ngày. Nhiều xe dùng chiêu "nhá" xi-nhan nhưng thực chất lại dừng từ 15-20 phút để chờ đón khách và xếp dỡ hàng hóa. "Ăn theo" những xe này, hàng loạt xe khách vãng lai, từ loại 16 chỗ đến lớn hơn, cũng tập trung tới đón, trả khách tại đoạn đường trên, thậm chí ngang nhiên dừng ngay dưới bảng cấm.
Trước nỗi bức xúc của người dân, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM áp dụng lệnh cấm dừng, đậu trên đường Điện Biên Phủ đoạn qua khu vực trên từ ngày 8-12-2019. Nhưng theo thực tế ghi nhận của chúng tôi, tình trạng đón, trả khách sai quy định ở nơi đây có giảm đôi chút nhưng lại tăng ở khu vực nội đô. Đơn cử như chiều 14-1, tại khu vực quận 5, hàng loạt tuyến đường như Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương..., xe khách của nhà xe Võ Cúc Phương, Kim Mạnh Hùng, Thịnh Phát..., liên tục dừng đậu đón trả khách, gây bát nháo và lộn xộn... Các nhà xe như Hoa Mai, Toàn Thắng…, hoạt động tuyến cố định từ Bến xe Miền Tây đi Vũng Tàu nhưng vẫn vào trung tâm TP đưa đón khách mà không hề bị "sờ gáy" (!?).
Bán luôn cả khách!
Một hiện tượng lạ mà chúng tôi ghi nhận được trong quá trình đi thực tế, đó là xuất hiện tình trạng nhà xe này "bán" khách cho nhà xe khác một cách công khai và cũng hoạt động dạng trá hình. Trong vai hành khách đến văn phòng của nhà xe Phương Trang trên đường Đề Thám (quận 1) hôm 25-12-2019, chúng hỏi mua vé từ TP HCM đi Vũng Tàu. Tại đây, một nam nhân viên nhanh chóng hướng dẫn chúng tôi qua một địa điểm bán vé khác, tại số 205 đường Phạm Ngũ Lão, cách văn phòng này vài trăm mét.
Xe khách dừng đậu xếp dỡ hàng hóa, chờ đón khách trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TP HCM) ngày 14-1 Ảnh: GIA MINH
Thế nhưng, khi tới địa chỉ nêu trên, chúng tôi khá bất ngờ bởi đó là một tòa nhà với thông tin "Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Tân Phát Đạt Express". Trong văn phòng tại địa chỉ này có 2 nhân viên, cũng không mặc đồng phục của nhà xe Phương Trang. Thắc mắc vì sao không mua vé được ở chi nhánh Đề Thám, nam nhân viên tại văn phòng giải thích: "Bây giờ đi Vũng Tàu thì mình chỉ mua bên đây thôi vì xe lớn sẽ đón luôn tại đây và chạy thẳng theo đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, giảm thời gian rất nhiều".
Nói xong, nam nhân viên hỏi chúng tôi ngày, giờ xuất phát, số điện thoại và chọn ghế. Sau đó, người này đưa một tờ giấy nhỏ ghi tất cả các thông tin và dặn dò đến trước 10 phút tại văn phòng này để chờ xe chạy. Không đồng ý, tôi yêu cầu có vé xe thì nam nhân viên tiếp tục giải thích là đi ngày nào mới xuất vé ngày đó, còn cái này là giấy để đặt chỗ, ngày mai sẽ có vé khác và khi lên xe thì mới thu tiền.
Ông Nguyễn Thanh Trọng (người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải hành khách) nói theo quy định, đối với xe hợp đồng, trước khi thực hiện hợp đồng được ký kết, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo với cơ quan chức năng các thông tin cơ bản của chuyến đi như hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng... Các xe hợp đồng không được bán vé, đặt vé qua mạng và thu tiền trực tiếp… "Việc lật mặt các nhà xe không phải là quá khó nếu các cơ quan chức năng chịu khó tách từng người ra để hỏi về quá trình mua vé, đặt chỗ của họ" - ông Trọng nói và cho rằng có sự lắt léo trong cách làm, cách quản lý vận tải hành khách nên tình trạng trên mới không thể trị dứt điểm.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, trong 4 lần đi xe cố định đội lốt xe hợp đồng, chúng tôi không thấy lực lượng chức năng thử lên xe "điều tra" hành khách xem có phải là khách du lịch đi cùng nhau hay không (!?).
Xe từ bến ra vẫn đón khách "chui"
Bắt đầu vào cao điểm Tết, nhu cầu đi lại tại TP HCM đang đặc biệt tăng cao và không chỉ những xe hoạt động bên ngoài bát nháo đón, trả khách mà thậm chí cả xe trong bến khi vừa đi ra liền đón khách "chui".
Trong khi đó, tại cửa ngõ về miền Tây, tình trạng xe đón khách dọc đường cũng khá rầm rộ, tuy nhiên theo lãnh đạo Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), đa phần là các xe hoạt động ngoài bến tới "gom" khách. Lý do là đối với những xe hoạt động trong bến, trường hợp nếu từ bến đi ra và đón khách trên đường chỉ có thể thực hiện được một đoạn ngắn từ bến xe này tới cao tốc TP HCM - Trung Lương. Trong khi đó, trục đường này hiện đang được nhiều lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, chốt trực, trong khi mật độ xe cũng rất đông nên khi xe khách muốn tấp vào lề để đón, trả khách thì sẽ rất khó thực hiện và không dám "liều" bởi sợ bị xử phạt ở mức cao.
Tại khu vực xung quanh Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), nhiều xe khách khi vừa xuất bến đã tấp ngay vào lề đường bên Quốc lộ 13 để đón khách...
Kỳ tới: Biết hết nhưng... chịu thua!
Bình luận (0)