Trong những năm qua, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phát triển vượt bậc về mọi mặt, nhất là du lịch biển. Nhưng kèm theo đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường do các hoạt động công nghiệp, xây dựng gây ra, đe dọa đến các hòn đảo xinh đẹp của huyện đảo này.
Bí chỗ nên đổ bừa
Du khách đến đảo Bé thuộc đảo Lý Sơn những ngày này không khỏi giật mình trước cảnh quan nơi đây bị xáo trộn nghiêm trọng. Bao bọc xung quanh cầu cảng của hòn đảo được mệnh danh thiên đường này là những đống chất thải xây dựng chất cao như núi. Cạnh các rạn san hô ven đảo cũng có hàng chục điểm đổ chất thải do các đơn vị thi công lén lút đổ xuống.
Ông Trần Tuấn, một người dân trên đảo Bé, phản ánh tình trạng đổ chất thải rắn xuống biển xảy ra gần 2 năm qua. "Rất nhiều du khách đến đây than phiền vì những đống chất thải tàn phá cảnh quan xinh đẹp quanh đảo. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị ngăn chặn các công trình đổ chất ra khu vực bờ biển nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết" - ông Tuấn bức xúc.
Chất thải rắn đổ bừa bãi ở cầu cảng đảo Bé
Ông Lâm Văn T., đại diện một đơn vị thi công ở khu vực cầu cảng đảo Bé, cho biết trước khi dự án nâng cấp cầu cảng đảo Bé được triển khai, các đơn vị thi công được phép đổ chất thải xây dựng xuống biển, cách cầu cảng 1 km. Nhưng hiện nay, các ngành chức năng không cho phép đổ chất thải như thế nữa vì sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn biển Lý Sơn. Do không có chỗ đổ nên "đành để tạm" ở khu vực cầu cảng.
Không chỉ ở đảo Bé, tại đảo Lớn, chất thải xây dựng cũng bị đổ bỏ tràn lan, chất thành hàng đống cao, vây khắp đảo. Những núi chất thải này tồn tại nhiều năm qua gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan chung của đảo Lý Sơn.
Khó giải quyết
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi kiêm Giám đốc Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, xác nhận có tình trạng lén lút đổ chất thải xuống biển. "Việc này không những làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn các rạn san hô quanh đảo. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những đơn vị, cá nhân xả thải xuống biển, ảnh hưởng đến việc bảo tồn biển" - ông Toàn nói.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, thừa nhận chính quyền địa phương đang gặp khó trong việc tìm phương án xử lý chất thải rắn. "Chúng tôi nghiên cứu phương án vận chuyển chất thải rắn vào đất liền nhưng như thế rất tốn chi phí, khó thực hiện. Phương án chôn lấp cũng không khả thi vì diện tích Lý Sơn có hạn, trong khi đổ ra biển lại ảnh hưởng nặng đến cảnh quan, hư hỏng các rạn san hô quanh đảo" - bà Hương phân trần.
Vì bí cách giải quyết nên theo bà Hương, chính quyền huyện Lý Sơn cũng đã nhiều lần có văn bản báo cáo lên lãnh đạo tỉnh để có hướng chỉ đạo xử lý.
Thu gom để làm đường
Đại tá Nguyễn Tấn Lâm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi (chủ đầu tư phần lớn các dự án ở Lý Sơn), cho biết phương án xử lý chất thải rắn ở Lý Sơn hiện nay đã được các đơn vị liên quan họp bàn thống nhất. Theo đó, sẽ cho thu gom toàn bộ khối lượng chất thải đã đổ trên các đảo về đảo Lớn để phục vụ thi công dự án đường cơ động giai đoạn 3. "Không chỉ riêng dự án nâng cấp cầu cảng ở Lý Sơn, sau này ở các dự án khác do chúng tôi làm chủ đầu tư cũng kiến nghị sẽ xử lý như thế. Việc làm này tiết kiệm kinh phí và không ảnh hưởng đến Khu Bảo tồn biển Lý Sơn" - đại tá Lâm khẳng định.
Bình luận (0)