Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM vừa phối hợp Học viện Cán bộ TP HCM tổ chức hội thảo khoa học tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Rất nhiều tham luận của cơ quan, đơn vị đã gửi đến hội thảo, trong đó có một số tham luận đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Tham luận của Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM cho biết để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ "phải ra sức củng cố các chi bộ, để các chi bộ trở nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi".
Toàn cảnh hội thảo thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị do Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM phối hợp Học viện Cán bộ TP HCM tổ chức.Ảnh: THU HƯỜNG
Ý thức tốt trong sinh hoạt chi bộ bắt nguồn từ nhận thức về vị trí của chi bộ trong bộ máy tổ chức và cơ chế vận hành của Đảng. Chi bộ là hạt nhân, hạt nhân tốt thì Đảng khỏe mạnh và hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước. Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục đội ngũ đảng viên thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ. Thấy rõ tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ để sẵn sàng góp ý xây dựng chi bộ và nêu cao tinh thần tự giác, chủ động của từng đảng viên.
Song song đó, để buổi sinh hoạt chi bộ có chất lượng thì cấp ủy, bí thư chi bộ hoặc người được phân công điều hành các buổi sinh hoạt phải tạo ra được không khí dân chủ, cởi mở, chân thành, thẳng thắn, khơi gợi được nhiều ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng, phải tạo điều kiện để mỗi đảng viên mạnh dạn, thẳng thắn trình bày ý kiến của mình. Tôn trọng quyền bảo lưu ý kiến của đảng viên thuộc về thiểu số, giải quyết các phần việc gọn gàng, đúng quy định...
Ngoài ra, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng, nhân sinh quan cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; giữ gìn tính kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.
Nâng cao khả năng "tự bảo vệ"
Theo TS Vũ Thị Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì cần phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập lý luận, rèn luyện, nâng cao lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, nắm vững cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng.
Đây là yêu cầu cần thiết để nâng cao khả năng "tự bảo vệ" của mỗi cán bộ, đảng viên trước những tác động và ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Đảng vững vàng vượt qua thử thách chỉ khi Đảng có đội ngũ cán bộ, đảng viên được giáo dục, rèn luyện tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng.
"Thực tế những năm qua cho thấy sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Vì vậy, cùng với sự giáo dục nghiêm túc của tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất đạo đức, lối sống, cả về tư tưởng chính trị, thường xuyên học tập, nghiên cứu để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện cho đúng, cho đầy đủ" - TS Vũ Thị Nghĩa nói.
Ông Đỗ Quyết Thắng, Phó trưởng Phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cho rằng mục tiêu của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái là nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể đấu tranh tư tưởng. Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hành vi của cán bộ, đảng viên về ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái.
Theo ông Thắng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp cho việc lan tỏa các thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng đầu tư cho tuyên truyền trên internet, mạng xã hội phù hợp với xu thế; chủ động định hướng tuyên truyền trên báo chí, lấy đó là hạt nhân, là địa chỉ đỏ để lan tỏa thông tin tích cực...
PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, cho biết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn dân hiện nay. Nghị quyết số 35-NQ/TW nêu rõ: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Phát huy vai trò của báo chí
Để phát huy vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, theo ThS Nguyễn Hạnh Quyển, Học viện Chính trị khu vực II, cần tiếp tục đa dạng hóa các bài báo, tạp chí, tăng cường sử dụng các bài viết có chất lượng cao, dễ đọc, dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích, các bài phỏng vấn nhanh để dễ dàng, nhanh chóng tuyên truyền, lan tỏa trong xã hội. Nội dung các bài viết, bài báo phải là công cụ sắc bén nhằm nâng cao tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính phê phán...
Đẩy mạnh hơn nữa việc phát hành sách, báo, tạp chí... với nội dung tuyên truyền, đấu tranh, phản bác, đáp trả nhanh nhạy, kịp thời và huy động đông đảo lực lượng tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng sự tương tác đa chiều với độc giả. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực, rèn luyện tinh thần thép, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên, nhà báo... để xây dựng khả năng đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch.
Bình luận (0)